Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa
  • Liên kết website
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 39

    Hôm nay: 1373

    Đã truy cập: 11196864

Tổng cục ĐBVN đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong xây dựng Chính phủ điện tử và chuyển đổi số

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý tại Tổng cục ĐBVN đã có những bước tiến rõ nét và đạt nhiều kết quả quan trọng

Hệ thống xử lý thông tin đường bộ đặt tại Tổng cục ĐBVN

Theo ông Tô Nam Toàn, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, Môi trường và Hợp tác quốc tế cho biết: Để thực hiện xây dựng Chính phủ điện tử và chuyển đổi số, Tổng cục ĐBVN đã ban hành các văn bản chỉ đạo: Quyết định số 3153/QĐ-TCĐBVN ngày 20/7/2020 kiện toàn Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử Tổng cục ĐBVN; trong đó, Trưởng ban Chỉ đạo là Tổng cục trưởng, các Phó Ban chỉ đạo là PTCT Nguyễn Mạnh Thắng và Phan Thị Thu Hiền, thành viên là các Vụ trưởng các Vụ, Cục trưởng cục QLXD ĐB, Cục trưởng Cục QLĐB I, II, III, IV, Quyết định số 5189/QĐ-TCĐBVN ngày 27/12/2019 ban hành Kế hoạch cải cách hành chính năm 2020 của Tổng cục ĐBVN, Quyết định số 841/QĐ-TCĐBVN ngày 31/3/2020 ban hành Kế hoạch ứng dụng CNTT của Tổng cục ĐBVN năm 2020, Quyết định số 1474/QĐ-TCĐBVN ngày 18/3/2021 ban hành Kế hoạch ứng dụng CNTT, phát triển Chính phủ số và bảo đảm an toàn an ninh mạng Tổng cục ĐBVN giai đoạn 2021-2025; hàng tháng, Lãnh đạo Tổng cục ĐBVN họp kiểm điểm tiến độ công tác xây dựng các hệ thống cơ sở dữ liệu, triển khai các nhiệm vụ ứng dụng CNTT.

Ông Nguyễn Viết Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ KHCN,MT&HTQT cho biết: chính nhờ sự kịp thời và sát sao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Lãnh đạo Tổng cục ĐBVN, công tác xây dựng CPĐT, chuyển đổi số đã đạt được các kết quả quan trọng. 

 Đã cơ bản hoàn thành việc nâng cấp CSDL hệ thống quản lý tài sản đường bộ VRAMP, quản lý tình trạng mặt đường PMS, quản lý cầu trên quốc lộ VBMS, sẵn sàng chia sẻ, kết nối với Trục CSDL dùng chung LGSP Bộ GTVT.

 Triển khai liên thông, kết nối các phần mềm quản lý văn bản để gửi, nhận văn bản điện tử theo Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: đã hoàn thành kết nối phần mềm quản lý văn bản của 16/16 đơn vị trực thuộc từ tháng 7/2019. Triển khai gửi nhận văn bản điện tử đến các cơ quan, đơn vị trực thuộc theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, trong năm 2020 đã gửi, nhận khoảng 60.000 văn bản điện tử (không kèm bản giấy). Hiện nay, Tổng cục ĐBVN đã triển khai Trục liên thông văn bản đến cấp Chi cục (đơn vị cấp 4); Bên cạnh đó, Tổng cục ĐBVN đã thiết lập 02 hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến, đã tổ chức và gia phần lớn các cuộc họp trong năm với Bộ GTVT và các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là giai đoạn ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Hệ thống thông tin một cửa điện tử cung cấp 63 thủ tục hành chính (lĩnh vực an toàn giao thông, quản lý vận tải, quản lý phương tiện và người lái, quản lý bảo trì đường bộ và an toàn giao thông), trong năm 2020 đã tiếp nhận và giải quyết TTHC khoảng 16.000 hồ sơ đúng hạn.

Kết nối hệ thống thông tin với Cổng Dịch vụ công quốc gia theo Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 24/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ: Tổng cục ĐBVN đã hoàn thành việc cung cấp các dịch vụ công kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia, gồm: Dịch vụ công mức độ 3 đổi giấy phép lái xe và Dịch vụ công mức độ 4 cấp giấy phép lái xe Quốc tế; dịch vụ công mức độ 4 cấp GPLX toàn quốc; hệ thống CSDL xử phạt hành chính của Thanh tra giao thông đường bộ; dịch vụ công chấp thuận xây dựng công trình và cấp phép thi công xây dựng công trình điện lực có điện áp từ 35KV trở xuống trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; Dịch vụ công trực tuyến cấp, đổi giấy phép kinh doanh vận tải và cấp, đổi biển hiệu, phù hiệu xe ô tô.

Về giải quyết hồ sơ trực tuyến: năm 2020 cổng DVC trực tuyến Bộ GTVT nhận được 454.800 hồ sơ nộp trực tuyến, trong lĩnh vực đường bộ đã tiếp nhận và giải quyết hơn 236.000 bộ hồ sơ (tương đương 52%). 

Thời gian qua, Tổng cục ĐBVN đã tập trung xây dựng các CSDL quản lý chuyên ngành đường bộ các lĩnh vực: Quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ, quản lý vận tải, quản lý Người điều khiển phương tiện, cụ thể như sau: Hệ thống CSDL quản lý tình trạng mặt đường PMS: Đã thu thập dữ liệu tình trạng mặt đường của 55.345km làn đường Quốc lộ và đường cao tốc, hoàn thiện mô đun hỗ trợ lập kế hoạch bảo trì phần mặt đường, tích hợp với hệ thống quản lý tài sản đường bộ RAMS;  Hệ thống CSDL quản lý Cầu quốc lộ và cao tốc VBMS: Đã thu thập dữ liệu tình trạng cầu của 7.354  cầu trên quốc lộ và đường cao tốc, hoàn thiện mô đun hỗ trợ lập kế hoạch bảo trì cầu, tích hợp với hệ thống quản lý tài sản đường bộ RAMS; Hệ thống CSDL quản lý tài sản đường bộ VRAMP: Đã thu thập đủ 32 loại tài sản đường bộ khác trên tổng số 24.598 km đường quốc lộ và cao tốc; tích hợp thông tin với hệ thống quản lý mặt đường PMS, quản lý cầu VBMS;, trở thành hệ thống CSDL lớn về tài sản đường bộ, là công cụ quản lý, tổng hợp báo cáo và hỗ trợ công tác lập kế hoạch bảo trì hàng năm và trung hạn; Hệ thống CSDL quản lý cầu trên đường địa phương LBMS: Đã thu thập dữ liệu tình trạng cầu của 6.500  cầu trên các đường địa phương; Hệ thống CSDL quản lý giám sát hành trình phương tiện kinh doanh vận tải: Đã xây dựng hoàn thành hệ thống Giám sát hành trình đưa vào vận hành từ ngày 01/01/2020; hệ thống quản lý dữ liệu về tọa độ, tốc độ, số lần vi phạm tốc độ, hành trình di chuyển theo cung đường của hơn 1,3 triệu phương tiện hoạt động kinh doanh vận tải và các loại hình khác đang hoạt động, phục vụ công tác quản lý nhà nước về kinh doanh vận tải của Tổng cục ĐBVN và các Sở GTVT trên toàn quốc; Hệ thống quản lý CSDL giấy phép lái xe: Đã xây dựng hệ cơ sở dữ liệu quản lý giấy phép lái xe để thực hiện quản lý người học từ lúc đăng ký học đến khi được cấp giấy phép lái xe. Hiện nay, dữ liệu GPLX đã tập trung tại Tổng cục ĐBVN gồm hơn 46.781.000 GPLX moto; 8.818.000 GPLX ô tô; đã hình thành trang thông tin điện tử quản lý GPLX hỗ trợ nguời dân và doanh nghiệp trong việc tham khảo, tra cứu thông tin về GPLX, thông tin về vi phạm của người lái xe. Tổng cục ĐBVN cũng đã xây dựng Trung tâm dự phòng, bảo mật hệ thống cơ sở dữ liệu giấy phép lái xe; Hệ thống CSDL kiểm soát tải trọng xe: quản lý tập trung cơ sở dữ liệu tải trọng xe được kết nối với 63 trạm kiểm soát tải trọng xe lưu động và 14 trạm kiểm soát tải trọng xe cố định, đóng vai trò là nguồn dữ liệu phục vụ cho công tác thống kê, báo cáo về tình hình kiểm soát tải trọng xe của các cơ quan quản lý nhà nước; Hệ thống CSDL quản lý giám sát, khai thác dữ liệu thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ: Đã hoàn thành xây dựng hệ thống giám sát dữ liệu thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ đối với các dự án BOT, dữ liệu thu phí sẽ được truyền về Tổng cục ĐBVN đặt tại Trung tâm dữ liệu đường bộ phục vụ công tác giám sát doanh thu thu phí tại 66 trạm thu phí BOT đang hoạt động trên toàn quốc. Hiện nay đã kết nối được 27 Trạm thu phí.

Trong những năm qua, Tổng cục ĐBVN luôn được Bộ GTVT xếp hạng cao về ứng dụng CNTT trong các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ GTVT.

Về phương hướng, nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử và chuyển đổi số trong thời gian tới.

Tổng cục ĐBVN đã ban hành Quyết định số 1474/QĐ-TCĐBVN ngày 18/3/2021 ban hành Kế hoạch ứng dụng CNTT, phát triển Chính phủ số và bảo đảm an toàn an ninh mạng Tổng cục ĐBVN giai đoạn 2021-2025; trong đó đề ra các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới:

Hoàn thiện hệ thống hạ tầng CNTT để hướng tới vận hành theo mô hình điện toán đám mây đối với các hệ thống CSDL lớn, chú trọng đến công tác bảo đảm an toàn an ninh thông tin mạng.

Duy trì, nâng cấp, hoàn thiện các hệ thống CSDL chuyên ngành đường bộ hiện có như: Hệ thống CSDL quản lý tình trạng mặt đường PMS, Hệ thống CSDL quản lý Cầu quốc lộ và cao tốc VBMS, Hệ thống CSDL quản lý tài sản đường bộ VRAMS, Hệ thống CSDL quản lý cầu trên đường địa phương LBMS, Hệ thống CSDL quản lý giám sát hành trình phương tiện kinh doanh vận tải, Hệ thống quản lý CSDL giấy phép lái xe, Hệ thống CSDL kiểm soát tải trọng xe, Hệ thống CSDL quản lý giám sát, khai thác dữ liệu thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ; kết nối, chia sẻ dữ liệu với Trục CSDL nền tảng dùng chung LGSP Bộ GTVT; từng bước hình thành kho dữ liệu tập trung phục vụ chia sẻ, khai thác đối với các cơ quan, đơn vị quản lý.

Tập trung hoàn thiện các hệ thống CSDL về quản lý tài sản đường bộ; xây dựng CSDL về quản lý người điều khiển phương tiện, quản lý phương tiện kinh doanh vận tải đường bộ.

Nâng cấp các hệ thống dịch vụ công trực tuyến đang triển khai lên mức độ cao nhất để đơn giản hóa việc kê khai thủ tục dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp; bảo đảm khả năng kết nối, chia sẻ dữ liệu với các CSDL dùng chung của Bộ GTVT và các Hệ thống thông tin một cửa điện tử của địa phương.

Xây dựng, nâng cấp các phần mềm ứng dụng nội bộ để đổi mới phương thức làm việc truyền thống sang môi trường trực tuyến sử dụng nền tảng số tích hợp các tính năng của văn phòng điện tử như quản lý văn bản, tài liệu điện tử, tài liệu họp, phòng họp trực tuyến, quản lý kế hoạch và theo dõi công việc qua mạng.

Nghiên cứu áp dụng xử lý dữ liệu bằng các công nghệ trí tuệ nhân tạo, công nghệ học máy, dữ liệu lớn, Internet vạn vật, điện toán đám mây… để triển khai đưa vào ứng dụng phù hợp với đặc thù của ngành GTVT đường bộ.  

Xác định xây dựng Chính phủ điện tử, phát triển chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số là xu hướng tất yếu và đang diễn ra sôi động tại rất nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra rất nhanh và mạnh mẽ. Tổng cục ĐBVN đẩy mạnh ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý của ngành đường bộ để hoàn thành được các nhiệm vụ được giao.

Nguồn: TCĐBVN

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ Sở Giao thông Vận tải Thanh Hóa

Chịu trách nhiệm : Trưởng Ban biên tập

Địa chỉ: 42 Đại lộ Lê Lợi, TP Thanh Hóa

Điện thoại: (02373)852.360; Fax: (02373)855.129; Email: sgtvt@thanhhoa.gov.vn