Đoàn công tác liên ngành Trung ương kiểm tra tình hình thực hiện Chỉ thị 22 của Ban Bí thư Trung ương Đảng tại tỉnh ta.
Sáng 7-11, Đoàn công tác liên ngành Trung ương do Thiếu tướng Nguyễn Công Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội, làm trưởng đoàn, đã có buổi làm việc với Thường trực Tỉnh ủy kiểm tra tình hình thực hiện Chỉ thị 22-CT/T.Ư của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Tiếp và làm việc với đoàn có các đồng chí: Hoàng Văn Hoằng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Vương Văn Việt, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các thành viên Ban an toàn giao thông (ATGT) tỉnh cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành, địa phương.
Qua 08 năm thực hiện Chỉ thị 22-CT/T.Ư của Ban Bí thư Trung ương Đảng, cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm và quyết tâm trong thực hiện các giải pháp nhằm kiềm chế, giảm tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông; nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về ATGT của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân được nâng lên; quản lý Nhà nước để bảo đảm trật tự ATGT được đề cao; tình hình tai nạn và ùn tắc giao thông được kiềm chế, tình trạng đua xe, lạng lách, đánh võng được phòng ngừa, đấu tranh và ngăn chặn có hiệu quả. Công tác thiết lập trật tự kỷ cương ATGT, kiểm tra xử lý các hành vi vi phạm trật tự ATGT được các đơn vị chức năng duy trì thường xuyên tổ chức nhiều đợt cao điểm kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trật tự ATGT. Từ năm 2003 đến tháng 6-2011 lực lượng công an trong tỉnh đã phát hiện, xử lý 531 giấy phép lái xe giả, 21 đăng ký quản lý phương tiện giả; xử lý 861.189 trường hợp vi phạm trật tự ATGT, phạt tiền 191 tỷ 230 triệu đồng; tạm giữ 52.571 phương tiện. Thông qua công tác tuần tra, kiểm soát giao thông đã phát hiện, bắt giữ trên 200 vụ, 249 đối tượng phạm pháp hình sự, ma túy, đối tượng truy nã; 894 vụ vận chuyển hàng lậu, gian lận thương mại. Công tác xây dựng, hoàn thiện chiến lược, quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng và chính sách phát triển phương tiện giao thông; công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe được thực hiện chặt chẽ, hiệu quả.
Mặc dù tai nạn giao thông đã được kiềm chế, nhưng chưa vững chắc và vẫn ở mức cao. Các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, tình trạng ùn tắc giao thông ở một số tuyến trọng điểm, nhất là trên Quốc lộ 1A qua địa bàn Thanh Hóa có chiều hướng gia tăng. Từ năm 2003 đến tháng 6-2011 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 1.872 vụ tai nạn giao thông, làm chết 1.998 người, bị thương 923 người.
Tại hội nghị, các thành viên trong đoàn đánh giá cao kết quả sau 8 năm thực hiện Chỉ thị 22 của Thanh Hóa, đồng thời đề nghị tỉnh cần làm rõ thêm về nguyên nhân, kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, nhất là vai trò của cấp ủy Đảng trong việc triển khai chỉ thị đối với thôn, xóm, làng, bản; công tác phối hợp giữa các ngành khối nội chính trong việc đưa ra xét xử đối với các vụ án gây tai nạn giao thông nghiêm trọng; việc kiểm tra, giám sát đối với các doanh nghiệp vận tải hành khách.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Hoàng Văn Hoằng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cảm ơn ý kiến đóng góp của các thành viên trong đoàn, đồng thời khẳng định: Chỉ thị 22 được triển khai thực hiện ở Thanh Hóa rất nghiêm túc, đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở, tạo được sự đồng thuận trong hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, góp phần làm giảm tai nạn giao thông. Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cũng đề nghị Trung ương sớm hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về trật tự ATGT bảo đảm tính thống nhất, phù hợp và có tính khả thi cao để xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm pháp luật về trật tự ATGT.
Chiều cùng ngày, đoàn đã kiểm tra tình hình thực hiện Chỉ thị 22 tại Công an tỉnh và Sở Giao thông – Vận tải./.
Theo báo Thanh Hóa điện tử