73 năm Truyền thống ngành GTVT (28/8/1945 - 28/8/2018): Con đường phía trước
Có những giai đoạn cả đất nước là một “đại công trường”, đâu đâu cũng rộn ràng tiếng búa, tiếng máy xúc máy đào, mùi cháy khét của nhựa đường đang chờ trải thảm. Những con đường, cây cầu cứ thế được hình thành, nối kết các vùng miền, mang đến cho người dân những giá trị đặc biệt. Tiếp nối truyền thống, hôm nay ngành GTVT đang tích cực chuẩn bị điều kiện để thực hiện những “đại dự án” tầm cỡ mang tính chiến lược.
Cầu Tân Vũ - Lạch Huyện
Kỷ niệm 73 năm Truyền thống ngành GTVT (28/8/1945 - 28/8/2018), lớp lớp CB, CNV ngành GTVT ra sức thi đua, lao động sản xuất với phương châm hành động “Siết chặt kỷ cương, chung tay xây dựng bộ máy liêm chính, hành động, hiệu quả”. Truyền thống “Đi trước mở đường” vẫn luôn là sợi chỉ xuyên suốt trong suy nghĩ và hành động của những người làm GTVT.
Mỗi giai đoạn lịch sử, ngành GTVT gánh vác sứ mệnh khác nhau, phù hợp với điều kiện thực tiễn của đất nước cũng như xu thế phát triển toàn cầu. Những ngành, những lĩnh vực của ngành GTVT có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế quốc dân, trực tiếp phục vụ người dân và doanh nghiệp. Những khẩu hiệu: “4 xin - 4 luôn”, “Vì sự hài lòng hơn của người dân và doanh nghiệp” luôn được CB, CNV ngành GTVT vận dụng linh hoạt, hiệu quả, thể hiện sự cầu thị, tận tâm trong một nền hành chính cải cách được Chính phủ đánh giá cao.
Những công trình trọng điểm mang tính chiến lược đã và đang được lãnh đạo Bộ GTVT trực tiếp kiểm tra, tăng cường công tác quản lý chất lượng, đẩy nhanh tiến độ thi công như: Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ (giai đoạn 2), đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Bến Lức - Long Thành, Trung Lương - Mỹ Thuận... Đối với Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đến nay đã hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) và đang tiến hành thẩm định hồ sơ của 3 dự án (đoạn Mai Sơn - QL45, QL45 - Nghi Sơn và Phan Thiết - Dầu Giây), đồng thời tiếp tục tập trung hoàn thành báo cáo FS của các dự án còn lại theo đúng kế hoạch đề ra. Đây là dự án có quy mô và mang ý nghĩa đặc biệt đối với đất nước nói chung và ngành GTVT nói riêng.
Để đáp ứng nhu cầu hành khách đi lại bằng đường hàng không tăng cao, Bộ GTVT đã ký hợp đồng tư vấn lập FS tổng thể Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành. Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến giao Bộ GTVT chủ trì phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất theo thẩm quyền. Hiện nay, Bộ GTVT đang tập trung hoàn thiện quy hoạch, đồng thời khẩn trương chuẩn bị các thủ tục để chuẩn bị đầu tư ngay sau khi Quy hoạch chi tiết được phê duyệt. Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng đang tập trung hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam, báo cáo Chính phủ và Quốc hội thông qua chủ trương trong thời gian tới.
Những tuyến đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Hà Nội - Hải Phòng...; những cây cầu Cao Lãnh, cầu vượt biển Tân Vũ - Lạch Huyện… đã chứng minh giá trị mà nó mang lại, là chất kết dính giữa các vùng miền, các địa phương, có ý nghĩa chiến lược về mặt an ninh - quốc phòng.
73 năm, trải qua bao gian lao khó nhọc, từ những cây cầu thô sơ, những con đường tranh thủ thi công cho kịp thông xe đưa vũ khí, đạn dược từ hậu phương vào tiền tuyến, đến nay ngành GTVT đã có một “cơ ngơi” hạ tầng khang trang, bề thế, từng bước được hiện đại hóa trong tiến trình phát triển, đi lên của đất nước.
Trên tất cả các lĩnh vực của ngành GTVT đều có sự đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý, lấy sự tăng trưởng và hiệu quả làm thước đo đánh giá chất lượng. Cả Đường bộ, Hàng hải, Hàng không, Đường sắt, Đường thủy nội địa và Đăng kiểm thời gian qua đã có nhiều bước tiến quan trọng, đưa công nghệ tiên tiến vào quản lý điều hành, sản xuất kinh doanh. Để nâng cao chất lượng công trình, ngành Đường bộ đã áp dụng nhiều phương pháp thi công tiên tiến, vật liệu mới, công nghệ mới theo hướng làm chủ công nghệ, không những tiết giảm chi phí, tăng tuổi thọ công trình mà còn đảm bảo các điều kiện về môi trường, kiến trúc, cảnh quan chung. Đối với ngành Hàng hải những năm gần đây, sản lượng hàng hóa container thông qua cảng và lĩnh vực vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu đều có sự tăng trưởng, vai trò của đội tàu ngày càng được củng cố.
Trên bầu trời hội nhập, hàng không Việt Nam được đánh giá sẽ trở thành thị trường tăng trưởng mạnh thứ 5 trên thế giới về lượng khách quốc tế và hàng hóa được vận chuyển. Ở trong nước, tỷ lệ người dân đi máy bay đang tăng nhanh. Với dân số gần 100 triệu người, hàng không nội địa sẽ tăng trung bình 15%/năm trong thời gian tới. Đây là những tín hiệu lạc quan về loại hình vận tải đang là xu thế của toàn cầu.
Đường sắt và Đường thủy nội địa trong những năm qua bằng sự nỗ lực vượt bậc, phát huy nội lực, thay đổi tư duy và nắm bắt thời cơ đã góp phần mang đến gam màu tươi sáng cho bức tranh GTVT nước nhà. Những toa tàu chất lượng cao cùng sự phục vụ tận tình, chu đáo của nhân viên đường sắt, những tuyến luồng vận chuyển container nặng đầy khoang thuyền là một trong số những điểm nhấn để Đường sắt và Đường thủy nội địa bứt phá trong tương lai. Về ứng dụng khoa học công nghệ, ngành Đăng kiểm luôn được đánh giá cao, giúp nâng hiệu quả giám sát chất lượng an toàn kỹ thuật và phòng ngừa ô nhiễm môi trường phương tiện, thiết bị GTVT, dầu khí biển trên tất cả các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của ngành.
Trước những vấn đề phức tạp như TTATGT, quản lý vận tải taxi và vận tải khách, lãnh đạo Bộ GTVT đã chỉ đạo quyết liệt các đơn vị chức năng, phối hợp chặt chẽ với địa phương để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng TNGT, đồng thời đưa ra các giải pháp, lấy ý kiến cộng đồng xã hội để giải quyết những vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp, tạo sự cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và hiệu quả…
Bình diện chung, ngành GTVT thời gian qua đã cần mẫn khắc phục khó khăn, chủ động, sáng tạo trong xây dựng và thực hiện nhiệm vụ. Trên con đường hội nhập và phát triển, ngành GTVT luôn ý thức rõ vai trò và trách nhiệm với sứ mệnh tiên phong mở đường, đưa đất nước tiến nhanh, tiến mạnh cùng thời đại.
Nguồn: tapchigiaothong.vn