Đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt
Phát triển hoạt động vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã góp phần mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội, giảm ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông; văn minh đô thị, tạo điều kiện thuận lợi trong việc đi lại và tiết kiệm chi phí cho người dân. Tuy nhiên, thực tế VTHKCC bằng xe buýt hiện đã bộc lộ nhiều bất cập cần sớm có giải pháp khắc phục, đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt.
25/9/2019 GMT+7
Xe buýt vận chuyển hành khách trên địa bàn TP Thanh Hóa
Sau hơn 12 năm đi vào hoạt động (từ năm 2007), VTHKCC bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh góp phần giảm phương tiện giao thông cá nhân, tiết kiệm chi phí đi lại cho người dân, giảm áp lực đối với hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông. Về lâu dài, VTHKCC bằng xe buýt tạo cho người dân có thói quen chuyển đổi từ phương tiện cá nhân sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng, góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông. Đồng thời, tạo liên kết, đồng thuận về trách nhiệm và lợi ích giữa Nhà nước – doanh nghiệp - người dân cùng tham gia xây dựng hệ thống giao thông công cộng văn minh, hiện đại và phát triển bền vững. Hiện xe buýt hoạt động trên địa bàn tỉnh là loại phương tiện nhỏ và trung bình, là loại xe buýt sàn thấp và các doanh nghiệp kinh doanh VTHKCC bằng xe buýt sử dụng 2 loại vé là vé lượt, vé tháng. Vé tháng được áp dụng với đối tượng ưu tiên, không ưu tiên; trong đó, đối tượng ưu tiên là học sinh, sinh viên. Giá vé được các doanh nghiệp kê khai theo quy định và báo cáo Sở Tài chính thẩm định, phê duyệt; đồng thời, gửi Sở Giao thông – Vận tải để theo dõi, giám sát. Với 16 tuyến xe buýt đang hoạt động, tần suất 1.260 chuyến/ngày, bình quân khoảng 34.000 lượt khách/ngày, đáp ứng khoảng 1-2% nhu cầu đi lại chung của người dân. Từ 3 tuyến trợ giá ban đầu, với số lượng 23 phương tiện của 3 doanh nghiệp tham gia kinh doanh khai thác, quãng đường xe buýt hoạt động là 40km; đến nay, đã có 16 tuyến xe buýt hoạt động của 6 doanh nghiệp tham gia kinh doanh, khai thác VTHKCC bằng xe buýt với 195 phương tiện, quãng đường hoạt động hơn 900 km. Về cơ sở hạ tầng, hiện tại trên địa bàn tỉnh có 144 nhà chờ; 895 điểm dừng đỗ, vạch dừng xe buýt do Nhà nước đầu tư phục vụ cho việc đón, trả khách dọc các tuyến khai thác. Mạng lưới tuyến xe buýt trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, kết nối TP Thanh Hóa với 20 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh; qua đó hạn chế phương tiện cá nhân tham gia giao thông góp phần giảm ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông; bảo đảm vệ sinh môi trường và văn minh đô thị. Thực hiện có hiệu quả trong việc giải tỏa hành khách trong dịp lễ, tết, hè Sầm Sơn, trong các kỳ thi tuyển sinh. Hiện trạng hạ tầng giao thông trong các năm qua trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm đầu tư, sửa chữa và nâng cấp, do đó khá thuận tiện trong quá trình triển khai, hoạt động của các tuyến xe buýt. Các điểm dừng xe buýt đã bố trí tương đối hợp lý, thuận tiện cho nhân dân, kết nối với các phương thức vận tải khác qua nhà ga, bến xe, các khu dân cư, bệnh viện, trường học, trung tâm thương mại; nhà chờ, biển báo; vạch sơn điểm dừng xe buýt được đầu tư mới, sửa chữa định kỳ bảo đảm chất lượng khá tốt phục vụ cho hoạt động VTHKCC bằng xe buýt. Phương tiện xe buýt đã được các doanh nghiệp quan tâm đầu tư, sửa chữa về cơ bản đáp ứng những tiêu chuẩn và yêu cầu kỹ thuật đặc trưng của loại hình xe buýt, như diện tích đứng, tay nắm và một số trang thiết bị khác. Tuy nhiên, chưa có tuyến xe buýt nội thị; chưa có trung tâm quản lý, điều hành hoạt động VTHKCC bằng xe buýt. Tần suất hoạt động của các tuyến chưa đều... Một số tuyến xe buýt mở mới, sau một thời gian hoạt động khai thác thì không hiệu quả, doanh thu không đủ bù đắp chi phí, doanh nghiệp thua lỗ phải xin ngừng hoạt động (tuyến số 15, tuyến số 18); tạm ngừng hoạt động (tuyến số 20, tuyến số 9, tuyến số 19, tuyến số 17). Kết cấu hạ tầng phục vụ hoạt động xe buýt còn hạn chế; nhiều tuyến đường giao thông xuống cấp, hẹp, tốc độ lưu thông chậm; chưa có bến đầu, bến cuối bảo đảm tiêu chuẩn, thuận tiện, an toàn cho hoạt động xe buýt. Hệ thống bảng thông tin, biển báo tại các điểm dừng, nhà chờ, điểm đầu cuối còn thô sơ chỉ dưới dạng các biển báo và thiếu thông tin tuyến. Việc tiếp cận điểm dừng, nhà chờ đối với người khuyết tật gặp nhiều khó khăn. Phần lớn phương tiện đang hoạt động trên các tuyến có thời gian sử dụng dưới 10 năm (kể từ năm sản xuất), do chạy nhiều nên xe đã cũ và xuống cấp hay bị hư hỏng, nhưng chưa được đầu tư nâng cấp, sửa chữa kịp thời. Vẫn còn doanh nghiệp sử dụng phương tiện có thời gian sử dụng hơn 10 năm để khai thác, hoạt động (tuyến số 1, tuyến số 14, tuyến số 20, tuyến số 13, tuyến số 19) với tổng số phương tiện là 14/195 (chiếm 7%). Một số phương tiện chất lượng kém, không được vệ sinh thường xuyên; nhiều phương tiện khi chạy không bật điều hòa; tác phong, thái độ phục vụ của lái xe, nhân viên có lúc chưa lịch sự; còn xảy ra tình trạng bán vé không đúng giá quy định. Tần suất hoạt động của xe chưa đáp ứng được yêu cầu, có lúc còn để khách chờ lâu; còn tình trạng nhồi nhét khách vào những giờ cao điểm.Tình trạng hành khách mang súc vật, hàng hôi tanh lên xe, khách yêu cầu lái xe dừng lên xuống ở vị trí không phải điểm dừng xe buýt; không nhường và giúp đỡ người khuyết tật, người cao tuổi, phụ nữ mang thai, trẻ em... còn xảy ra.
Để đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt trên địa bàn tỉnh, đại diện lãnh đạo Sở Giao thông – Vận tải, cho biết: Sở tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện mạng lưới tuyến đang khai thác; nâng cao chất lượng dịch vụ của các tuyến hiện có; tăng tần suất và điều chỉnh các tuyến theo sự phát triển đô thị nhằm tăng khả năng thu hút lượng hành khách. Đồng thời, khôi phục lại một số tuyến tạm ngừng hoạt động do doanh thu không đủ bù đắp chi phí, tuyến tạm ngừng hoạt động do hạ tầng giao thông xuống cấp. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phương tiện đạt tiêu chuẩn xe buýt đô thị thân thiện với môi trường (EURO IV), phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch; phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ phương tiện thuận lợi cho người khuyết tật sử dụng đạt 5-10%. Đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông đồng bộ; xây dựng các điểm dừng đỗ, nhà chờ thuận tiện cho người khuyết tật khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Quy định tuyến, tần suất hoạt động của từng tuyến xe buýt theo lộ trình từng năm làm cơ sở cho việc thanh tra, xử phạt nếu vi phạm. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quản lý, khai thác, vận hành VTHKCC bằng xe buýt, nhất là lái xe, nhân viên phục vụ trên xe.
Nguồn: Báo Thanh Hóa điện tử