Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa
  • Liên kết website
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 23

    Hôm nay: 2009

    Đã truy cập: 11243105

Tăng cường công tác quản lý vận tải hành khách bằng xe ô tô

Những năm gần đây, mặc dù các sở, ngành có liên quan của tỉnh, các đơn vị, chính quyền các địa phương, lực lượng chức năng đã có nhiều giải pháp tăng cường công tác quản lý hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc đi lại của nhân dân.

Bến xe phía Bắc TP Thanh Hóa

Tuy nhiên, các loại hình vận tải bằng xe ô tô phát triển ngày càng đa dạng; tình trạng  “xe dù, bến cóc”, “xe khách trá hình”, “xe buýt nhái”... chưa được xử lý triệt để, gây khó khăn cho nhân dân khi lựa chọn đi lại bằng xe ô tô, cũng như thiếu bình đẳng trong kinh doanh; gây mất trật tự an toàn giao thông (ATGT), tiềm ẩn gây tai nạn giao thông.

Theo báo cáo của Sở Giao thông – Vận tải (GTVT), hiện nay trên địa bàn tỉnh có 4 loại hình chính vận tải khách: Xe tuyến cố định, xe hợp đồng, xe taxi và xe buýt. Sở đã cấp 5.387 giấy phép kinh doanh cho các xe vận tải hành khách và được gắn 11.255 phù hiệu cho xe hoạt động kinh doanh vận tải. Gồm: Vận tải hành khách theo tuyến cố định 61 đơn vị với 776 phương tiện; vận tải xe taxi 17 đơn vị với 2.400 phương tiện; vận tải xe buýt 6 đơn vị với 200 phương tiện; xe hợp đồng 740 đơn vị và cá nhân với 1.100 phương tiện và số còn lại được cấp cho phương tiện vận tải hàng hóa. Thực tế trong quá trình hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô cho thấy, cơ bản các đơn vị kinh doanh vận tải, các chủ phương tiện, người lái xe đã chấp hành các quy định trong hoạt động quản lý vận tải, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đi lại của nhân dân, góp phần giảm ùn tắc và tai nạn giao thông. Các đơn vị kinh doanh vận tải theo hợp đồng thực hiện tương đối đầy đủ quy định thông báo trước khi thực hiện hợp đồng theo quy định (điểm khởi hành, lộ trình, điểm đón, trả khách, điểm kết thúc hành trình), thời gian thực hiện hợp đồng và số lượng khách bằng văn bản hoặc qua thư điện tử (Email); trang thông tin điện tử, phần mềm quản lý vận tải của Sở GTVT. Cho đến nay, lực lượng chức năng thuộc Sở GTVT và Công an tỉnh đã tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ, “xe dù, bến cóc”, “xe khách trá hình”, “xe buýt nhái” và đạt được kết quả ban đầu. Qua đó, đã góp phần  bảo đảm an ninh trật tự, ATGT.

Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi nhận thấy, vẫn còn một số đơn vị vận tải, chủ phương tiện, người lái xe vi phạm các quy định của pháp luật làm ảnh hưởng đến trật tự ATGT, văn minh đô thị trên địa bàn. Như đối với hoạt động vận tải bằng xe khách tuyến cố định đi các tỉnh, thành phố, đi không đúng hành trình tại nhiều tuyến đường, khu vực bến xe, dừng đỗ đón trả khách không đúng nơi quy định, mở cửa khi xe đang chạy, tranh giành khách, phóng nhanh vượt ẩu... Trong đó, tại tuyến Quốc lộ 1A (đoạn tránh phía Đông TP Thanh Hóa), nhất là trước Siêu thị BigC, xuất hiện nhiều điểm xe ô tô dừng đón, trả khách gây cản trở lòng đường, mất trật tự ATGT và các lực lượng chức năng chưa có biện pháp xử lý dứt điểm.

Ngoài ra, những năm gần đây, trên địa bàn TP Thanh Hóa đã xuất hiện ngày càng nhiều các nhà xe, như: Nhà xe Đại Nam, nhà xe Đại Thắng, nhà xe Vân Anh, nhà xe Hải Hiền... Điểm chung của các nhà xe này là đầu tư xe mới, xe giường nằm..., dùng xe ô tô nhỏ đón khách tận nhà và đến một địa điểm đã quy định để hành khách đi xe và đến Hà Nội, các nhà xe dùng xe nhỏ đưa hành khách đến địa điểm khách đã đăng ký. Tuy nhiên, điều đáng nói là các xe ô tô chở hành khách của các nhà xe này thường phóng nhanh, vượt ẩu trên đường. Xe ô tô chở khách thường không có bến xe khách là điểm đầu tại TP Thanh Hóa (theo quy định ô tô vận chuyển hành khách phải có điểm đầu và điểm cuối là bến xe khách).  Tuyến cố định nội tỉnh, dừng đỗ đón trả khách không đúng nơi quy định, nhất là việc một số phương tiện sử dụng màu sơn giống xe buýt để dừng đón trả khách tại các điểm dừng, nhà chờ dành cho xe buýt – đây là hình thức “buýt nhái” và xuất hiện nhiều nhất trên tuyến Quốc lộ 1A – đoạn từ TP Thanh Hóa đi Khu Kinh tế Nghi Sơn. Đối với hoạt động vận tải hành khách bằng xe hợp đồng, dừng đỗ đón trả khách không đúng nơi quy định, đặt chỗ cho khách không có hợp đồng vận chuyển, nơi đón trả khách... Đối với hoạt động vận tải hành khách bằng xe taxi, vi phạm tốc độ, dừng đỗ đón trả khách không đúng nơi quy định. Đối với hoạt động vận tải bằng xe buýt, dừng đỗ đón trả khách không đúng nơi quy định, vi phạm tốc độ chạy xe, chạy xe không đúng hành trình, nội thất xuống cấp chưa sửa chữa kịp thời... Ngoài ra, vẫn còn một số đơn vị làm thủ tục lấy phù hiệu hợp đồng xong sau khi thực hiện hợp đồng không thông báo về cơ quan quản lý theo quy định (điểm khởi hành, lộ trình, điểm đón, trả khách, điểm kết thúc hành trình), thời gian thực hiện hợp đồng và số lượng khách bằng văn bản hoặc qua Email, trang thông tin điện tử, phần mềm quản lý vận tải của Sở GTVT... Chưa cung cấp kịp thời, chính xác các thông tin, dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình, chưa thực hiện việc truyền về cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền và sửa chữa hoặc làm sai lệch các thông tin, dữ liệu. Chưa có phương án thay thế khi thiết bị giám sát hành trình của xe bị hỏng hoặc đang sửa chữa nhằm bảo đảm dữ liệu của phương tiện không bị gián đoạn trong suốt quá trình hoạt động vận tải.

Đại diện lãnh đạo Sở GTVT, cho biết: Để tăng cường công tác quản lý vận tải hành khách bằng xe ô tô, thời gian tới, ngành GTVT tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động vận tải. Thống kê các phương tiện vi phạm, địa điểm hình thành bến cóc, điểm đón trả khách trái quy định. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong việc cấp phù hiệu, biển hiệu. Rà soát, điều chỉnh luồng tuyến, hành trình, biểu đồ xe tuyến cố định để chấm dứt hiện tượng xe ô tô chở khách chạy vòng vèo; mở rộng vùng phục vụ của xe buýt trên địa bàn tỉnh. Rà soát qua hệ thống GPS để kịp thời chấn chỉnh các hành vi vi phạm về tốc độ, vi phạm thời gian làm việc của lái xe và quản lý hành trình chạy xe. Đề xuất xây dựng quy chế, trách nhiệm của Thanh tra Sở GTVT với lực lượng công an, chính quyền các địa phương khi để tồn tại, phát sinh, tái diễn “xe dù, bến cóc”, điểm đón trả khách trái quy định trên địa bàn quản lý.

Về lâu dài, ngành GTVT triển khai hệ thống giao thông thông minh, tăng cường lắp đặt camera giám sát giao thông tại các tuyến đường trọng điểm, khu vực  bến xe để tăng cường quản lý, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các vi phạm bằng hình thức “xử phạt nguội”. Tiếp tục kiến nghị với Bộ GTVT rà soát, hoàn thiện các quy định của pháp luật về quản lý kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô, khắc phục các tồn tại, hạn chế  trong công tác quản lý kinh doanh vận tải bằng hình thức xe hợp đồng, hạn chế việc các doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở của pháp luật để chạy xe trá hình, xe dù, bến cóc... Trong thời gian một tháng, mỗi xe hợp đồng không được thực hiện quá 30% tổng số chuyến của xe đó có điểm khởi hành và điểm kết thúc trùng nhau và hợp đồng vận tải phải được ký kết trước khi thực hiện vận chuyển hành khách.

Nguồn: Báo Thanh Hóa điện tử 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ Sở Giao thông Vận tải Thanh Hóa

Chịu trách nhiệm : Trưởng Ban biên tập

Địa chỉ: 42 Đại lộ Lê Lợi, TP Thanh Hóa

Điện thoại: (02373)852.360; Fax: (02373)855.129; Email: sgtvt@thanhhoa.gov.vn