Thanh Hóa: Dịch vụ vận tải đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội
Trong những năm gần đây, cùng với sự tăng trưởng kinh tế của cả nước, tỉnh Thanh Hóa đang trong quá trình đô thị hóa, cơ giới hóa rất nhanh. Giao lưu kinh tế giữa các khu vực và các vùng trong tỉnh phát triển ngày càng đa dạng, phong phú, theo cơ chế thị trường, nhất là trong lĩnh vực vận tải đường bộ.
Cập nhật: 21/10/2020
Xe ô tô đón trả khách tại Bến xe phía Nam TP Thanh Hóa
Theo báo cáo của Phòng Quản lý vận tải (Sở GTVT, hiện trên địa bàn tỉnh có 686 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô, với 4.981 phương tiện; trong đó, 80 đơn vị kinh doanh vận tải khách tuyến cố định với 677 xe, 17 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi với 2.511 phương tiện, 584 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng với 1.598 phương tiện, 5 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt với 195 phương tiện. Ngoài ra, còn có khoảng hơn 9.000 xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa thuộc quyền quản lý của các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh; hàng trăm xe kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định, hợp đồng của các đơn vị thuộc các tỉnh, thành phố hoạt động đón, trả khách trên địa bàn tỉnh. Các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô thuộc quyền quản lý của Sở GTVT Thanh Hóa đều được cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, thực hiện đăng ký chất lượng với các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền.
Đi đôi với đó, trên địa bàn tỉnh vận tải bằng đường hàng không, vận tải đường sắt, vận tải đường thủy, phát triển nhanh. Hoạt động vận tải hành khách trên địa bàn cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của Nhân dân, hạn chế phương tiện cá nhân tham gia giao thông trên một số tuyến đường. Hoạt động vận tải hàng hóa bảo đảm đáp ứng tốt nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và của người dân. Kết cấu hạ tầng nói chung và kết cấu hạ tầng GTVT nói riêng, có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Thực tế cho thấy, kết cấu hạ tầng giao thông - vận tải đồng bộ, hiện đại, kết nối đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách... thì nền kinh tế mới có điều kiện để tăng trưởng nhanh, ổn định và bền vững. Việc phát triển nhanh kết cấu hạ tầng giao thông với phương châm “đi trước một bước” là đòi hỏi bức thiết của thực tiễn, vừa nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, vừa tạo điều kiện bứt phá nhanh trong quá trình xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ của tỉnh.
Chất lượng vận tải ngày càng được nâng cao, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, nâng cao đời sống Nhân dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo, rút ngắn khoảng cách giữa các vùng, miền. Một số công trình giao thông hiện đại, như đường bộ cao tốc, cảng biển, cảng hàng không,... đã, đang và chuẩn bị được đầu tư xây dựng, góp phần tạo diện mạo mới cho lĩnh vực GTVT của tỉnh. Bảo đảm kết nối các trung tâm kinh tế với nhau và với các đầu mối giao thông cửa ngõ bằng hệ thống giao thông đồng bộ, năng lực vận tải được nâng cao, giao thông được thông suốt, an toàn. Giao thông đô thị từng bước được cải tạo, nâng cấp và mở rộng, nhất là tại TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn, thị xã Bỉm Sơn, góp phần hạn chế tình trạng ùn tắc hành khách, hàng hóa. Chất lượng phục vụ, dịch vụ vận tải cũng không ngừng được đổi mới, nâng cao, bảo đảm phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của Nhân dân; thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh; góp phần bảo đảm an sinh xã hội, qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh nền kinh tế của tỉnh. 9 tháng năm 2020, trên địa bàn tỉnh khối lượng vận tải đạt 26,6 triệu tấn hàng hóa; 18,3 triệu lượt khách; xếp dỡ hàng hóa qua cảng đạt 31 triệu tấn (Cảng Nghi Sơn 30,7 triệu tấn, Cảng Lễ Môn 300.000 tấn), tăng 28% so với cùng kỳ; các hãng hàng không đã mở mới thêm 5 đường bay đi và đến Thanh Hóa; khai thác 8 đường bay, thực hiện 5.044 lượt cất hạ cánh và 773.296 lượt hành khách, tăng 8,1% so với cùng kỳ.
Để dịch vụ vận tải đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thời gian qua, Sở GTVT đã tập trung tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp kinh doanh vận tải thực hiện tốt các quy định của pháp luật về lĩnh vực vận tải đường bộ, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện đúng, đủ các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh vận tải và kết hợp tuyên truyền việc chở đúng tải trọng cho phép khi tham gia giao thông của xe ô tô. Sở cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị kinh doanh vận tải chuẩn bị phương tiện vận tải hành khách nhằm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và nhu cầu đi lại của Nhân dân. Như chỉ đạo doanh nghiệp trong hoạt động vận tải nhằm nâng cao công tác quản lý, nâng cao chất lượng dịch vụ, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Sở chỉ đạo Thanh tra GTVT tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tại các đơn vị kinh doanh vận tải; xử lý nghiêm đối với đơn vị vi phạm.
Đồng thời, phối hợp với lực lượng công an mở các đợt cao điểm tăng cường kiểm tra, xử lý, giải tỏa các vi phạm trong hoạt động vận tải khách bằng xe ô tô trên địa bàn tỉnh. Xây dựng phương án điều chỉnh hành trình chạy xe, luồng tuyến vận tải đối với xe khách tuyến cố định theo quy hoạch, bảo đảm tính hợp lý, khoa học, thuận tiện cho việc đi lại của nhân dân. Thực hiện điều động phương tiện tham gia chở công dân Việt Nam từ các vùng có dịch về nơi cách ly trong đợt dịch bệnh COVID-19 và phương tiện tham gia phòng chống lụt bão.
Đi đôi với đó, Sở GTVT cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh về việc quy hoạch tuyến vận tải hành khách cố định nội tỉnh. Đồng thời, phối hợp với Sở GTVT các tỉnh, thành phố rà soát nhu cầu, hiện trạng các tuyến xe ô tô khách tuyến cố định đang hoạt động, điều kiện về bến xe, hành trình... để thống nhất báo cáo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ GTVT về việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch chi tiết tuyến cố định liên tỉnh bảo đảm phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân và kinh doanh khai thác có hiệu quả.
Tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt đề án đổi mới và nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt giai đoạn 2020-2024; quyết định ban hành quy định các biện pháp triển khai thực hiện Nghị quyết số 235/2019/NQ-HĐND ngày 12/12/2019 của HĐND tỉnh Thanh Hóa về ban hành chính sách hỗ trợ phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2020-2024. Tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch các bến xe khách, vị trí các điểm đón, trả khách tuyến cố định.
Nguồn: Báo Thanh Hóa