Thông báo Trình tự, thủ tục, nội dung quy trình, phí, lệ phí và thời gian làm việc cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy nội địa
Căn cứ Thông tư số 48/2015/TT-BGTVT ngày 22/9/2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về đăng kiểm thủy nội địa;
Căn cứ Thông tư số 49/2015/TT-BGTVT ngày 22/9/2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tiêu chuẩn, nhiệm vụ và quyền hạn của lãnh đạo, đăng kiểm viên và nhân viên nghiệp vụ của đơn vị đăng kiểm phương tiện thủy nội địa;
Căn cứ Thông báo số 14643/TB-ĐKVN ngày 30/12/2019 của Cục Đăng kiểm Việt Nam về thông báo năng lực đơn vị đủ điều kiện thực hiện công tác đăng kiểm phương tiện thủy nội địa;
Căn cứ Quyết định số 70/GTVT-TC ngày 07/3/2005 của Giám đốc Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa về việc thành lập Bộ phận Đăng kiểm viên phương tiện thuỷ nội địa thuộc phòng Quản lý vận tải;
Nhằm triển khai thực hiện công tác đăng kiểm phương tiện thuỷ nội địa trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định hiện hành và đáp ứng kịp thời nhu cầu của các tổ chức, cá nhân, Bộ phận đăng kiểm phương tiện thủy nội địa thuộc phòng Quản lý vận tải - Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa Thông báo trình tự, thủ tục, nội dung quy trình, phí, lệ phí và thời gian làm việc cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy nội địa; cụ thể như sau:
1. Đối tượng phương tiện cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường:
Bộ phận đăng kiểm phương tiện thủy nội địa thuộc phòng Quản lý vận tải - Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa thực hiện thủ tục kiểm tra và cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đối với các phương tiện có đặc điểm như sau:
- Các phương tiện có sức chở dưới 50 người, phương tiện có trọng tải toàn phần dưới 200 tấn, phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính dưới 135 cv (trừ phà có trọng tải từ 50 tấn trở lên, các phương tiện chở hàng nguy hiểm như xăng, dầu, khí hóa lỏng; tàu cấp VR - SB, tàu cao tốc, tàu hai thân, tàu cánh ngầm, tàu đệm khí, tàu chở công te nơ, tàu có thiết bị nâng có sức nâng trên 1 tấn).
- Các phương tiện chuyên dùng như ụ nổi, tàu công trình và các tàu có công dụng đặc biệt có chiều dài thiết kế nhỏ hơn 10 m.
2. Trình tự, thủ tục kiểm tra và cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy nội địa: Thực hiện theo quy định tại Điều 10 Thông tư số 48/2015/TT-BGTVT ngày 22/9/2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về đăng kiểm thủy nội địa; cụ thể:
“Điều 10. Thủ tục kiểm tra và cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy nội địa
1. Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua hệ thống bưu chính hoặc hình thức phù hợp khác đến đơn vị đăng kiểm, hồ sơ bao gồm: Giấy đề nghị kiểm tra theo mẫu quy định tại Phụ lục V của Thông tư này (trừ trường hợp đề nghị kiểm tra bằng hình thức đề nghị trực tiếp, gọi điện thoại), hồ sơ kỹ thuật của phương tiện. Hồ sơ kỹ thuật của phương tiện quy định như sau:
a) Đối với kiểm tra, cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho phương tiện đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi hoặc phương tiện đã đóng mà không có sự giám sát của đăng kiểm thì trình bản gốc hồ sơ thiết kế đã được thẩm định.
b) Đối với kiểm tra, cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho phương tiện đang khai thác thì trình bản gốc Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy nội địa đã được cấp khi thực hiện kiểm tra phương tiện.
c) Đối với kiểm tra, cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho phương tiện chuyển đổi tàu biển thành phương tiện thủy nội địa thì trình bản gốc hồ sơ thiết kế chuyển đổi tàu biển thành phương tiện thủy nội địa đã được thẩm định và Giấy chứng nhận xóa đăng ký tàu biển Việt Nam.
2. Đơn vị đăng kiểm tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ, trường hợp hồ sơ không đầy đủ theo quy định thì hướng dẫn hoàn thiện ngay trong ngày làm việc (đối với trường hợp nộp trực tiếp) hoặc hướng dẫn hoàn thiện trong 02 (hai) ngày làm việc đối với trường hợp nộp hồ sơ qua hệ thống bưu chính và hình thức phù hợp khác; nếu hồ sơ đã đầy đủ thì hẹn thời gian, địa điểm kiểm tra.
3. Đơn vị đăng kiểm tiến hành kiểm tra. Trong thời hạn 01 (một) ngày làm việc đối với việc kiểm tra phương tiện cách trụ sở làm việc dưới 70 km và 02 (hai) ngày làm việc đối với việc kiểm tra phương tiện cách trụ sở làm việc từ 70 km trở lên hoặc kiểm tra phương tiện ở vùng biển, đảo, kể từ khi kết thúc kiểm tra tại hiện trường, nếu kết quả kiểm tra phương tiện thỏa mãn các quy định của quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật thì đơn vị đăng kiểm cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy nội địa theo mẫu quy định tại Thông tư số 15/2013/TT-BGTVT và đóng dấu hoàn công vào các hồ sơ thiết kế hoàn công đối với trường hợp kiểm tra đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi loại phương tiện nêu ở khoản 1, 2, 3 Phụ lục IX của Thông tư này; nếu kết quả kiểm tra không đạt yêu cầu thì thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân đề nghị.
4. Tổ chức, cá nhân đề nghị kiểm tra phương tiện nộp phí, lệ phí theo quy định và có thể nhận kết quả trực tiếp tại đơn vị đăng kiểm hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc các hình thức phù hợp khác.”
3. Địa chỉ, điện thoại tiếp nhận Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy nội địa
- Địa chỉ tiếp nhận Hồ sơ: Bộ phận đăng kiểm phương tiện thủy nội địa thuộc phòng Quản lý vận tải - Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa, địa chỉ: Số 42 Đại lộ Lê Lợi, phường Điện Biên, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
- Điện thoại tiếp nhận:
+ Cố định – Phòng quản lý vận tải: 02373.852.461.
+ Di động – Ông Mai Văn Phương (đăng kiểm viên): 0904.567.383)
4. Thời gian làm việc:
Các ngày làm việc trong tuần (nếu tổ chức cá nhân có nhu cầu mời kiểm tra trong ngày thứ 7, chủ nhật hoặc ngày lễ, tết thì phải thông báo trước cho đơn vị đăng kiểm).
5. Phí, lệ phí cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy nội địa
- Lệ phí cấp cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy nội địa: 50.000.000 đồng (Theo quy định tại Thông tư số 199/TT-BTC ngày 08/11/2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp quản lý lệ phí cấp giấy chứng nhận bảo đảm chất lượng, an toàn kỹ thuật đối với máy, thiết bị phương tiện giao thông vận tải có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn).
- Phí dịch vụ đăng kiểm: Tùy theo kích thước, công dụng, năm đóng của từng phương tiện, phí dịch vụ đăng kiểm được tính trên cơ sở quy định tại thông tư 237/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về giá dịch vụ kiểm định an toàn kỹ thuật và chất lượng phương tiện thủy nội địa.
Trên đây là trình tự, thủ tục, nội dung quy trình, phí, lệ phí và thời gian làm việc cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy nội địa thuộc thẩm quyền của Bộ phận đăng kiểm phương tiện thủy nội địa thuộc phòng Quản lý vận tải - Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa, đề nghị các cá nhân và tổ chức có liên quan căn cứ, triển khai thực hiện.
Nguồn: Phòng Quản lý vận tải