Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa
  • Liên kết website
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 325

    Hôm nay: 1893

    Đã truy cập: 11197384

Trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Thanh Hóa liên quan đến việc thực hiện hiệu quả công tác đảm bảo TTATGT

Bộ GTVT vừa có Công văn 4208/BGTVT-ATGT ngày 13/05/2021 gửi đến Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Thanh Hóa gửi tới trước Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV

Cập nhật: 14/5/2021

Theo đó, Bộ GTVT nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Thanh Hóa do Văn phòng Chính phủ chuyển đến theo Công văn số 2665/VPCP-QHĐP ngày 19 tháng 4 năm 2021, nội dung kiến nghị như sau: 

“Nội dung kiến nghị (câu số 09): đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành, các tỉnh thực hiện hiệu quả công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông (TTATGT); ưu tiên thực hiện các giải pháp giảm thiểu tai nạn giao thông, khắc phục ùn tắc giao thông, như: đầu tư, sửa chữa kết cấu hạ tầng giao thông; đầu tư các loại hình vận tải hành khách công cộng ở các thành phố, đô thị lớn nhằm giảm sử dụng phương tiện cá nhân tham gia giao thông; chỉ đạo Bộ Tài chính tham mưu cho Chính phủ phương án tăng nguồn kinh phí hoạt động đảm bảo trật tự an toàn giao thông cho địa phương, bố trí kinh phí đảm bảo an toàn giao thông cho các lực lượng trực tiếp thực thi công vụ ở cấp xã, phường, thị trấn”. 

Cử tri tỉnh Thanh Hóa đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo
các bộ, ngành, các tỉnh thực hiện hiệu quả công tác đảm bảo TTATGT

Về nội dung kiến nghị của cử tri nêu trên, Bộ GTVT xin trả lời và cung cấp một số thông tin như sau: Trong những năm qua, công tác bảo đảm TTATGT luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, như: Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 19 tháng 02 năm 2019 về tăng cường bảo đảm TTATGT và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2019 – 2021; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2060/QĐ-TTg ngày 12 tháng 12 năm 2020 phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo đảm TTATGT đường bộ giai đoạn 2021 – 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã và đang chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai một số nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về bảo đảm TTATGT.

Cụ thể, xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật: trong đó, tập trung nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện Dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) để trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2; đồng thời, triển khai xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung các Nghị định xử phạt vi phạm hành 2 chính trong các lĩnh vực giao thông vận tải theo các quy định mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Xây dựng, ban hành các quy định, chính sách khuyến khích sử dụng phương tiện vận tải công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân nhằm kéo giảm tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. 

Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm TTATGT với các chủ đề như “Đã uống rượu bia, thì không lái xe”; các đơn vị chức năng triển khai tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật với nhiều hình thức, phù hợp với thực tiễn của từng địa phương, nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân và doanh nghiệp trong công tác bảo đảm TTATGT.

Tiếp tục triển khai đầu tư, xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông một cách đồng bộ, hiện đại; trong đó tập trung triển khai các dự án đường sắt đô thị, dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông..., hướng tới tổ chức giao thông hiệu quả, thông minh, nhằm hạn chế tối đa các nguy cơ mất an toàn giao thông do sự không đồng bộ của kết cấu hạ tầng; tiếp tục rà soát, xử lý kịp thời các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông trên hệ thống đường bộ.

Tiếp tục xã hội hóa phát triển vận tải hành khách công cộng và dịch vụ hỗ trợ vận tải; mở các tuyến buýt kế cận từ trung tâm đô thị kết nối với địa phương xung quanh; lựa chọn xe buýt có sức chứa phù hợp với hạ tầng và nhu cầu đi lại; tổ chức xe buýt kết nối với các nhà ga đường sắt quốc gia, bến xe khách, ga đường sắt đô thị; sắp xếp hợp lý luồng tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh vào các bến xe khách; tiếp tục bố trí kinh phí để trợ giá cho hành khách và hỗ trợ phát triển xe buýt thân thiện với môi trường theo quy định hiện hành.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về bảo đảm TTATGT, trong đó tập trung vào một số lĩnh vực, như: thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; việc chấp hành các quy định pháp luật trong công tác đăng kiểm phương tiện xe cơ giới đường bộ, kiểm soát tải trọng phương tiện.

Về kinh phí bảo đảm trật tự an toàn giao thông, tại Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 19 tháng 02 năm 2019 và Quyết định số 2060/QĐ-TTg ngày 12 tháng 12 năm 2020, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương triển khai một số nhiệm vụ, như: Xây dựng, hoàn thiện các quy định của pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi thu hút vốn đầu tư từ mọi thành phần kinh tế, dưới nhiều hình thức đầu tư trong và ngoài nước để thực hiện các mục tiêu về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. 

Rà soát, nghiên cứu điều chỉnh phân bổ sử dụng kinh phí xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ ở trung ương và địa phương cho phù hợp với thực tiễn.

Nguồn: Cổng TTĐT Bộ GTVT
 

 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ Sở Giao thông Vận tải Thanh Hóa

Chịu trách nhiệm : Trưởng Ban biên tập

Địa chỉ: 42 Đại lộ Lê Lợi, TP Thanh Hóa

Điện thoại: (02373)852.360; Fax: (02373)855.129; Email: sgtvt@thanhhoa.gov.vn