Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa
  • Liên kết website
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 107

    Hôm nay: 1614

    Đã truy cập: 11273931

“Chung tay chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái”

Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2017 với chủ đề “Chung tay chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái” được phát động trên cả nước từ ngày 15/11/2017 đến ngày 15/12/2017.

 

Vẫn còn nhiều thách thức trong việc đảm bảo bình đẳng giới thực chất giữa nam và nữ
Việt Nam đã được các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia đạt được nhiều thành tựu về bình đẳng giới, xóa bỏ khoảng cách giới, đặc biệt là trong lĩnh vực lao động, việc làm, chăm sóc sức khỏe, giáo dục...

Để đạt được những tiến bộ này, Đảng và Nhà nước đã chú trọng ban hành và triển khai nhiều chính sách, pháp luật nhằm tạo chuyển biến của xã hội về nhận thức và hành động về bình đẳng giới, bảo đảm quyền của phụ nữ và trẻ em gái. Bên cạnh những thành tựu, Việt Nam còn gặp nhiều thách thức trong việc đảm bảo bình đẳng giới thực chất giữa nam và nữ. Khoảng cách giới vẫn còn tồn tại trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống. 

Bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái đang là vấn đề báo động ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đây là hành động vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và được coi là trở ngại lớn trong tiến trình xóa bỏ bất bình đẳng giới. Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái không chỉ gây ảnh hưởng về mặt thể xác, tinh thần cho nạn nhân, mà còn dẫn tới thiệt hại về kinh tế cho gia đình và xã hội. Bạo lực là nguyên nhân dẫn tới kìm hãm tăng trưởng kinh tế và gia tăng đói nghèo ở các quốc gia. Các nguyên nhân của tình trạng bạo lực trên cơ sở giới bắt nguồn từ sự bất bình đẳng giới, định kiến giới, coi trọng sự thống trị của nam giới cũng như hạ thấp vai trò, vị trí của phụ nữ và trẻ em gái.

Trong những năm qua, Chính phủ, các Bộ, ngành, cơ quan và các địa phương, các tổ chức quốc tế đã có nhiều nỗ lực trong triển khai công tác bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới. Tuy nhiên, tình trạng bất bình đẳng giới và bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái vẫn còn diễn ra khá phổ biến ở nhiều khu vực, vùng miền và các thành phần trong xã hội. 

Tại Việt Nam, số liệu thống kê từ cuộc điều tra quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ năm 2010 cho thấy 58% phụ nữ cho biết đã từng chịu ít nhất một trong ba hình thức bạo lực thể chất, tinh thần và tình dục trong đời. Bên cạnh đó, điều đáng lo ngại hiện nay là tình trạng bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái vẫn diễn biến phức tạp và được đăng tải trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng, gây bức xúc trong xã hội. Phụ nữ, trẻ em gái không chỉ là nạn nhân của bạo lực gia đình mà còn là đối tượng bị mua bán, xâm hại tình dục và chịu nhiều hình thức bạo lực ngoài phạm vi gia đình.

“Chung tay chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái” 

Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2017 với chủ đề “Chung tay chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái” được phát động trên cả nước từ ngày 15/11/2017 đến ngày 15/12/2017.

Ngày 10/8/2017, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã ban hành Quyết định số 1252/QĐ-LĐTBXH về việc thành lập Ban chỉ đạo Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2017 do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung làm Trưởng ban; các Thành viên Ban Chỉ đạo là Lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan và Lãnh đạo Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là năm thứ hai Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì triển khai Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới ở Việt Nam.

Việc tiếp tục lựa chọn chủ đề “Chung tay chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái” một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của việc huy động sự tham gia đồng bộ, cùng vào cuộc một cách mạnh mẽ của các cơ quan, tổ chức và mọi người dân trong cộng đồng, đặc biệt là nam giới trong việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới và cam kết phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. 

Tháng hành động sẽ tạo nên đợt cao điểm trong công tác truyền thông về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới trên toàn quốc nhằm tạo ra sự thay đổi tích cực trong xã hội về thực hiện bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới. Đến nay đã có 9 Bộ, ngành và 28 địa phương, 8 cơ quan, đối tác quốc tế và trong nước xây dựng kế hoạch và dự kiến tổ chức hàng trăm sự kiện hưởng ứng trong Tháng hành động này 

Thông qua Tháng hành động này, hy vọng các thông điệp về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái sẽ lan tỏa mạnh mẽ đến mọi tầng lớp trong xã hội, hướng tới mục tiêu xây dựng một xã hội bình đẳng, tiến bộ, phát triển bền vững và không còn ai bị bỏ lại phía sau.

Theo molisa.gov.vn

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ Sở Giao thông Vận tải Thanh Hóa

Chịu trách nhiệm : Trưởng Ban biên tập

Địa chỉ: 42 Đại lộ Lê Lợi, TP Thanh Hóa

Điện thoại: (02373)852.360; Fax: (02373)855.129; Email: sgtvt@thanhhoa.gov.vn