Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa
  • Liên kết website
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 4064

    Hôm nay: 15896

    Đã truy cập: 11852859

Phát triển hệ thống cảng biển và vấn đề giảm chi phí dịch vụ logistics

Kết nối các công trình hạ tầng giao thông và các phương thức vận tải đóng vai trò quan trọng trong việc giảm giá thành dịch vụ Logistics. Thời gian qua, nhiều công trình hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh được đầu tư xây dựng, đưa vào khai thác, sử dụng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, việc kết nối các phương thức vận tải vẫn còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế, dẫn đến chi phí vận tải còn cao.

Cảng biển Nghi Sơn

Trong quá trình phát triển giao thông – vận tải (GTVT) trên địa bàn, tỉnh luôn quan tâm đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó có cảng biển. Hệ thống cảng biển trên địa bàn tỉnh thuộc nhóm cảng biển Bắc Trung bộ (nhóm 2), gồm các Cảng Nghi Sơn, Lễ Môn, Quảng Châu, Quảng Nham. Theo quy hoạch được Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định số 2368/QĐ-GTVT ngày 29-7-2016, giai đoạn 2020 - 2030, Cảng Nghi Sơn là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực loại I, tiếp nhận tàu đến 50.000 DWT (riêng khu bến đảo Hòn Mê tiếp nhận tàu đến 400.000 DWT). Lượng hàng hóa thông qua cảng dự kiến năm 2020 khoảng 38,7 triệu tấn/năm, năm 2030 khoảng 65,6 triệu tấn/năm. Các cảng như: Lễ Môn, phường Quảng Hưng (TP Thanh Hóa); Cảng Quảng Châu, xã Quảng Châu (TP Thanh Hóa - dọc trên sông Mã cách Cảng Lễ Môn khoảng 7km về phía hạ lưu); Cảng Quảng Nham, xã Quảng Nham (huyện Quảng Xương - gần khu vực cửa sông Ghép và là các bến cảng tổng hợp địa phương loại II, tiếp nhận tàu tải trọng đến 1.000 DWT. Lượng hàng hóa thông qua cảng dự kiến năm 2020 đạt khoảng 0,75 triệu tấn/năm, năm 2030 dự kiến đạt khoảng 1,5 triệu tấn/năm. Có thể nói, đây là lợi thế về mặt định hướng phát triển của hệ thống cảng biển tỉnh Thanh Hóa và là tiền đề để kêu gọi, thu hút đầu tư. Mặt khác, với lợi thế có đường bờ biển dài 102km, gồm 5 cửa lạch, phân bố đồng đều ở các huyện ven biển tạo thành hệ thống giao thông sông - biển, rất thuận tiện cho các loại phương tiện ra vào hoạt động, đa dạng các loại hình vận tải.

Nhất là Cảng biển Nghi Sơn thuộc Khu Kinh tế Nghi Sơn - là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, trọng tâm là công nghiệp nặng, là nơi hình thành các sản phẩm mũi nhọn, có chất lượng và khả năng cạnh tranh cao, như: Dầu khí, xi măng, điện, thép,...Cảng biển Nghi Sơn được đầu tư bến số 1 (năm 2001) cho tàu 10.000 DWT và đầu tư bến số 2 (năm 2004) cho tàu 30.000 DWT; tổng mức đầu tư 2 bến cảng khoảng 500 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh. Ngoài ra, để kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng các bến cảng theo quy hoạch, tỉnh Thanh Hóa đã hỗ trợ xây dựng một số công trình hạ tầng công cộng, gồm: Nạo vét 4,6 km luồng tàu, xây dựng đê chắn sóng, đê chắn cát... Đến nay, toàn bộ khu Cảng Nghi Sơn gồm 8 bến tổng hợp, 1 bến nhô chuyên dụng của Nhà máy Xi măng Nghi Sơn; khu bến của Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1, khu bến của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn; đồng thời, đã có 20 bến cảng tổng hợp và 10 bến container được chấp thuận đầu tư. Năm 2017, lượng hàng hóa thông qua cảng đạt 10 triệu tấn/năm. Cảng biển Nghi Sơn được kết nối với các cửa khẩu đường bộ của nước CHDCND Lào thông qua các tuyến đường từ Cảng hàng không Thọ Xuân đi Khu Kinh tế Nghi Sơn, Quốc lộ 47, Quốc lộ 217, Quốc lộ 15C. Với hạ tầng giao thông thuận lợi sẽ có lợi thế khai thác dịch vụ logistics và vận tải đa phương thức cho hàng hóa qua cảng biển. Đây là tiềm năng và lợi thế phát triển của Cảng biển Nghi Sơn nói riêng và hệ thống cảng biển tỉnh Thanh Hóa nói chung. Đối với Cảng Lễ Môn đã được đầu tư xây dựng nâng cấp, lượng hàng hóa thông qua cảng đạt 400 nghìn tấn/năm. Hiện nay, Bộ GTVT đã cho phép Cảng Lễ Môn khai thác tiếp nhận tàu đến 3.000 DWT giảm tải, đáp ứng nhu cầu, công suất khai thác. Riêng Cảng Quảng Châu và Cảng Quảng Nham đang được kêu gọi đầu tư  xây dựng.

Việc đầu tư xây dựng hạ tầng cảng biển và dịch vụ cảng biển cần nguồn lực lớn, do đó trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục rà soát quy hoạch, đẩy mạnh xã hội hóa việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cảng biển bằng các hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP), nguồn vốn tư nhân và vốn ngân sách tập trung đầu tư cho các hạng mục cơ sở hạ tầng công cộng (luồng tàu, đê chắn sóng...). Đồng thời, quy hoạch phát triển, mở rộng Cảng biển Nghi Sơn về phía Bắc. Đi đôi với việc quy hoạch phát triển và đầu tư hạ tầng cảng biển, nghiên cứu xây dựng đường sắt nối Cảng Nghi Sơn với tuyến đường sắt Bắc - Nam dài 11km theo quy hoạch tổng thể phát triển ngành GTVT đường sắt Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1436/QĐ-TTg ngày 10-9-2009.

Dịch vụ logistics thực chất là tên gọi chung cho một nhóm nhiều loại dịch vụ khác nhau, là một quá trình gồm một chuỗi các hoạt động có liên quan, có tác động qua lại lẫn nhau, như: Dịch vụ xếp dỡ container, dịch vụ kho bãi, dịch vụ vận tải đa phương thức... Logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Theo số liệu nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) được Bộ GTVT báo cáo tại Hội nghị toàn quốc về logistics năm 2018, chi phí logistics của Việt Nam tương đương 20,9% GDP, trong đó chi phí vận tải chiếm khoảng 59%. Điều đó cho thấy quy mô và tầm quan trọng của dịch vụ logistics trong tổng thể nền kinh tế. Để giảm chi phí dịch vụ logistics, kết nối có hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh và các phương thức vận tải đối với lĩnh vực hàng hải; phát triển dịch vụ vận tải biển đồng bộ với hệ thống cảng biển, tập trung khai thác có hiệu quả các tuyến vận tải biển nội địa nhằm giảm tải cho đường bộ; góp phần giảm chi phí, nâng cao sản lượng vận tải, phát huy lợi thế của cảng biển. Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, logistics là ngành dịch vụ còn khá mới mẻ, mới có khoảng 26 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics; các doanh nghiệp này có quy mô nhỏ và vừa, nguồn nhân lực đào tạo bài bản chuyên ngành logistics còn thấp. Khi cảng biển tham gia vào chuỗi dịch vụ logistics sẽ là sự tích hợp hoạt động cảng biển - vận tải biển - dịch vụ hàng hải trong cung cấp dịch vụ logistics. Phát triển logistics cảng biển là tất yếu vì cảng biển đóng vai trò quan trọng trong toàn bộ chuỗi logistics. Phát triển logistics cảng biển cũng đồng nghĩa với việc phát triển hạ tầng cảng, phát triển hệ thống GTVT đến/đi từ cảng, đẩy mạnh các ứng dụng công nghệ thông tin trong cảng để tăng năng suất xếp dỡ.

Những nguyên nhân khiến chi phí logistics của Việt Nam nói chung và tỉnh Thanh Hóa nói riêng còn cao do cơ sở hạ tầng như hệ thống cảng biển, kho bãi, kết nối... còn hạn chế, bất cập. Về mặt tiềm năng, việc phát triển dịch vụ logistics ở  khu vực thì tỉnh Thanh Hóa có ưu thế lớn so với các tỉnh khác trong khu vực Trung bộ do vị trí của tỉnh Thanh Hóa ở cửa ngõ nối liền Bắc bộ với Trung bộ và là tỉnh có kết nối giao thông trực tiếp đến vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, các tỉnh Bắc nước CHDCND Lào và vùng trọng điểm kinh tế Trung bộ. Hệ thống giao thông tỉnh Thanh Hóa tương đối đa dạng về phương thức, thuận tiện cả về đường bộ (Quốc lộ 1- đường Hồ Chí Minh - đường giao thông ven biển), đường sắt quốc gia, đường sông (sông Mã), đường biển (Cảng nước sâu Nghi Sơn), đường hàng không (Sân bay Thọ Xuân). Do đó trong thời gian tới, Sở GTVT tập trung nghiên cứu phát triển, mở rộng hoạt động dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh, phấn đấu trở thành ngành dịch vụ chủ lực. Ngoài ra, để phát triển dịch vụ logistics, Sở GTVT đã rà soát, xây dựng kế hoạch, quy hoạch phát triển lâu dài nhằm tận dụng lợi thế, hoàn thiện hạ tầng cảng biển và mạng lưới giao thông nhằm khai thác hiệu quả cao hơn nữa hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện có, tạo sự đột phá trong phát triển vận tải góp phần giảm chi phí vận tải, phát triển dịch vụ logistics. Về quy hoạch, hiện nay Sở GTVT đã triển khai lập đề án phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 làm cơ sở báo cáo các bộ, ngành Trung ương, xem xét, quy hoạch tại tỉnh Thanh Hóa trung tâm dịch vụ logistics của vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung theo Quyết định số 169/QĐ-TTg ngày 22-1-2014 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh tổ chức thực hiện phát triển GTVT theo quy hoạch tổng thể phát triển GTVT tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3227/QĐ-UBND ngày 29-8-2017. Tham mưu cho UBND tỉnh bố trí nguồn lực đầu tư nhằm phát triển nhanh đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông. Cụ thể: Về Cảng biển Nghi Sơn, báo cáo Bộ GTVT sớm đầu tư nạo vét 2 km luồng tàu đoạn từ bến số 4 đến đê Bắc, với tổng kinh phí khoảng 3.000 tỷ đồng, làm cơ sở kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng các cầu cảng dọc hai bên luồng và các bến cảng thuộc khu cảng container để sớm đưa vào hoạt động cảng container. Về đường bộ, sẽ phối hợp với các đơn vị trực thuộc Bộ GTVT triển khai đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án trọng điểm, như: Đường bộ ven biển, trục đường Đông Tây TP Thanh Hóa, đường từ TP Thanh Hóa đến đường từ Cảng hàng không Thọ Xuân đi Khu Kinh tế Nghi Sơn. Báo cáo UBND tỉnh xây dựng một số tuyến đường trục chính, tuyến đường kết nối các khu kinh tế, các khu công nghiệp trọng điểm của tỉnh. Về đường biển, đường thủy, sẽ huy động các nguồn lực để đầu tư cải tạo tuyến đường thủy Ninh Bình - Thanh Hóa; nạo vét một số tuyến đường thủy nội địa, kênh trên địa bàn tỉnh để tăng khả năng vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy, góp phần giảm tải cho đường bộ. Từng bước xây dựng hệ thống GTVT đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh phát triển đồng bộ cả về luồng tuyến, bến cảng, phương tiện và năng lực quản lý nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải với chất lượng ngày càng cao, giá thành hợp lý và an toàn. Tổ chức khoa học mạng lưới vận tải đường thủy nội địa trong tỉnh; đồng thời, phối hợp với các loại hình vận tải khác (đường bộ, đường sắt, cảng biển) tạo thành một mạng lưới vận tải thông suốt và cơ động. Về hàng không, sẽ tích cực kêu gọi, thu hút các hãng hàng không mở mới các đường bay nội địa, quốc tế đến Thanh Hóa; đầu tư, nâng cấp Cảng hàng không Thọ Xuân thành cảng hàng không quốc tế theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Về đường sắt, sẽ phối hợp các cơ quan tham mưu của Bộ GTVT hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh, nghiên cứu triển khai tuyến đường sắt tốc độ cao.

Nguồn: Báo thanh hóa điện tử 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ Sở Giao thông Vận tải Thanh Hóa

Chịu trách nhiệm : Trưởng Ban biên tập

Địa chỉ: 42 Đại lộ Lê Lợi, TP Thanh Hóa

Điện thoại: (02373)852.360; Fax: (02373)855.129; Email: sgtvt@thanhhoa.gov.vn