Hướng dẫn trình tự, thủ tục thực hiện đấu nối vào đường tỉnh trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá
TRÌNH TỰ, THỦ TỤC THỰC HIỆN ĐẤU NỐI ĐƯỜNG NHÁNH VÀO ĐƯỜNG TỈNH ĐANG KHAI THÁC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA
1. Đối với trường hợp bổ sung điểm đấu nối.
Bước 1: Khi có nhu cầu đấu nối đường nhánh vào đường tỉnh đang khai thác trên địa bàn tỉnh, Chủ đầu tư dự án căn cứ theo quy định của pháp luật, lập hồ sơ đề nghị đấu đấu nối đường nhánh vào đường tỉnh đang khai thác, đảm bảo theo quy định tại khoản 3, khoản 5 Điều 12 Quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa được ban hành kèm theo Quyết định số 06/2021/QĐ-UBND ngày 20/4/2021 của UBND tỉnh Thanh Hoá (sau đây gọi chung là Quyết định số 06/2021/QĐ-UBND), báo cáo UBND tỉnh để được xem xét giải quyết.
Bước 2: UBND tỉnh giao Sở GTVT chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, xem xét, hướng dẫn Chủ đầu tư thực hiện hoặc báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xem xét giải quyết.
Bước 3: Sở GTVT chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra hiện trường xem xét để tham mưu báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh, cụ thể:
(1) Nếu vị trí đề nghị đấu nối vào đường tỉnh đảm bảo theo quy định tại khoản 5 Điều 12 Quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa được ban hành kèm theo Quyết định số 06/2021/QĐ-UBND ngày 20/4/2021 của UBND tỉnh Thanh Hoá. Chủ đầu tư dự án hoàn thiện Hồ sơ đề nghị chấp thuận điểm đấu nối đường nhánh vào đường tỉnh theo quy định gửi Sở GTVT làm cơ sở để xem xét báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh.
Sau khi tiếp nhận hồ sơ do Chủ đầu tư hoàn thiện theo quy định, Sở GTVT xem xét, tham mưu báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh chấp thuận vị trí đấu nối đường nhánh vào đường tinh theo quy định.
(2) Nếu vị trí đề nghị đấu nối vào đường tỉnh không đảm bảo theo quy định, Sở GTVT có văn bản hướng dẫn Chủ đầu tư phối hợp với chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan đầu tư xây dựng đường gom nằm ngoài hành lang ATĐB của tuyến đường theo quy hoạch từ phạm vi dự án đến điểm đấu nối đảm bảo theo quy định, đồng thời báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh kết quả thực hiện.
Bước 4: Trên cơ sở tham mưu báo cáo của Sở GTVT, đối với trường hợp (1) nêu tại Bước 3, Chủ tịch UBND tỉnh chấp thuận vị trí điểm đấu nối vào đường tỉnh theo quy định.
QUY ĐỊNH VỀ ĐẤU NỐI ĐƯỜNG NHÁNH VÀO ĐƯỜNG TỈNH ĐANG KHAI THÁC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HOÁ
Theo Quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa được ban hành kèm theo Quyết định số 06/2021/QĐ-UBND ngày 20/4/2021 của UBND tỉnh Thanh Hoá, quy định:
1. Điều 12. Đấu nối đường nhánh vào đường tỉnh.
1. Đường nhánh đấu nối vào đường tỉnh, bao gồm:
a) Đường huyện, đường xã, đường đô thị.
b) Đường dẫn ra, vào cửa hàng xăng dầu.
c) Đường chuyên dùng.
d) Đường gom, đường nối từ đường gom.
2. Đường nhánh đấu nối vào đường tỉnh phải thông qua điểm đấu nối được Ủy ban nhân dân tỉnh chấp thuận.
3. Đấu nối đường nhánh vào đường tỉnh trong phạm vi đô thị thực hiện theo quy hoạch đô thị đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
4. Thiết kế nút giao của đường nhánh đấu nối vào đường tỉnh phải phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành về yêu cầu thiết kế đường ô tô.
5. Khoảng cách tối thiểu giữa hai điểm đấu nối vào đường tỉnh:
Khoảng cách tối thiểu giữa hai điểm đấu nối liền kề cùng phía dọc theo một bên được xác định, như sau:
a) Trong khu vực nội thành, nội thị: Khoảng cách giữa các điểm đấu nối theo quy định tại khoản 1 Điều này nằm trong khu vực nội thành, nội thị được xác định theo quy hoạch giao thông đô thị đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
b) Ngoài khu vực nội thành, nội thị: Khoảng cách giữa các điểm đấu nối liền kề cùng phía dọc theo một bên tuyến được xác định theo cấp quy hoạch của đoạn tuyến đường tỉnh, cụ thể: đối với tuyến đường từ cấp II trở lên không nhỏ hơn 1.000m/điểm, đối với tuyến đường có dải phân cách giữa và đường từ cấp III trở xuống không nhỏ hơn 500m/điểm.
c) Trường hợp khu vực có địa hình mà hành lang đường bộ bị chia cắt như núi cao, vực sâu, sông, suối và các chướng ngại vật khác khó khăn trong việc di dời, các công trình phục vụ an ninh, quốc phòng, công trình quan trọng phục vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương, khoảng cách giữa các điểm đấu nối liền kề nhỏ hơn khoảng cách theo quy định tại điểm b khoản này phải được Ủy ban nhân dân tỉnh chấp thuận; đồng thời đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật về các yếu tố hình học, quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế hiện hành, an toàn giao thông, tổ chức giao thông tại vị trí đấu nối.
6. Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu dân cư, khu thương mại - dịch vụ hoặc các dự án xây dựng dọc theo đường tỉnh phải nằm ngoài hành lang an toàn đường bộ và phải có đường gom nằm ngoài hành lang an toàn đường bộ; các điểm đấu nối từ đường gom vào đường tỉnh phải bảo đảm khoảng cách tối thiểu giữa hai điểm đấu nối được quy định tại khoản 5 Điều này.
7. Khoảng cách điểm đấu nối giữa hai cửa hàng xăng dầu liền kề cùng phía trên đường tỉnh (tính từ điểm giữa của cửa hàng) phải đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa hai điểm đấu nối được quy định tại khoản 5 Điều này; đồng thời phải đảm bảo theo các quy định khác có liên quan.
8. Cơ quan quản lý đường bộ chỉ chấp thuận thiết kế, phương án tổ chức giao thông, cấp phép thi công nút giao đấu nối vào đường tỉnh các vị trí đấu nối đã được Ủy ban nhân dân tỉnh chấp thuận, vị trí đấu nối nằm trong quy hoạch xây dựng được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
9. Chủ đầu tư công trình đấu nối căn cứ tiêu chuẩn, yêu cầu thiết kế đường ô tô hiện hành để lập và gửi hồ sơ đến cơ quan quản lý đường bộ xem xét chấp thuận thiết kế và phương án tổ chức giao thông của nút giao đấu nối theo quy định tại Điều 13 của Quy định này.
10. Đối với dự án, công trình xây dựng do điều kiện địa hình trong khu vực khó khăn hoặc điều kiện kỹ thuật của thiết bị, cho phép mở điểm đấu nối tạm thời có thời hạn để làm đường công vụ vận chuyển nguyên vật liệu, vận chuyển thiết bị máy móc; Chủ đầu tư công trình đấu nối phải căn cứ tiêu chuẩn, yêu cầu thiết kế đường ô tô hiện hành để lập và gửi hồ sơ đến cơ quan quản lý đường bộ xem xét chấp thuận thiết kế và phương án tổ chức giao thông của điểm đấu nối tạm thời vào đường tỉnh và cấp phép thi công; thời hạn sử dụng điểm đấu nối tạm bằng tiến độ thi công của dự án nhưng không quá 12 tháng, trường hợp đặc biệt có thể gia hạn một lần nhưng tổng thời gian mở điểm đấu nối tạm không quá 24 tháng. Sau thời hạn này, chủ đầu tư công trình có trách nhiệm xóa bỏ điểm đấu nối tạm, hoàn trả hành lang an toàn đường bộ như ban đầu; thực hiện đấu nối theo quy định.
11. Chủ đầu tư, chủ sử dụng nút giao đấu nối phải tự di chuyển hoặc cải tạo nút giao và không được bồi thường khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.
2. Điều 13. Chấp thuận thiết kế và phương án tổ chức giao thông nút giao đấu nối vào đường tỉnh.
1. Trước khi nâng cấp, cải tạo, xây dựng nút giao; chủ công trình, dự án gửi 01 bộ hồ sơ đến Sở Giao thông vận tải hoặc Ban Quản lý KKT Nghi Sơn và các KCN (đối với tuyến đường tỉnh được giao quản lý) để xem xét chấp thuận thiết kế và phương án tổ chức giao thông của nút giao đấu nối vào đường tỉnh.
2. Hồ sơ đề nghị chấp thuận thiết kế và phương án tổ chức giao thông nút giao đấu nối theo mẫu quy định tại khoản 3 Điều 26 Thông tư số 50/2015/TTBGTVT. Thời gian giải quyết, theo quy định tại khoản 5 Điều 26 Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải.
3. Các dự án đường bộ xây dựng mới có đấu nối vào đường tỉnh đã được Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc Sở Giao thông vận tải, Ban Quản lý KKT Nghi Sơn và các KCN phê duyệt thiết kế, không phải thực hiện bước đề nghị chấp thuận thiết kế và phương án tổ chức giao thông.
4. Nút giao đấu nối vào đường tỉnh chỉ được thi công sau khi đã được cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền chấp thuận thiết kế và phương án tổ chức giao thông, cấp giấy phép thi công theo quy định.
3. Điều 14. Cấp phép thi công, nghiệm thu, chấp thuận đưa vào sử dụng nút giao đấu nối vào đường tỉnh.
1. Sở Giao thông vận tải, Ban Quản lý KKT Nghi Sơn và các KCN, Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp phép thi công nút giao đấu nối vào đường tỉnh được giao quản lý; tổ chức kiểm tra, nghiệm thu; chấp thuận đưa nút giao vào khai thác, sử dụng.
2. Sau khi có văn bản chấp thuận thiết kế và phương án tổ chức thi công nút giao đấu nối vào đường tỉnh của Sở Giao thông vận tải hoặc Ban Quản lý KKT Nghi Sơn và các KCN; Chủ đầu tư công trình nút giao hoàn chỉnh hồ sơ thiết kế theo nội dung chấp thuận, tổ chức thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế theo quy định hiện hành và gửi hồ sơ đề nghị cấp phép thi công đến các cơ quan quản lý đường bộ theo quy định tại khoản 1 Điều này để được xem xét giải quyết.
3. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thi công nút giao đấu nối theo mẫu quy định tại khoản 2 Điều 27 Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT. Thời hạn giải quyết, theo quy định tại khoản 4 Điều 27 Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải.
4. Nút giao đấu nối phải được cơ quan cấp phép thi công nghiệm thu và chấp thuận đưa vào khai thác, sử dụng.
5. Chủ đầu tư chịu trách nhiệm về chất lượng công trình nút giao, ảnh hưởng đến an toàn giao thông, bền vững kết cấu công trình đường bộ và phải nộp 01 bộ hồ sơ hoàn công để cơ quan cấp phép thi công lưu trữ và bổ sung, cập nhật nút giao vào hồ sơ quản lý tuyến đường.
6. Chủ sử dụng nút giao chịu trách nhiệm bảo trì nút giao; việc bảo dưỡng thường xuyên nút giao không phải đề nghị cấp phép thi công nhưng phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tai nạn giao thông; khi sửa chữa định kỳ nút giao phải đề nghị cấp phép thi công theo quy định tại Điều này.
Lưu ý: Hồ sơ đề nghị chấp thuận thiết kế và phương án tổ chức giao thông nút giao đấu nối vào đường tỉnh gửi đến Sở Giao thông vận tải Thanh Hoá, để được xem xét giải quyết. Riêng đối với trường hợp đấu nối đường nhánh liên quan đến Đường tỉnh 513 (Cầu Hổ - Nghi Sơn), Hồ sơ đề nghị chấp thuận thiết kế và phương án tổ chức giao thông nút giao đấu nối vào Đường tỉnh 513 gửi đến Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp, để được xem xét giải quyết.
4. Điều 15. Đấu nối đường nhánh vào đường huyện, đường xã, đường đô thị.
1. Ủy ban nhân dân cấp huyện căn cứ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, phát triển giao thông vận tải của địa phương để xem xét chấp thuận vị trí đấu nối, chấp thuận thiết kế, phương án tổ chức giao thông và cấp phép thi công, đưa vào khai thác, sử dụng các nút giao đấu nối vào đường huyện, đường xã, đường đô thị; đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật, đảm bảo an toàn giao thông tại vị trí nút giao đấu nối theo quy định.
2. Hồ sơ đề nghị chấp thuận thiết kế, phương án tổ chức giao thông nút giao; cấp phép thi công nút giao theo mẫu quy định tại khoản 5 Điều 26, khoản 4 Điều 27 Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải.
3. Chủ đầu tư, chủ sử dụng nút giao đối nối có trách nhiệm thực hiện theo quy định tại khoản 5, 6, 7 Điều 14 của Quy định này.
Nội dung chi tiết của Quyết định số 06/2021/QĐ-UBND ngày 20/4/2021 của UBND tỉnh Thanh Hoá ban hành Quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa được đăng tải trên trang thông tin điện tử của Sở GTVT Thanh Hoá (https://sgtvt.thanhhoa.gov.vn)