Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa
  • Liên kết website
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 4077

    Hôm nay: 16829

    Đã truy cập: 11853792

Thực hiện có hiệu quả công tác bảo trì đường huyện, đường xã

Hệ thống đường giao thông nông thôn có vai trò quan trọng đối với mạng lưới giao thông của tỉnh; trong đó, đường huyện, đường xã có chức năng giữ vững việc giao lưu, kết nối các địa phương trong tỉnh; góp phần giao thương, phát triển kinh tế - xã hội, đi lại thuận lợi cho nhân dân.

Đầu tư sửa chữa tuyến đường giao thông từ xã Kiên Thọ đi xã Nguyệt Ấn (Ngọc Lặc). 

Tuy nhiên, hệ thống đường huyện, đường xã sau khi được đầu tư xây dựng, bàn giao cho UBND cấp huyện, thị xã, thành phố (gọi tắt là cấp huyện) và UBND các xã quản lý, việc bảo trì chưa được coi trọng đúng mức. Kinh phí dành cho bảo trì đường huyện, đường xã thấp; trong khi đó nguồn hỗ trợ từ ngân sách tỉnh không ghi thành danh mục mà ghi chung vào mục chi thường xuyên nên nhiều huyện kinh phí dành cho bảo trì hàng năm thấp, không ổn định và không thống nhất trên phạm vi toàn tỉnh. Vì vậy phần lớn các tuyến đường huyện, đường xã bị xuống cấp nhanh, nhiều tuyến bị hư hỏng nặng không bảo đảm công năng thiết kế, tuổi thọ công trình giảm. 

Theo báo cáo của Sở Giao thông – Vận tải, tổng chiều dài đường huyện, đường xã trên địa bàn tỉnh là 7.170 km; trong đó, đường huyện 2.126 km với tỷ lệ cứng hóa mặt đường bằng nhựa và bê tông xi măng đạt 74%; đường xã 5.044 km với tỷ lệ cứng hóa mặt đường bằng nhựa và bê tông xi măng đạt 56,7%. Thực tế cho thấy, những năm qua, đa số các địa phương chưa triển khai thực hiện công tác bảo trì đường huyện, đường xã. Một số huyện có triển khai nhưng chủ yếu chỉ duy trì ở mức kiểm tra đường; huy động nhân dân theo từng đợt để phát quang cây cối che khuất tầm nhìn, khơi thông tắc cống, rãnh thoát nước, sơn cột km... Hàng năm, kinh phí hỗ trợ từ ngân sách tỉnh cho các huyện bảo trì đường giao thông ghi chung vào mục chi sự nghiệp kinh tế kinh phí, không ghi thành mục riêng và có định mức khoảng 1 tỷ đồng/huyện/năm. Do ngân sách các huyện còn khó khăn nên từng huyện dành kinh phí cho bảo trì đường huyện, đường xã không đều, có năm bố trí, có năm không hoặc năm cao, năm thấp. Nhiều tuyến đường huyện, đường xã xuống cấp, tuổi thọ thấp, nhất là các tuyến có lưu lượng xe ô tô chở hàng hóa quá khổ, quá tải hoạt động đều bị hư hỏng nặng; trong đó, một số tuyến, người và xe cơ giới qua lại khó khăn, mất an toàn, gây ách tắc giao thông trong mùa mưa lũ. Thực tế những năm qua, cho thấy: Nhiều tuyến đường huyện, đường xã bị hư hỏng, tỉnh phải đầu tư cải tạo, nâng cấp, làm mới với kinh phí lớn, làm tăng gánh nặng chi ngân sách của tỉnh. Công tác bảo trì hệ thống đường huyện, đường xã, các địa phương, các cấp, các ngành chưa được quan tâm đúng mức. Chưa chú trọng công tác tuyên truyền, vận động để các tổ chức chính trị - xã hội, người dân hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng việc bảo trì hệ thống đường huyện, đường xã và tự giác tham gia tích cực vào việc bảo vệ, bảo trì hệ thống đường huyện, đường xã. Ngoài ra, cùng với việc kinh tế - xã hội phát triển nhanh nên lưu lượng xe tăng nhanh; hành lang đường bộ bị lấn chiếm, lũ lụt diễn biến phức tạp nên hệ thống đường huyện, đường xã hư hỏng, xuống cấp nhanh.

Chính vì vậy, cần phải có quy định, phân công cụ thể trách nhiệm của các ngành, các cấp chính quyền, các đơn vị, cá nhân trong việc thực hiện bảo trì đường huyện, đường xã. Cấp huyện, cấp xã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ chức và cá nhân trong triển khai thực hiện việc bảo trì đường huyện, đường xã. Đồng thời, xây dựng cơ chế hỗ trợ kinh phí từ ngân sách tỉnh cho bảo trì đường huyện, đường xã trên địa bàn tỉnh. Quy định mức kinh phí hàng năm cho bảo trì đường huyện, đường xã để UBND các cấp chủ động triển khai thực hiện; trong đó, cấp huyện ghi danh mục cụ thể được HĐND huyện thông qua, cấp xã ghi danh mục cụ thể được HĐND xã thông qua. Nguồn hỗ trợ từ ngân sách tỉnh được HĐND tỉnh thông qua để việc bảo trì đường huyện, đường xã được triển khai thực hiện thường xuyên. Điều quan trọng là tăng cường công tác tuyên truyền về tầm quan trọng của công tác bảo trì đường huyện, đường xã; qua đó, nâng cao nhận thức đối với các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân cùng tham gia việc bảo trì đường huyện, đường xã. Kinh phí bảo trì được bố trí từ ngân sách huyện, các nguồn lồng ghép, nguồn huy động hợp pháp khác; nguồn từ quỹ bảo trì đường bộ (nếu có); nguồn hỗ trợ từ ngân sách tỉnh. Hệ thống đường xã kinh phí bảo trì được bố trí từ ngân sách xã, các nguồn vốn lồng ghép, nguồn huy động hợp pháp khác; nguồn từ quỹ bảo trì đường bộ (nếu có); nguồn hỗ trợ từ ngân sách huyện, ngân sách tỉnh.

 Đại diện lãnh đạo Phòng Quản lý giao thông nông thôn (Sở Giao thông – Vận tải) cho biết: Được sự phối hợp có hiệu quả của các sở, ngành, Sở Giao thông – Vận tải đã tham mưu và UBND tỉnh đã đồng ý về nội dung cơ bản của Đề án bảo trì đường huyện, đường xã trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2019 – 2020. Theo đó, kinh phí thực hiện bảo trì đường huyện, đối với sửa chữa thường xuyên 20 triệu đồng/km/năm, sửa chữa định kỳ 25 triệu đồng/km/năm; trong đó, huyện tự cân đối ngân sách cho bảo trì 67%, ngân sách tỉnh hỗ trợ 33%. Đối với đường xã, sửa chữa thường xuyên 10 triệu đồng/km/năm, sửa chữa định kỳ 12,5 triệu đồng/km/năm; trong đó, xã tự cân đối ngân sách 56%, huyện hỗ trợ 22%, ngân sách tỉnh hỗ trợ 22%. Đối với đường huyện là đường cấp phối, đường đất (chưa cứng hóa), sửa chữa thường xuyên 10 triệu đồng/km/năm, sửa chữa định kỳ hơn 10 triệu đồng/km/năm; trong đó, huyện tự cân đối ngân sách bảo trì đường huyện 75%, ngân sách tỉnh hỗ trợ 25%. Đối với đường xã, sửa chữa thường xuyên 5 triệu đồng/km/năm, sửa chữa định kỳ 2 triệu đồng/km/năm; trong đó, xã tự cân đối nguồn từ ngân sách xã khoảng 70%, huyện hỗ trợ 30%. 

Hàng năm, căn cứ vào số lượng km đường huyện, đường xã đã được các sở, ngành có liên quan thực hiện thẩm tra, điều chỉnh, UBND tỉnh sẽ cân đối ngân sách hỗ trợ ghi tăng trực tiếp cho ngân sách huyện, UBND huyện phân bổ kinh phí bảo trì cho từng tuyến đường huyện, đường xã theo quy định để thực hiện.

Nguồn: Báo Thanh Hoá điện tử

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ Sở Giao thông Vận tải Thanh Hóa

Chịu trách nhiệm : Trưởng Ban biên tập

Địa chỉ: 42 Đại lộ Lê Lợi, TP Thanh Hóa

Điện thoại: (02373)852.360; Fax: (02373)855.129; Email: sgtvt@thanhhoa.gov.vn