Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa
  • Liên kết website
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 38

    Hôm nay: 1913

    Đã truy cập: 11216540

Nguồn vốn cho quản lý, bảo trì đường bộ mới đáp ứng 44% nhu cầu

Chiều 18/10/2018, Bộ GTVT tổ chức cuộc họp nghe báo cáo Đề án xác định nhu cầu vốn, công tác bảo trì quốc lộ đến năm 2030.

Công tác bảo trì đường bộ còn nhiều khó khăn do thiếu vốn (Ảnh minh họa)

Tại cuộc họp, đại diện Tư vấn - Viện Chiến lược và Phát triển GTVT cho biết thời gian qua mạng lưới giao thông đường bộ và đặc biệt là hệ thống đường quốc lộ đóng vai trò quan trọng, then chốt trong việc đảm bảo giao thông vận tải và phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Các kết quả nghiên cứu thực tế của các nước trên thế giới cho thấy, chi 1 đồng cho bảo trì đường bộ sẽ tiết kiệm được 3 đồng khi phải đầu tư xây dựng mới các tuyến đường. mặt khác trong bối cảnh ngày càng gia tăng khối tài sản đường bộ, vai trò của các hoạt động bảo trì đường bộ đã trở thành rất cần thiết và đặc biệt quan trọng.

Theo đó, kể từ năm 2013 khi Quỹ Bảo trì đường bộ đi vào hoạt động, công tác quản lý, bảo trì hệ thống đường bộ ngày càng được cải thiện, đã tập trung giải quyết các hư hỏng trên hệ thống quốc lộ. Tuy nhiên, nguồn Quỹ Bảo trì Trung ương hiện nay chưa đáp ứng được như cầu tối thiểu của công tác bảo trì hệ thống quốc lộ, trong đó năm 2018 mới chỉ đáp ứng được 34,81% nhu cầu. Hiện nay, nguồn vốn cho công tác quản lý, bảo trì mới chỉ đáp ứng được 44,05% nhu cầu bằng nguồn thu sử dụng đường bộ và hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Thực tế cho thấy còn 66% chiều dài quốc lộ quá thời hạn sửa chữa định kỳ vẫn chưa được bảo trì do thiếu vốn.

“Việc triển khai xây dựng Đề án làm cơ sở báo cáo cấp thẩm quyền cân đối bố trí vốn, đồng thời tạo sự chủ động trong việc xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện hiệu quả công tác quản lý, bảo trì là rất cần thiết và cấp bách. Đề án này xác định đầy đủ, khoa học về nhu cầu vốn quản lý, bảo trì quốc lộ đến năm 2030 theo quy định”, đại diện tư vấn cho biết.

Trên cơ sở phân tích hiện trạng hệ thống quốc lộ, quy hoạch và định hướng phát triển hệ thống quốc lộ đến năm 2030; đánh giá hiện trạng công tác quản lý, bảo trì quốc lộ, Tư vấn đã đưa các nội dung cụ thể về việc xác định nhu cầu vốn, bảo trì quốc lộ đến năm 2030.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chủ trì cuộc họp

Cụ thể, về nguyên tắc tính toán thì việc xác định nhu cầu vốn, quản lý quốc lộ phải đảm bảo tính khoa học, phù hợp với điều kiện thực tế và các quy định hiện hành của pháp luật; tính đúng, tính đủ nhu cầu nhằm đảm bảo duy trì điều kiện khai thác hiệu quả và an toàn của hệ thống quốc lộ hiện tại và tương lai một cách bền vững; căn cứ vào các điều kiện về số liệu, phạm vi vùng miền, điều kiện địa hình  để đề xuất phương án tính toán đơn giá cho phù hợp, đảm bảo tính đại diện của sáu vùng miền và điều kiện địa hình đồng bằng, trung du, miền núi…

Việc xác định nhu cầu vốn quản lý, bảo trì hệ thống quốc lộ đến năm 2030 sẽ gồm công tác bảo dưỡng thường xuyên; sửa chữa định kỳ; sửa chữa đột xuất và các sửa chữa khác.

Tại cuộc họp, lãnh đạo các cơ quan tham mưu của Bộ đã trao đổi, đặt ra câu hỏi liên quan đến cơ sở pháp lý về thời gian bảo trì các quốc lộ, đề nghị tư vấn bổ sung vào đề án các nội dung quản lý chi phí bảo trì hiệu quả, tính toán thời gian thực hiện đề án…

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, công tác quản lý, bảo trì đường bộ là một cuộc cách mạng, không chỉ lập đề án xác định nhu cầu vốn mà còn cần phải tuyên truyền, vận động để xã hội hiểu tầm quan trọng của việc duy tu, bảo trì đường bộ, cần phải làm nổi lên một bức tranh tổng thể để địa phương thấy công tác bảo trì không chỉ cần ở đường cấp trung ương mà ở cả các tuyến đường địa phương; địa phương cũng phải tăng tỷ trọng cho nguồn bảo trì.

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể lưu ý các đơn vị xây dựng đề án cần đánh giá đúng tình hình, cụ thể hóa số liệu, đánh giá tình hình phải chia nhỏ theo khu vực như vùng núi Tây Bắc, vùng đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ, Tây Nam bộ…., thống kê mỗi khu vực có bao nhiêu dân số, bao nhiêu Km đường quốc lộ và tình trạng đường khu vực này như thế nào…

“Ngoài việc nhấn mạnh tầm quan trọng của Đề án, xác định được thực tiễn, hiện trạng công tác quản lý, bảo trì đường bộ, tổng hợp nhu cầu vốn thì Tư vấn và các đơn vị liên quan phải đưa ra được các giải pháp để cải tiến công tác duy tu, sửa chữa đường bộ từ máy móc thiết bị, tổ chức đầu thầu, tổ chức thi công, ứng dụng khoa công nghệ… vào Đề án này”, Bộ trưởng yêu cầu.

Nguồn: tapchigiaothong.vn

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ Sở Giao thông Vận tải Thanh Hóa

Chịu trách nhiệm : Trưởng Ban biên tập

Địa chỉ: 42 Đại lộ Lê Lợi, TP Thanh Hóa

Điện thoại: (02373)852.360; Fax: (02373)855.129; Email: sgtvt@thanhhoa.gov.vn