Điểm sáng bức tranh giao thông vận tải Thanh Hóa
Giao thông vận tải Thanh Hóa được đầu tư xây dựng khá hoàn thiện, nhiều công trình quan trọng đã được đưa vào sử dụng. Từ đó đã mở ra cơ hội kết nối giao thương, tạo động lực thu hút đầu tư, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển.
Cập nhật: 27-7-2020
Đường giao thông ở Thanh Hóa ngày càng hiện đại.
Với mục tiêu xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, Thanh Hóa đã chú trọng thực hiện công tác quy hoạch giao thông, góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông trên địa bàn.
Nhiều dự án án trọng điểm đã được đầu tư đưa vào sử dụng như: Tuyến đường nối cảng Hàng không Thọ Xuân với Khu kinh tế Nghi Sơn; đường liên xã từ bản Na Tao, xã Pù Nhi, đi bản Chai (huyện Mường Lát); đường Hồi Xuân – Tén Tần và đường đến trung tâm các xã chưa có ô tô đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới phía Tây của tỉnh; Đường giao thông từ QL47 đi đường Hồ Chí Minh; đại lộ Nam Sông Mã; đường vành đai Phía Tây TP. Thanh Hóa; đường Voi đi Sầm Sơn...
Sở Giao thông vận tải (GTVT) Thanh Hóa đang tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hạ tầng giao thông một số dự án như: Giải phóng mặt bằng tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam, với quy mô 4 làn xe, tổng mức đầu tư khoảng 17.420 tỉ đồng; tuyến đường bộ Ven Biển đoạn từ TP. Sầm Sơn đi Quảng Xương; 4 dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh lộ, với tổng chiều dài 24km, tổng mức đầu tư 300 tỉ đồng; tuyến đường nối trung tâm TP. Thanh Hóa đến đường từ Cảng hàng không Thọ Xuân đi Khu Kinh tế Nghi Sơn (giai đoạn 1) dài 11km, tổng mức đầu tư gần 500 tỉ đồng. Đặc biệt, dự án Đại lộ Đông – Tây TP. Thanh Hóa có tổng mức đầu tư hoàn chỉnh hơn 1.283 tỷ đồng, giai đoạn 1 là 796,81 tỷ đồng. Hiện nay, Ban quản lý dự án giao thông III đã ký cam kết đẩy nhanh tiến độ thi công với các nhà thầu, phấn đấu đến ngày 31/12/2020 thông xe, đây là công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Ngành GTVT Thanh Hóa luôn xác định đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng là nhiệm vụ then chốt, bởi vậy, ngành đã tham mưu cho UBND tỉnh và Bộ GTVT đầu tư nâng cấp 3 tuyến đường thủy nội địa của địa phương thành tuyến đường thủy nội địa Quốc gia bao gồm: Sông Lèn, Sông Trường, và Sông Tào với tổng chiều dài 45,5km. Mạng lưới giao thông nông thôn được đầu tư nâng cấp, cải tạo, kiên cố hóa mặt đường và cứng hóa, xây dựng mới đạt 3.330km và 1.107 công trình thoát nước, huy động được hơn 2,37 triệu ngày công... Đầu tư xây dựng các cầu dân sinh khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh để tạo điều kiện đi lại thuận tiện cho nhân dân, góp phần phát triển kinh tế địa phương, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Điểm sáng mới nhất trong những năm gần đây là năng lực khai thác Cảng hàng không Thọ Xuân liên tục tăng trưởng về tần xuất bay, số lượng hành khách và lượng khách thông qua Cảng hàng không Thọ Xuân hàng năm đều tăng ổn định, trung bình tăng 5% – 7% về số chuyến cất, hạ cánh và khoảng 10% về lượt hành khách. Đã khai thác hiệu quả đường bay Charter Quốc tế Thanh Hóa – Thái Lan. Hiện nay, Sở GTVT đang tiếp tục phối hợp với các hãng hàng không nghiên cứu mở thêm nhiều đường bay Quốc tế mới.
Trên lĩnh vực kinh doanh vận tải bằng xe ô tô liên tục tăng trung bình hàng năm 5%. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 1.029 doanh nghiệp trong đó, 170 doanh nghiệp vận chuyển hành khách theo tuyến cố định và hợp đồng; 17 doanh nghiệp khai thác vận chuyển hành khách công cộng bằng xe taxi, 06 doanh nghiệp khai thác vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt và gần 850 doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hóa.
Đi đôi với phát triển vận tải, Sở GTVT Thanh Hóa đã chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở đào tạo lái xe, trung tâm sát hạch lái xe, đầu tư, đổi mới phương pháp đào tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, phương tiện và chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên theo tiêu chuẩn quy định. Tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện quá khổ, quá tải, góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông giảm cả 3 tiêu chí. Trong 5 năm, Sở đã cấp mới được trên 200.000 giấy phép lái xe các hạng và kiểm định cho trên 423.000 lượt phương tiện. Ngành GTVT tăng cường công tác cải cách thủ tục hành chính, rà soát, cắt giảm từ 30% - 50% thời gian thực hiện một số thủ tục hành chính liên quan đến người dân và doanh nghiệp. Thực hiện giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính của các tổ chức, cá nhân theo mô hình “một cửa”, “một cửa điện tử”, đảm bảo nguyên tắc “một đầu mối – một việc thông suốt”.
Bức tranh toàn cảnh về mạng lưới giao thông trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có những mảng mầu tươi sáng. Qua đó, tạo điều kiện cho tỉnh Thanh Hóa khai thác tốt hơn các tiềm năng lợi thế, tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế- xã hội đảm bảo quốc phòng, an ninh và thu hút đầu tư vào tỉnh Thanh Hóa.
Nguồn: Đinh Quang Sinh