Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa
  • Liên kết website
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 112

    Hôm nay: 5829

    Đã truy cập: 11109461

Thanh Hóa: “Mở cửa bầu trời”- Nhìn ra thế giới

Vài thập kỷ trở lại đây, giao thông đường hàng không trở thành một “chất xúc tác”, có khả năng kéo gần khoảng cách địa lý, kinh tế, văn hóa giữa các quốc gia, các vùng lãnh thổ và các địa phương. Chính vì lẽ đó, xây dựng các chính sách nhằm “mở cửa bầu trời”, đang và sẽ góp phần tạo ra một cánh cửa rộng nhìn ra thế giới!

Cập nhật: 27/10/2020

Tàu bay chờ đón, trả khách tại Cảng Hàng không Thọ Xuân

“Mở cửa bầu trời”

Hạ tầng giao thông được ví như “xương sống” của hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, với khả năng tạo ra chất keo gắn kết các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh. Với vị thế và vai trò quan trọng ấy, việc xây dựng và triển khai các chính sách “mở cửa bầu trời”, hay phát triển giao thông đường hàng không, đã và đang tạo ra cho tỉnh Thanh Hóa thêm một khâu đột phá để phát triển. Từ đó, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư và nhất là tạo sức hấp dẫn đối với các thị trường khách du lịch trong và ngoài nước. Những năm qua, việc quy hoạch và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông – bao gồm việc xây dựng và khai thác Cảng Hàng không (CHK) Thọ Xuân - tương thích với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương nói riêng, đất nước nói chung, cũng chính là nhằm bảo đảm “huyết mạch” cho toàn bộ nền kinh tế.

Là một CHK dân dụng có “tuổi đời” còn khá non trẻ. Song, qua chưa đầy 1 thập kỷ phát triển, CHK Thọ Xuân đã nhanh chóng khẳng định được vị thế trên bản đồ tăng trưởng và phát triển hệ thống CHK Việt Nam. Điều này có căn cứ thực tế từ những giá trị khởi đầu và bằng những con số ấn tượng. CHK Thọ Xuân “tiền thân” là Sân bay Sao Vàng, được đầu tư khôi phục, nâng cấp một phần và đưa vào khai thác đường bay dân dụng. Ngày 5/2/2013, đã mở ra một “lịch sử mới” cho sân bay này, khi chuyến bay đầu tiên nối TP Hồ Chí Minh – Thanh Hóa đã hạ cánh an toàn xuống CHK Thọ Xuân. “Thừa thắng xông lên”, đến năm 2015, đã có 570.000 lượt khách đến và đi, vượt gần gấp đôi so với kế hoạch ban đầu là đến năm 2020, cảng sẽ đón 320.000 lượt khách. Đặc biệt, đến cuối năm 2019, CHK Thọ Xuân đã cán mốc 1 triệu khách. Việc cán đích sớm cả về thời gian lẫn lượng khách, với tốc độ tăng trưởng đạt tới hơn 300%, đã đưa CHK Thọ Xuân trở thành một trong những CHK có tốc độ tăng trưởng cao nhất Việt Nam. Đây là những con số tưởng chừng “không tưởng” đối với một CHK “sinh sau đẻ muộn”. Đồng thời, tạo căn cứ thực tế vững chắc và thuyết phục cho việc quy hoạch lại CHK Thọ Xuân, sao cho tương xứng với tiềm năng, lợi thế và vị thế hiện có.

Để có được những kết quả bước đầu khả quan và ấn tượng đó, không thể không nhấn mạnh đến quyết tâm và sự đầu tư của Bộ GTVT, tỉnh Thanh Hóa. Đó là nhanh chóng hiện đại hóa cơ sở vật chất, nhằm tạo dựng diện mạo hiện đại cho CHK Thọ Xuân. Cụ thể, nhà ga hành khách được khánh thành tháng 1/2016 với diện tích sàn 5.000m2; được đầu tư trang thiết bị và công nghệ hiện đại. Trong đó có hệ thống hạ cánh chính xác ILS và hệ thống đèn tín hiệu hàng không được đầu tư nâng cấp cả về năng lực tiếp nhận và bảo đảm an toàn khai thác. Theo định hướng đến năm 2030, nhà ga hành khách sẽ mở rộng quy mô lên 7.500m2, với 1,5 cao trình và đạt công suất 1.000 hành khách/giờ cao điểm. Cùng với đó, tỉnh cũng đẩy mạnh đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông kết nối CHK với các khu công nghiệp, khu kinh tế trọng điểm Nghi Sơn. Đồng thời, quy hoạch tuyến cao tốc nối CHK Thọ Xuân với TP Thanh Hóa ; tuyến Metro kết nối CHK Thọ Xuân với TP Thanh Hóa và TP Sầm Sơn...

Nếu việc đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật, được xem là điều kiện “cần” làm nền tảng; thì điều kiện “đủ” để thực thi hay hiện thực hóa chính sách “mở cửa bầu trời”, chính là thu hút được các doanh nghiệp hàng không tham gia vào “sân chơi” này. Đây cũng là điều Thanh Hóa đã làm được và làm tương đối tốt trong suốt gần 1 thập kỷ qua. Theo đó, CHK Thọ Xuân hiện đã có sự hiện diện của những “gương mặt sáng giá”, có tốc độ tăng trưởng nhanh như Hãng Hàng không quốc gia Vietnam Airlines, các hãng Jetstar Pacific, Vietjet Air và Bamboo Airways. Đặc biệt, tại Kỳ họp thứ 7, khóa XVII nhiệm kỳ 2016-2021, HĐND tỉnh Thanh Hóa đã thông qua chính sách hỗ trợ các hãng hàng không mở và khai thác đường bay mới (cả nội địa và quốc tế) tại CHK Thọ Xuân. Qua đó, góp phần khuyến khích các doanh nghiệp tích cực, chủ động mở thêm nhiều đường bay mới đến và đi từ Thanh Hóa. Từ một đường bay duy nhất kết nối Thanh Hóa - TP Hồ Chí Minh, với tần suất 5 chuyến/tuần; đến nay, CHK Thọ Xuân đã đưa vào khai thác với tần suất tương đối dày nhiều đường bay. Trong đó bao gồm các đường bay kết nối Thanh Hóa – TP Hồ Chí Minh, Thanh Hóa – Buôn Ma Thuột, Thanh Hóa – Cam Ranh, Thanh Hóa - Đà Nẵng, Thanh Hóa - Nha Trang, Thanh Hóa - Cần Thơ, Thanh Hóa – Phú Quốc, Thanh Hóa – Quy Nhơn, Thanh Hóa – Đà Lạt...

Nhìn ra thế giới

Để CHK Thọ Xuân phát triển lên một tầm cao mới, thì điều kiện tiên quyết là nhanh chóng hiện đại hóa hệ thống hạ tầng và cơ sở vật chất. Song để chính sách “mở cửa bầu trời” thật sự trở thành một cánh cửa để nhìn ra thế giới, thì càng cần một chiến lược phát triển táo bạo hơn. Vài năm trở lại đây, Thanh Hóa là tỉnh có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội thuộc top cao của cả nước. Trong đó, đầu tư trực tiếp FDI là một điểm sáng; cùng với việc đưa vào vận hành thương mại Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn và nhiều khu công nghiệp lớn đi vào hoạt động. Đặc biệt, với nguồn tài nguyên du lịch đặc sắc và phong phú, Thanh Hóa đã xác định đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn và là một trong những trọng điểm du lịch của đất nước... Tất cả đã và đang khiến cho nhu cầu đi lại, giao lưu, giao thương giữa Thanh Hóa với các tỉnh/thành trong nước và du khách quốc tế đến với Thanh Hóa ngày càng gia tăng. Cũng nhờ đó mà tốc độ tăng trưởng thị trường hàng không dân dụng nội địa của CHK Thọ Xuân gia tăng nhanh chóng; đồng thời, tiềm năng thị trường bay quốc tế càng được khẳng định.

Một trong những dấu mốc cho thấy khả năng mở cánh cửa nhìn ra thế giới của CHK Thọ Xuân là việc đưa vào khai thác đường bay Charter Thanh Hóa – BangKok. Ngày 28/7/2017, chuyến bay quốc tế đầu tiên từ CHK Thọ Xuân được thiết lập, đã kết nối trực tiếp Thanh Hóa – Bangkok (Thái Lan). Dù là những chuyến bay thử nghiệm, có tính chất thăm dò thị trường; song, đường bay Charter Thanh Hóa – BangKok có ý nghĩa hết sức thiết thực. Bởi nó đã góp phần khẳng định khả năng kết nối, giao thương, nhất là trong lĩnh vực du lịch giữa Thanh Hóa với nước bạn. Đồng thời, tạo ra tiền đề quan trọng để đưa CHK Thọ Xuân trở thành một CHK quốc tế trong tương lai gần.

Thực tế đã cho thấy, dù chưa đầy một thập kỷ được đưa vào vận hành, khai thác và phát triển, CHK Thọ Xuân đã và đang bước những bước tiến vững chắc trên hành trình “vươn tầm quốc tế”. Bước ngoặt lớn để hiện thực hóa khao khát ấy là ngày 12/6/2020, Bộ GTVT đã ban hành Quyết định số 1136/QĐ–BGTVT về việc phê duyệt Quy hoạch CHK quốc tế Thọ Xuân thời kỳ 2021–2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo quy hoạch, CHK quốc tế Thọ Xuân trở thành sân bay dân dụng cấp 4E và sân bay quân sự cấp I; với công suất 5 triệu hành khách/năm và 27.000 tấn hàng hóa/năm; có năng lực đón được tàu bay code E hoặc tương đương như A350, B747-400, A330, B777. Bên cạnh đường cất hạ cánh số 1 kích thước 3.200m x 50m hiện có; CHK quốc tế Thọ Xuân sẽ được đầu tư xây đường cất hạ cánh số 2, có kích thước 3.800m x 45m (song song và cách đường cất hạ cánh số 1 khoảng 360m). Ngoài ra, CHK quốc tế Thọ Xuân sẽ được cải tạo, mở rộng, xây mới thêm nhà ga hành khách T2 (2 cao trình) và nhà ga hàng hóa có khả năng đáp ứng công suất 27.000 tấn hàng...

Việc nâng cấp thành CHK quốc tế không chỉ mở ra thời kỳ phát triển mới cho CKH Thọ Xuân; mà qua đó, sẽ tạo sức lan tỏa và mang đến nhiều sự kỳ vọng phát triển mới cho mảnh đất xứ Thanh.

Nguồn: Báo Thanh Hóa 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ Sở Giao thông Vận tải Thanh Hóa

Chịu trách nhiệm : Trưởng Ban biên tập

Địa chỉ: 42 Đại lộ Lê Lợi, TP Thanh Hóa

Điện thoại: (02373)852.360; Fax: (02373)855.129; Email: sgtvt@thanhhoa.gov.vn