Thanh Hóa: Tăng cường bảo đảm an toàn giao thông trong các khu công nghiệp
Sở GTVT Thanh Hóa chỉ đạo lực lượng Thanh tra Sở GTVT phối hợp với các lực lượng chức năng của Công an tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác kiểm tra xe khách vận chuyển công nhân, xe nội bộ (không kinh doanh vận tải) của các doanh nghiệp, hợp tác xã sử dụng vận chuyển người tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, nhà máy trên địa bàn tỉnh.
Cập nhật: 03/8/2023
ảnh minh họa
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có công văn về việc tăng cường thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông đối với công nhân lao động làm việc trong các khu công nghiệp, nhà máy trên địa bàn tỉnh.
Theo tổng hợp báo cáo của Ban ATGT tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 260 vụ tai nạn giao thông và va chạm giao thông, làm chết 107 người, làm bị thương 263 người (so cùng kỳ năm 2022: tăng 94 vụ, tăng 56,6%; tăng 38 người chết, tăng 55%; tăng 127 người bị thương, tăng 93%); trong đó, có những vụ tai nạn giao thông liên quan đến công nhân lao động làm việc trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Nhằm tăng cường các giải pháp đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đối với công nhân lao động làm việc tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, nhà máy trên địa bàn tỉnh; góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông, khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính, các đầu mối giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị LĐLĐ tỉnh chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các KCN; UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan thường xuyên làm việc và đề nghị các tổ chức công đoàn, các doanh nghiệp có đông lực lượng lao động tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, nhà máy trên địa bàn tỉnh tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông theo hướng dễ hiểu, dễ tiếp thu đến toàn bộ công nhân lao động.
Đồng thời, quán triệt đến công nhân lao động thuộc đơn vị mình quản lý nắm rõ và tự giác chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ, Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia; thực hiện nghiêm quy định “Đã uống rượu, bia không điều khiển phương tiện giao thông”… nhằm đổi mới về tư duy, nhận thức và hành động của công nhân lao động trong việc xác định bảo đảm trật tự, an toàn giao thông là động lực phát triển kinh tế - xã hội, là thành tố quan trọng trong bảo đảm an ninh con người, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng ý thức tự giác, ứng xử văn minh, chuẩn mực của mỗi người khi tham gia giao thông.
Nghiên cứu bố trí giờ làm việc, giờ nghỉ hợp lý đảm bảo công nhân lao động đi lại thuận tiện, an toàn; có phương án vận chuyển đưa đón người lao động phù hợp, nhằm hạn chế phương tiện cá nhân, góp phần giảm ùn tắc giao thông trên các tuyến đường.
Chỉ được sử dụng các xe ô tô khách còn niên hạn sử dụng, đủ điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường để vận chuyển công nhân.
Trường hợp thuê đơn vị ngoài vận chuyển, chỉ ký hợp đồng đưa đón công nhân với những đơn vị kinh doanh vận tải đã được cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, trong đó được phép kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và xe phải có phù hiệu xe hợp đồng còn hiệu lực do Sở GTVT cấp.
Nghiên cứu bố trí các khu dịch vụ thiết yếu đi kèm như: Bãi đỗ xe; bãi trông giữ xe; mua sắm... để tạo thuận lợi cho nhu cầu sinh hoạt của công nhân lao động, góp phần tránh tình trạng họp chợ cóc tự phát ngay trước cổng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, nhà máy lấn chiếm lòng, lề đường gây mất an toàn giao thông.
Yêu cầu Công an tỉnh; Sở Giao thông vận tải; Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các KCN; UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý, kiểm soát hoạt động vận tải bằng xe ô tô trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm vi phạm (nếu có) đối với các tổ chức, cá nhân, chủ phương tiện sử dụng phương tiện không đảm bảo các điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, điều kiện kinh doanh vận tải, quá hạn kiểm định, hết niên hạn sử dụng; chở quá số người theo quy định; người điều khiển phương tiện không có Giấy phép lái xe hoặc Giấy phép lái xe không phù hợp với loại xe điều khiển;… để vận chuyển người lao động làm việc tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, nhà máy trên địa bàn tỉnh.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh; phối hợp với LĐLĐ tỉnh và sở, ban, ngành liên quan; UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức các buổi tuyên truyền trực tiếp về kiến thức pháp luật, kỹ năng tham gia giao thông cho công nhân, người lao động tại các công ty, nhà máy, xí nghiệp.
Sở GTVT chỉ đạo lực lượng Thanh tra Sở GTVT phối hợp với các lực lượng chức năng của Công an tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác kiểm tra xe khách vận chuyển công nhân, xe nội bộ (không kinh doanh vận tải) của các doanh nghiệp, hợp tác xã sử dụng vận chuyển người tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, nhà máy trên địa bàn tỉnh; xử lý nghiêm theo quy định đối với các cá nhân, đơn vị sử dụng xe không đảm bảo các điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, điều kiện kinh doanh vận tải, quá hạn kiểm định, hết niên hạn sử dụng… theo quy định.
UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn thực hiện những quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đến công nhân lao động, các đơn vị kinh doanh vận tải, chủ phương tiện sử dụng xe ô tô tham gia vận chuyển đưa đón công nhân tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, nhà máy thuộc địa bàn quản lý.
Chỉ đạo các lực lượng chức năng, tổ chức, đoàn thể, UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức hướng dẫn, cảnh giới vị trí mất an toàn giao thông; điều tiết, phân luồng giao thông, nhất là vào các khung giờ cao điểm tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, nhà máy trên địa bàn đảm bảo lưu thông thông suốt, an toàn cho người và phương tiện.
Phối hợp với lực lượng chức năng của Công an tỉnh, Thanh tra Giao thông tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm (nếu có) trên tuyến đường, tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, nhà máy trên địa bàn nhằm phát hiện xe khách vận chuyển công nhân; xe nội bộ (không kinh doanh vận tải) của các doanh nghiệp, hợp tác xã sử dụng vận chuyển người không đảm bảo các điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, điều kiện kinh doanh vận tải, quá hạn kiểm định, hết niên hạn sử dụng…theo quy định.
Thường xuyên kiểm tra, xử lý vi phạm lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè, hành lang an toàn giao thông; kiên quyết giải tỏa việc họp chợ, kinh doanh buôn bán, để vật liệu xây dựng, rửa xe, trông giữ xe ô tô, xe máy, dựng rạp tổ chức đám cưới, đám tang, tổ chức sự kiện, dừng đỗ xe trên lòng, lề đường, vỉa hè, không đúng quy định, đặc biệt là tại các Khu công nghiệp, cụm công nghiệp, nhà máy.
Nguồn: UBND tỉnh Thanh Hóa