Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải làm việc tại Thanh Hóa
Ngày 10/9/2018, đoàn công tác của Bộ Giao thông vận tải do đồng chí Nguyễn Văn Thể, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng làm trưởng đoàn đã làm việc với tỉnh Thanh Hóa về Quản lý Nhà nước trong lĩnh vực giao thông vận tải, đầu tư phát triển hạ tầng giao thông và đảm bảo an toàn giao thông. Tham gia đoàn công tác có Thứ trưởng Lê Đình Thọ, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Khuất Việt Hùng, đại diện các đơn vị thuộc bộ Giao thông vận tải.
Đồng chí Nguyễn Văn Thể, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và đoàn công tác đã làm việc với tỉnh Thanh Hóa về Quản lý Nhà nước trong lĩnh vực giao thông vận tải, đầu tư phát triển hạ tầng giao thông và đảm bảo an toàn giao thông.
Tiếp và làm việc với đoàn về phía tỉnh Thanh Hóa có các đồng chí Trịnh Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa; Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các Sở, ngành cấp tỉnh.
Tại buổi làm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Anh Tuấn báo cáo khái quát tình hình kinh tế - xã hội, phát triển giao thông, vận tải trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Theo đó, Thanh Hóa là một trong số ít tỉnh, thành phố trong cả nước có mạng lưới giao thông với tất cả các loại hình, đường sắt, đường bộ, đường thủy và đường hàng không.
Hệ thống đường bộ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có có tổng chiều dài khoảng 23.300 km, trong đó có 13 tuyến quốc lộ với chiều dài 1.300 km. Tuyến đường sắt Bắc Nam đi qua tỉnh Thanh Hóa có chiều dài 103 km với 10 ga; Cảng nước sâu Nghi Sơn, quy hoạch đến năm 2020 có công suất khai thác đạt 44 triệu tấn và Cảng Lễ Môn, có 1.889 km đường thủy nội địa. Cảng hàng không Thọ Xuân, có quy mô phục vụ 5 triệu khách đến năm 2020.
Trong những năm qua, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa từng bước được đầu tư, nâng cấp, đáp ứng nhu cầu đi lại của Nhân dân, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Một số dự án giao thông quan trọng, kết nối liên tỉnh, liên vùng và các vùng động lực kinh tế của tỉnh đã hoàn thành đầu tư và bàn giao đưa vào sử dụng, đang phát huy hiệu quả đầu tư như: Quốc lộ 1A, Quốc lộ 10, Quốc lộ 15A, Quốc lộ 47, Quốc lộ 217 (giai đoạn 1). Việc phát triển dịch vụ vận tải cơ bản đáp ứng được nhu cầu sản xuất và đi lại của Nhân dân. Về tình hình trật tự an toàn giao thông, Thanh Hóa là tỉnh đứng thứ 8 cả nước về giảm tỷ lệ số người chết vì tai nạn giao thông.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, số 4 và mưa lớn trên diện rộng trong thời gian qua, đã gây lũ lụt, sạt lở đất đá, lún sụt, hư hỏng nền, mặt đường, cống, rãnh và ngập lụt, làm hư hỏng nhiều tuyến giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Tổng kinh phí thiệt hại ước khoảng 848 tỷ đồng, Quốc lộ 15C, Quốc lộ 16 bị sạt lở khiến huyện Mường Lát bị cô lập hơn 10 ngày qua. Ngay sau khi sự cố xảy ra, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo Sở Giao thông vận tải và các địa phương, tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở, thông tuyến và đảm bảo giao thông. Tuy nhiên đến nay, các tuyến đường tỉnh 521D, 521E (huyện Mường Lát) và đường tuần tra biên giới trên địa bàn huyện Quan Sơn, huyện Thường Xuân vẫn đang tắc hoàn toàn.
Thanh Hóa đã và đang nỗ lực trả lại thiết kế ban đầu cho các tuyến đường bị hư hỏng. Tuy nhiên do hệ thống giao thông bị thiệt hại quá lớn, để nhanh chóng khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra, Thanh Hóa đề nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét, hỗ trợ 518 tỷ đồng để khắc phục, bảo đảm giao thông, an toàn công trình trên các tuyến Quốc lộ ủy thác cũng như các tuyến đường địa phương; đồng thời, chỉ đạo chủ đầu tư dự án nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 217, Quốc lộ 15 nghiên cứu, nâng cao độ nền đường các vị trí thường xuyên ngập gây tắc đường cục bộ.
Ngoài ra, tỉnh đề nghị Bộ Giao thông vận tải quan tâm cho Thanh Hóa thực hiện dự án cải dịch tuyến Quốc lộ 217B ra ngoài Khu di tích lăng miếu Triệu Tường, xã Hà Long, huyện Hà Trung; tăng mức hỗ trợ bảo trì đường bộ trên địa bàn tỉnh lên 250 tỷ đồng mỗi năm từ Quỹ đường bộ Trung ương; xem xét, bổ sung tuyến đường từ Cảng hàng không Thọ Xuân đi Khu kinh tế Nghi Sơn đã được đầu tư theo hình thức PPP (hợp đồng BT) vào quy hoạch quốc lộ. Đề nghị Bộ có ý kiến về phần kinh phí còn thiếu, nằm ngoài phạm vi trách nhiệm của bảo hiểm, chưa chi trả (khoảng 16,7 tỷ đồng) cho các hộ bị lún nứt hư hỏng nhà cửa do thi công Quốc lộ 1A đoạn TP Thanh Hóa - Diễn Châu; quan tâm triển khai một số dự án quan trọng, liên quan đến phát triển kinh tế xã hội của Thanh Hóa như : Tiểu dự án 3 nâng cấp Quốc lộ 15 đoạn từ km53 - km109; Tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam; Tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Thanh Hóa; đầu tư nâng cấp, mở rộng Ga Khoa Trường thuộc địa phận huyện Tĩnh Gia, kết nối tuyến đường sắt quốc gia với Cảng biển Nghi Sơn và nâng cao năng lực vận tải, lưu thông hàng hóa, hành khách phục vụ phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn.
Tại buổi làm việc, các đơn vị thuộc Bộ Giao thông vận tải đã trao đổi các vấn đề cụ thể, liên quan đến các đề xuất, kiến nghị của tỉnh Thanh Hóa. Đại diện Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đề nghị Thanh Hóa tăng cường quản lý tải trọng phương tiện, kiểm tra, xử lý việc không đội mũ bảo hiểm, xử lý các doanh nghiệp có phương tiện vi phạm tốc độ, doanh nghiệp không chuyển dữ liệu giám sát hành trình về Bộ.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cảm ơn Tỉnh ủy, UBND, UBMT tổ quốc tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp chặt chẽ với Bộ để thực hiện công tác quản lý nhà nước về giao thông vận tải trên địa bàn, giải phóng mặt bằng phục vụ cho việc triển khai các dự án trọng điểm như QL 1, QL 217, đồng thời mong rằng tiếp tục nhận được sự ủng hộ của tỉnh để triển khai các dự án trong thời gian tới đảm bảo tiến độ và chất lượng.
Bày tỏ vui mừng về sự phát triển kinh tế- văn hóa, xã hội của Thanh Hóa, từ một tỉnh khó khăn đã nỗ lực vươn lên trở thành một trong những tỉnh luôn có tốc độ tăng trưởng cao của cả nước, Bộ trưởng đánh giá, sự phát triển mạng lưới giao thông vận tải, trong đó nổi bật là trục kết nối giữa Cảng hàng không Thọ Xuân và Cảng nước sâu Nghi Sơn cho thấy tầm nhìn và tư duy chiến lược của tỉnh về khai thác các nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống giao thông, vận tải, tạo nền tảng và đột phá cho phát triển kinh tế văn hóa xã hội của tỉnh. Hệ thống giao thông, cảng biển, sân bay, đường sắt, không chỉ là thế mạnh của Thanh Hóa mà còn là nguồn lực Quốc gia, do vậy Bộ hoàn toàn ủng hộ và sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để Thanh Hóa phát triển hệ thống giao thông đồng bộ. Tuy nhiên, việc thực hiện các đề xuất kiến nghị của tỉnh cần có lộ trình và thời gian, trước hết cần ưu tiên cho những vấn đề cấp bách.
Trước đó, chiều qua (9/9), Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể và đoàn công tác của Bộ GTVT đã đến thăm, kiểm tra tình hình khai thác, vận hành Cảng hàng không Thọ Xuân và Cảng tổng hợp Quốc tế Nghi Sơn.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể và đoàn công tác của Bộ GTVT đến thăm, kiểm tra tình hình khai thác,
vận hành Cảng hàng không Thọ Xuân và Cảng tổng hợp Quốc tế Nghi Sơn.
Bộ trưởng cho rằng: việc chú trọng phát triển đồng bộ hệ thống giao thông vận tải, trong đó có cảng hàng không và cảng biển, chứng tỏ tầm nhìn chiến lược của tỉnh Thanh Hóa trong việc khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý và địa hình để tạo động lực cho phát riển kinh tế xã hội. Bộ trưởng Nguyễn Văn thể nhấn mạnh: để thúc đẩy việc xây dựng Cảng hàng không Thọ Xuân thành cảng hàng không dự bị cho sân bay Nội Bài và trở thành sân bay quốc tế, tỉnh Thanh Hóa cần phối hợp với các đơn vị liên quan để tăng cường các chuyến bay du lịch Quốc tế tới các nước trong khu vực và trên thế giới. Đối với hệ thống cảng biển trong Khu kinh tế Nghi Sơn, Bộ trưởng khẳng định: với quy hoạch tổng công suất bốc dỡ hàng hóa đến năm 2020 khoảng 32 triệu tấn, đến năm 2030 khoảng 55 triệu tấn, thì trong tương lai đây sẽ là một trong những cụm cảng lớn của miền Bắc và Bắc Trung Bộ. Tuy nhiên, với đà phát triển nhanh của Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp lân cận như hiện nay, mà vẫn chưa xây dựng được cảng Contenner ở khu vực này là quá chậm, do vậy tỉnh cần tập trung kêu gọi, hỗ trợ nhà đầu tư cảng Container trong khu vực này, đồng thời rà soát quy hoạch hệ thống kho bãi để có thể phát huy lợi thế của Cảng Nghi Sơn.
Bộ trưởng ghi nhận đề xuất của tỉnh Thanh Hóa về việc đầu tư nạo vét luồng để tầu có công suất từ 50 nghìn tấn trở lên có thể ra vào cảng dễ dàng. Tuy nhiên với điều kiện cụ thể, Tỉnh cần chuẩn bị dự án và đề xuất cơ chế, chính sách, phương án tài chính để khuyến khích nhà đầu tư tham gia dự án nạo vét luồng cảng Nghi Sơn.
Về đề xuất đầu tư hiện đại hóa Ga Khoa Trường, huyện Tĩnh Gia và tuyến đường sắt kết nối với Cảng Nghi Sơn, Bộ trưởng yêu cầu các bên liên quan xác định quy hoạch mở rộng và tuyến đường sắt nối Ga Khoa Trường với Cảng Nghi Sơn, đồng thời nghiên cứu cơ chế huy động vốn để triển khai.
Nguồn: truyenhinhthanhhoa.vn