Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa
  • Liên kết website
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 209

    Hôm nay: 3859

    Đã truy cập: 11199350

Lợi ích khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến

Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3 và 4 đưa vào sử dụng được xem là khâu đột phá trong tiến trình cải cách hành chính.

Cán bộ Sở Thông tin và Truyền thông hướng dẫn công dân sử dụng
dịch vụ công trực tuyến tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.
 

Thế nhưng, việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) qua DVCTT mức độ 3 và 4 trên địa bàn tỉnh lại chưa nhiều. Trước diễn biến phức tạp và lây lan nhanh của dịch COVID-19, việc sử dụng DVCTT trong giải quyết TTHC là một trong những giải pháp để ngăn ngừa dịch bệnh.

Nhiều lợi ích thiết thực

Khi tham gia DVCTT mức độ 3, tổ chức, cá nhân có thể điền thông tin vào các mẫu văn bản điện tử, nộp trực tuyến qua Cổng dịch vụ công của tỉnh. Với dịch vụ này, các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ đều được thực hiện trên môi trường mạng. Việc thanh toán lệ phí và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan, đơn vị cung cấp dịch vụ. Khi chuyển lên sử dụng DVCTT mức độ 4, người sử dụng có thể thanh toán lệ phí trực tuyến, sử dụng các hình thức thanh toán điện tử. Việc trả kết quả được thực hiện trực tuyến hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng.

Sử dụng DVCTT là bước tiến mới trong cải cách hành chính, giúp người dân, doanh nghiệp có thể giải quyết TTHC ở mọi lúc, mọi nơi, không phải đi lại nhiều lần, không phải xếp hàng và không mất thời gian chờ đợi. Đặc biệt, khi sử dụng DVCTT, người dân và doanh nghiệp sẽ tránh được sự nhũng nhiễu, quan liêu, phiền hà của một bộ phận cán bộ, công chức; tăng tính công khai, minh mạch của TTHC. Việc gửi hồ sơ qua DVCTT còn giúp tổ chức, cá nhân có thể giao dịch 24/24 giờ trong ngày, tại bất cứ đâu có kết nối internet. Nếu trước đây, muốn giải quyết TTHC, người dân, doanh nghiệp phải đến trực tiếp cơ quan Nhà nước nhận phiếu theo thứ tự và chờ cán bộ tiếp nhận hồ sơ để xử lý. Nhưng nay, khi sử dụng DVCTT, mọi việc liên quan đến TTHC, các tổ chức, cá nhân có thể thực hiện ở nhà hay ở cơ quan, đơn vị bằng máy tính hoặc điện thoại thông minh có kết nối internet, đồng thời có thể theo dõi, giám sát được tình trạng giải quyết hồ sơ của mình. Vì vậy, khi sử dụng DVCTT, các tổ chức, cá nhân sẽ tiết kiệm được thời gian, công sức và cắt giảm các chi phí đi lại.

Tăng cường sử dụng DVCTT để phòng, chống dịch COVID-19

Mặc dù có nhiều lợi ích cho người dân, đặc biệt là doanh nghiệp nhưng thời gian qua, số lượng hồ sơ giải quyết TTHC qua DVCTT mức độ 3 và 4 trên địa bàn tỉnh còn thấp. Theo báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT), từ ngày 16-9-2019 đến 10-3-2020, các ban, sở, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp nhận và giải quyết trực tuyến 1.078 hồ sơ ở mức độ 3 (không đạt chỉ tiêu giao). Đối với mức độ 4, toàn tỉnh đã tiếp nhận và giải quyết trực tuyến 1.210 hồ sơ (vượt chỉ tiêu được giao). Đáng chú ý, đối với cấp huyện, chưa có TTHC nào đăng ký thực hiện DVCTT mức độ 4. Toàn tỉnh chỉ có 10/31 đơn vị đạt chỉ tiêu giao là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở TT&TT, Sở Công Thương (đạt chỉ tiêu mức độ 4) và UBND các huyện Vĩnh Lộc, Nga Sơn, Thiệu Hóa, Quan Sơn, Nông Cống, Đông Sơn và thị xã Bỉm Sơn. Đặc biệt, nhiều TTHC đăng ký thực hiện DVCTT mức độ 3 và 4 có phát sinh hồ sơ nhiều nhưng các đơn vị chỉ tiếp nhận trực tiếp. Với kết quả này, việc thực hiện kế hoạch tăng tỷ lệ DVCTT mức độ 3 và mức độ 4 của tỉnh trong năm 2020 là khó hoàn thành.

Để hạn chế tối đa việc tập trung đông người, giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh COVID-19, Bộ TT&TT đã có công văn gửi Sở TT&TT các tỉnh, thành phố đề nghị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến và hỗ trợ người dân thực hiện các DVCTT. Cung cấp thông tin, hướng dẫn và trả lời thắc mắc, kiến nghị của người dân liên quan đến việc thực hiện các DVCTT trên các phương tiện thông tin đại chúng và các kênh giao tiếp trên internet và mạng xã hội. UBND tỉnh cũng đã có công văn đề nghị các ban, sở, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác cải cách hành chính nhằm hạn chế tối đa các tác động của dịch bệnh đến phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, các sở, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã và đang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, cách thức sử dụng để thu hút ngày càng nhiều tổ chức, cá nhân truy cập nộp hồ sơ và nhận kết quả giải quyết TTHC trực tuyến. Xây dựng tài liệu hướng dẫn dưới dạng các hình ảnh minh họa, video hướng dẫn thực hiện cụ thể từng bước, giúp người dân thay đổi thói quen, dần dần từ bỏ phương thức giao dịch kiểu cũ với cơ quan Nhà nước, từng bước tiến tới sử dụng internet là kênh cung cấp dịch vụ chính đối với công dân. Cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm các điều kiện tốt nhất cho việc triển khai DVCTT mức độ 3 và 4, các đơn vị cũng quan tâm nâng cao năng lực, nghiệp vụ quản lý, sử dụng công nghệ thông tin cho cán bộ chuyên trách để việc xử lý hồ sơ trực tuyến đạt hiệu quả.

Tại hội nghị bàn giải pháp tăng tỷ lệ sử dụng DVCTT mức độ 3 và 4 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng yêu cầu người đứng đầu các sở, ngành, địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm, đôn đốc, giao chỉ tiêu về sử dụng DVCTT mức độ 3 và 4 cho từng phòng chuyên môn; đánh giá đúng thực trạng để có chỉ đạo kịp thời và đề xuất những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn triển khai. Tập trung rà soát các TTHC có thể thực hiện trực tuyến để đưa vào thực hiện. Đối với các thủ tục người dân thường xuyên thực hiện, phải dễ dàng, gọn nhẹ để người dân dễ tiếp cận, truy cập. Trong tháng 3, đoàn công tác của tỉnh sẽ làm việc với các sở, ngành cấp tỉnh để rà soát lại số lượng TTHC có thể giải quyết trực tuyến. Sở TT&TT phối hợp với VNPT Thanh Hóa tăng cường giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt đối với các DVCTT mức độ 4; tập hợp số liệu về tỷ lệ triển khai DVCTT mức độ 3 và 4, báo cáo về UBND tỉnh để kịp thời đôn đốc các sở, ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ này đạt kết quả cao.

Nguồn:  baothanhhoa.vn

Hướng dẫn sử dụng DVCTT cho tổ chức công dân

Để sử dụng DVCTT, trước hết người dùng phải có một tài khoản đã được xác thực trên hệ thống. Sau khi có tài khoản, người dùng có thể đăng ký các dịch vụ công và theo dõi hồ sơ của mình thông qua tài khoản đã đăng ký. Các bước thực hiện như sau:

PHẦN I: HƯỚNG DẪN ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN

Bước 1: Truy cập Cổng Dịch vụ công trực tuyến tỉnh Thanh Hóa theo địa chỉ: https://dichvucong.thanhhoa.gov.vn.

Bước 2: Công dân bấm nút đăng ký.

Bước 3: Công dân chọn loại tài khoản mà mình cần đăng ký (công dân, tổ chức, doanh nghiệp).

Bước 4: Cập nhật đầy đủ thông tin đăng ký, chú ý các trường dấu * là các trường bắt buộc, mã xác nhận là một chuỗi ký tự bất kỳ do hệ thống tự sinh ra yêu cầu người dùng phải cập nhật, cuối cùng bấm nút đăng ký để hoàn tất quá trình đăng ký tài khoản.

PHẦN II: HƯỚNG DẪN CÔNG DÂN SỬ DVCTT

Bước 1: Từ trang chủ, công dân chọn DVCTT để bắt đầu.

Bước 2: Công dân sử dụng các bộ lọc tìm kiếm để chọn dịch vụ cần sử dụng rồi ấn nút đăng ký.

Bước 3: Điền thông tin theo chỉ dẫn ở các bước cập nhật thông tin hồ sơ.

Bước 4: Đính kèm thành phần hồ sơ thủ tục, ấn nút gửi đi để gửi hồ sơ trực tuyến đến cơ quan chuyên môn giải quyết.

Bước 5: Thông tin đăng ký thành công sẽ được gửi đến hộp thư điện tử mà công dân đã đăng ký. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ hoặc có yêu cầu khác, công dân sẽ được hướng dẫn chi tiết để bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ.

PHẦN III: HƯỚNG DẪN CÔNG DÂN TRA CỨU HỒ SƠ

Bước 1: Từ màn hình trang chủ chọn chức năng tra cứu hồ sơ.

Bước 2: Nhập mã hồ sơ, hoặc số CMND, hoặc số thẻ căn cước công dân, hoặc số hộ chiếu của công dân và ấn nút tìm kiếm.

Bước 3: Xem thông tin về tình hình giải quyết hồ sơ.

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ Sở Giao thông Vận tải Thanh Hóa

Chịu trách nhiệm : Trưởng Ban biên tập

Địa chỉ: 42 Đại lộ Lê Lợi, TP Thanh Hóa

Điện thoại: (02373)852.360; Fax: (02373)855.129; Email: sgtvt@thanhhoa.gov.vn