Thanh Hóa: Phát triển lĩnh vực giao thông - vận tải bảo đảm ổn định lâu dài
Những năm gần đây, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đã được đầu tư xây dựng, phát triển nhanh theo hướng đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các công trình có tính lan tỏa lớn, kết nối các vùng kinh tế, các khu công nghiệp trọng điểm, các cửa khẩu, các khu đô thị... Các công trình được đầu tư xây dựng, đưa vào khai thác, sử dụng đã phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa, đi lại thuận lợi cho nhân dân.
Cập nhật: 23/12/2019
Xây dựng tuyến đường giao thông ven biển qua TP Sầm Sơn
Theo báo cáo của Sở GTVT Thanh Hóa, kết cấu hạ tầng đường bộ trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển đột phá trong giai đoạn 2011-2019. Nhiều công trình giao thông hiện đại đã được đầu tư xây dựng, đưa vào khai thác, sử dụng, như: Nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1A, Quốc lộ 217, tuyến đường giao thông từ Cảng Hàng không Thọ Xuân đi Khu Kinh tế Nghi Sơn, Đại lộ Nam sông Mã, đường vành đai phía Tây TP Thanh Hóa, cầu Nguyệt Viên... Hiện nay, mạng lưới đường bộ chính yếu (gồm quốc lộ, đường tỉnh) có tổng chiều dài 2.624,4km, tăng thêm khoảng 797 km so với năm 2011, mật độ đạt từ 11km/100km2. Ngoài ra, trên cơ sở số liệu thống kê hằng năm của Sở GTVT, cũng cho thấy: Vận tải hàng hóa trên địa bàn tỉnh chủ yếu là đường bộ chiếm tỷ trọng hơn 60%; đường biển hơn 20% và còn lại là đường sông, đường sắt, đường hàng không. Đối với đường biển, hiện nay Cảng Nghi Sơn đang được tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, năng lực thông qua cảng biển ngày càng được nâng cao, đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa đường biển.
Dự báo của Sở GTVT cho thấy, trong giai đoạn 2030-2050, tỷ trọng vận tải đường bộ vẫn chiếm tỷ lệ chủ yếu trong các phương thức vận tải. Dự báo tốc độ tăng trưởng sản lượng vận tải hàng hóa toàn tỉnh giai đoạn 2015-2050 là 8%/năm và đạt hơn 645 triệu tấn vào năm 2050. Chính vì vậy việc lập quy hoạch phát triển GTVT tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 là ưu tiên đầu tư phát triển giao thông - vận tải phù hợp với phương án quy hoạch giao thông vùng và các quy hoạch ngành giao thông cả nước. Đồng thời, đáp ứng được quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và phù hợp với các quy hoạch chuyên ngành khác của tỉnh, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh.
Yêu cầu bảo đảm phát triển hệ thống giao thông - vận tải một cách đồng bộ, từng bước hiện đại, liên kết hợp lý giữa hệ thống giao thông đối nội và đối ngoại, giữa các vùng, giữa các đô thị và nông thôn tạo thành mạng lưới giao thông thuận lợi, đáp ứng được yêu cầu CNH, HĐH. Trong đó, tập trung nguồn lực để đầu tư xây dựng tuyến đường giao thông trọng yếu theo quy hoạch được phê duyệt; chú trọng công tác quản lý, bảo trì để khai thác tối đa năng lực kết cấu hạ tầng giao thông hiện có. Nâng cao chất lượng vận tải, chi phí hợp lý, an toàn, bảo đảm môi trường, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vận tải tiên tiến, nhất là vận tải đa phương thức và logistics. Phát huy nội lực, đẩy mạnh xã hội hóa trong đầu tư; thu hút các thành phần kinh kế, nhiều hình thức tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; dành quỹ đất hợp lý để phát triển, đầu tư xây dựng giao thông; bảo đảm hành lang an toàn giao thông.
Mục tiêu đến năm 2030, xây dựng hệ thống GTVT tỉnh Thanh Hóa phát triển đồng bộ, hiện đại, tạo thành mạng lưới đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa và hành khách với chất lượng ngày càng cao, góp phần đưa tỉnh Thanh Hóa trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, trung tâm kinh tế, phát triển của Bắc Trung bộ. Tập trung nguồn lực đầu tư trọng tâm, trọng điểm các công trình hạ tầng giao thông quan trọng; khu du lịch, các trục chính trong đô thị và các trục nối các vùng kinh tế trọng điểm; các tuyến bảo đảm quốc phòng - an ninh. Hoàn thành, đưa vào khai thác đường cao tốc Bắc - Nam và đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Thanh Hóa. Ưu tiên đầu tư các tuyến đường kết nối các tuyến đường giao thông trục chính của tỉnh với nút giao của đường cao tốc nhằm phát huy hiệu quả đường cao tốc Bắc - Nam đoạn qua tỉnh Thanh Hóa (quy mô các tuyến đường kết nối 4-6 làn xe).
Nâng cấp Cảng Hàng không Thọ Xuân theo hướng hiện đại để khai thác hàng không dân dụng quốc tế theo quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt. Nâng cấp hệ thống thông tin tín hiệu, nhà ga đường sắt trên địa bàn tỉnh và xây dựng một số cầu đường bộ vượt đường sắt. Đầu tư xây dựng cảng tổng hợp, cảng chuyên dùng để sớm hoàn chỉnh Cảng Nghi Sơn theo quy hoạch đã được Bộ GTVT phê duyệt. Từng bước đầu tư, nâng cấp mở rộng các Cảng Lễ Môn, Quảng Châu, Quảng Nham; bổ sung quy hoạch Cảng biển Lạch Sung vào quy hoạch cảng biển quốc gia và đầu tư xây dựng đáp ứng nhu cầu khai thác. Cải tạo tuyến vận tải thủy Thanh Hóa - Ninh Bình, một số cảng bến thủy nội địa, như: Hàm Rồng, Hoằng Lý... Mục tiêu đến năm 2050, hoàn thiện và cơ bản hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh. Nâng cấp các tuyến đường chính đến các khu kinh tế động lực, các khu du lịch lớn, trọng điểm của tỉnh đạt quy mô tối thiểu cấp III với 4 làn xe cơ giới. Đầu tư nâng cấp, cải tạo quốc lộ theo quy hoạch của Bộ GTVT, các tuyến quốc lộ tối thiểu đạt cấp III, một số đoạn mở rộng 4-6 làn; quy mô đường tỉnh cơ bản đạt tiêu chuẩn đường cấp III, một số đoạn tuyến có lưu lượng lớn đạt quy mô 4-6 làn xe. Mở rộng đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông quy mô 6 làn xe; hoàn thành xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây quy mô 4-6 làn xe. Đầu tư xây dựng đường cao tốc trên cao nối TP Thanh Hóa với Cảng Hàng không Thọ Xuân.
Đồng thời, tập trung ưu tiên đầu tư xây dựng các tuyến đường mới có tính chất kết nối các trụ cột kinh tế của tỉnh với nhau và với mạng lưới giao thông quốc gia. Bao gồm, xây dựng đường nối TP Thanh Hóa với Cảng Hàng không Thọ Xuân, hoàn thành xây dựng đường giao thông từ ngã ba Voi (TP Thanh Hóa) đi TP Sầm Sơn, xây dựng Đại lộ Bắc sông Mã, đường nối TP Thanh Hóa với các huyện phía Tây của tỉnh, đường nối các Quốc lộ 217, 45, 47... Đồng thời, đầu tư xây dựng đường giao thông từ Khu Công nghiệp Bỉm Sơn đến đường bộ ven biển đoạn Nga Sơn – Hoằng Hóa, dài khoảng 15 km, đạt cấp III... Xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt, hàng hải, hàng không, đường thủy nội địa do Trung ương quản lý theo quy hoạch của Bộ GTVT. Đầu tư xây dựng Cảng Hàng không Thọ Xuân theo quy hoạch phát triển vận tải hàng không Việt Nam, đến năm 2030 Cảng Hàng không quốc tế Thọ Xuân đáp ứng công suất khoảng 5 triệu hành khách/năm.
Bổ sung Cảng biển Lạch Sung vào quy hoạch cảng biển quốc gia và đầu tư xây dựng đáp ứng cho tàu vận tải lớn hơn 5.000 DWT. Thực hiện nạo vét, nâng cấp luồng tàu vào Cảng Nghi Sơn nhằm đáp ứng cho giai đoạn phát triển hoàn chỉnh Cảng Nghi Sơn đến năm 2030. Đồng thời, chú trọng công tác nạo vét, duy tu thường xuyên, định kỳ các tuyến luồng hàng hải hiện có và từng bước cải tạo, nâng cấp phù hợp với nguồn lực, quy mô, công suất của cảng được xác định trong quy hoạch. Cơ bản hoàn thành đầu tư xây dựng các cảng thủy nội địa chính trên địa bàn tỉnh.
Nguồn: Báo Thanh Hóa