Điểm nhấn quy hoạch hai bên tuyến đường từ Cảng Hàng không Thọ Xuân đi Khu Kinh tế Nghi Sơn
Xác định địa phương dọc tuyến đường từ Cảng Hàng không Thọ Xuân đi Khu Kinh tế Nghi Sơn (CHKTX đi KKTNS) có đồi núi, ao, hồ, sông, suối... và có cảnh quan thiên nhiên phong phú; đồng thời tuyến đường còn qua các điểm di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh thuận lợi cho việc phát triển du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng... Chính vì vậy việc quy hoạch, thực hiện có hiệu quả đầu tư xây dựng, quản lý theo quy hoạch sẽ tạo điểm nhấn cho tuyến đường giao thông quan trọng này của tỉnh.
Tuyến đường từ Cảng hàng không Thọ Xuân đi Khu Kinh tế Nghi Sơn, qua huyện Thọ Xuân.
Tuyến đường từ CHKTX đi KKTNS qua địa bàn 5 huyện: Thọ Xuân, Triệu Sơn, Như Thanh, Nông Cống, Tĩnh Gia và KKTNS. Tuyến đường được đầu tư xây dựng, hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy lưu thông hàng hóa, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đồng thời, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của khu vực dọc theo tuyến đường và lan tỏa đến các khu vực xung quanh. Quy hoạch dọc tuyến đường từ CHKTX đi KKTNS, có đoạn đầu tuyến là Khu Công nghiệp Lam Sơn – Sao Vàng với định hướng xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp, nông nghiệp sạch..., kết hợp với phát triển đô thị, dịch vụ - du lịch văn hóa tâm linh, sinh thái và phát triển bền vững. Đoạn cuối tuyến là KKTNS và là một trong 8 khu kinh tế ven biển của cả nước đang được Chính phủ ưu tiên đầu tư phát triển. Việc tương tác qua lại giữa Khu Công nghiệp Lam Sơn – Sao Vàng với KKTNS kéo theo phản ứng mang tính chất cộng hưởng đến các đô thị, điểm dân cư, du lịch..., các điểm trung gian trong khu vực. Ngoài ra, các dự án lớn về hành lang hạ tầng kỹ thuật quốc gia, nhất là tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam, đường sắt cao tốc, tuyến đường từ TP Thanh Hóa kết nối với tuyến đường từ CHKTX đi KKTNS..., rút ngắn khoảng cách, tạo điều kiện thuận lợi lưu thông trong vùng với các vùng kinh tế khác. Các dự án phát triển kinh tế - xã hội cũng đang được chủ đầu tư quan tâm đến tiềm năng lợi thế sẵn có của vùng, như: Nông nghiệp công nghệ cao, du lịch tâm linh, công nghiệp chế biến và sửa chữa... Các dự án này được đầu tư phát triển không chỉ tác động tích cực đến đời sống nhân dân trong vùng mà còn là tiền đề để thay đổi cơ cấu lao động, phương thức sản xuất và tạo điều kiện cho đô thị phát triển. Chính vì vậy việc lập quy hoạch, đầu tư xây dựng dọc tuyến đường từ CHKTX đi KKTNS nhằm phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp phục vụ sản xuất, kinh doanh dọc tuyến... Trên cơ sở các khu, cụm công nghiệp đã được quy hoạch; như: Khu Công nghiệp Lam Sơn – Sao Vàng, Cụm công nghiệp đô thị Nưa, Cụm công nghiệp Hoàng Sơn... Quy hoạch tập trung nghiên cứu, bổ sung thêm một số cụm công nghiệp dọc tuyến trên cơ sở khai thác quỹ đất thuận lợi về vị trí, hạ tầng tại các huyện Triệu Sơn, Như Thanh, Nông Cống. Đồng thời, bố trí các điểm thương mại dịch vụ tại các khu vực có vị trí thuận lợi, như tại các điểm giao cắt giao thông, các điểm dân cư tập trung... Đối với khu dịch vụ du lịch bố trí tại khu vực đường vào Phủ Na, Am Tiên (Triệu Sơn), khu vực hồ Hao Hao (Tĩnh Gia) nhằm khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch. Ngoài ra, bố trí đất ở phục vụ cho việc tái định cư của các hộ dân bị ảnh hưởng bởi các dự án trong giới hạn lập quy hoạch cũng như tạo quỹ đất dân cư mới nhằm đáp ứng nhu cầu về đất ở cho các hộ dân của các địa phương, nhất là các địa phương trong khu vực. Tập trung phát triển quỹ đất ở theo điểm tập trung tại các đô thị, các điểm dân cư tập trung đã có, không bố trí dân cư dàn trải theo dạng tuyến. Khai thác quỹ đất dọc hai bên tuyến đường tại các khu vực thuận lợi để đầu tư phát triển thành các điểm dịch vụ - thương mại, dịch vụ du lịch, tiểu thủ công nghiệp và điểm dân cư nhằm tạo động lực phát triển lan tỏa đến các khu vực lân cận.
Quy hoạch dọc hai bên tuyến đường từ CHKTX đi KKTNS, với việc phát triển các khu chức năng, bao gồm các khu đô thị, khu dịch vụ thương mại, cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và có vai trò là động lực chính thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của khu vực toàn tuyến. Trong đó, đáng chú ý là đô thị Lam Sơn - Sao Vàng là đô thị động lực, trung tâm vùng kinh tế trọng điểm phía Tây của tỉnh...; đồng thời, là khu công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ và du lịch. Đô thị Sim là đô thị chế biến lâm sản, cây công nghiệp đầu nguồn khu vực các xã vùng đồi và các xã miền núi huyện Triệu Sơn gắn với thương mại – dịch vụ phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân... Đô thị Nưa là đô thị chức năng trung tâm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ thương mại và du lịch, văn hóa – xã hội của tiểu vùng kinh tế Tây Nam của huyện Triệu Sơn... Đô thị cầu Quan là đô thị dịch vụ thương mại, giáo dục, y tế và các ngành công nghiệp hỗ trợ vùng phía Bắc của huyện Nông Cống và các huyện lân cận. Đồng thời, là khu dịch vụ trung chuyển hàng hóa, đầu mối giao thông của vùng và kết nối với các tuyến giao thông khác trong khu vực.
Quy hoạch hai bên tuyến đường từ CHKTX đi KKTNS, với mục tiêu rà soát, đánh giá các tiềm năng, lợi thế phát triển dọc tuyến đường; trên cơ sở đó định hướng phát triển đô thị, điểm dân cư tập trung và các khu chức năng khác. Qua đó, sử dụng đất có hiệu quả, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế của địa phương; đồng thời, bảo đảm sự hoạt động an toàn, hiệu quả của tuyến đường. Chính vì vậy, khi quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, các sở, ngành, các đơn vị có liên quan, các địa phương cần quan tâm huy động các nguồn lực để thực hiện có hiệu quả đầu tư xây dựng, quản lý quy hoạch.
Nguồn: Báo Thanh Hóa điện tử