Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa
  • Liên kết website
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 54

    Hôm nay: 1227

    Đã truy cập: 11215854

Chuyển đổi số thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo nền tảng cho sự phát triển nền kinh tế hiện đại

Sáng 27-4-2022, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã tổ chức phiên họp lần thứ hai. Phiên họp được kết nối trực tuyến tới điểm cầu các tỉnh, thành phố trong cả nước.

 

Cập nhật: 28/4/2022

Đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa
cùng các đại biểu dự phiên họp tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa.
 

Dự phiên họp tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa có đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa cùng các thành viên Ban chỉ đạo; đại diện lãnh đạo các sở, ngành chức năng.

Báo cáo tình hình triển khai chuyển đổi số quý I-2022 do Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng trình bày tại phiên họp nêu rõ: Đến nay 22/22 bộ, ngành và 63/63 địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số; 55/63 địa phương đã ban hành nghị quyết, chỉ thị, văn bản của Tỉnh ủy, Thành ủy về chuyển đổi số, trong đó có tỉnh Thanh Hóa.

Các đại biểu dự tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa

Về nhân lực số, hiện nay Việt Nam có khoảng hơn 240 trường đại học, trong đó gần 160 trường có chuyên ngành đào tạo kỹ thuật: công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông, an toàn thông tin. Hằng năm, số lượng sinh viên tốt nghiệp các chuyên ngành này khoảng hơn 50.000. Nếu tính cả đào tạo nghề ở bậc cao đẳng, trung cấp thì con số này khoảng hơn 62.000.

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng, trong cơ cấu nguồn nhân lực, tỷ lệ nhân lực kỹ thuật/tổng lao động của nền kinh tế Việt Nam đạt hơn 1%. Đây là tỷ lệ tương đối thấp so với một số quốc gia như Hoa Kỳ (4%), Hàn Quốc (2,5%), Ấn Độ (1,78%).

Để nâng tỷ lệ lên tối thiểu 2%, Việt Nam cần đào tạo được tối thiểu 70.000 sinh viên đại học chuyên ngành kỹ thuật mỗi năm, tăng khoảng 40% so với hiện nay.

Về hạ tầng số, báo cáo tại phiên họp cho thấy, tốc độ truy cập mạng băng rộng ở Việt Nam quý I-2022 được cải thiện so với cùng kỳ năm 2021, đặc biệt là chỉ số tải xuống (download) ở mạng di động băng rộng tăng khoảng 26% (từ 26,92 Mbps lên 33,90 Mbps), ở mạng cố định băng rộng tăng khoảng 44% (từ 44,18 Mbps lên 67,96 Mbps). Tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh là 70,91%; tỷ lệ hộ gia đình có điện thoại thông minh là 85,08%; tỷ lệ hộ gia đình có cáp quang băng rộng là 68,8%.

Tuy nhiên, cả nước hiện còn 980 thôn lõm sóng băng rộng di động, trong đó 774 thôn sẽ được các doanh nghiệp viễn thông di động triển khai phủ sóng trước ngày 30-6-2022; 118 thôn chưa có điện và 88 thôn thuộc khu vực vùng sâu, vùng xa, đi lại khó khăn, dân cư thưa thớt, dưới 50 hộ gia đình trong một thôn, sẽ tiếp tục được triển khai phủ sóng sau…

Về kinh tế số, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đẩy mạnh triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số qua nền tảng SMEdx.vn. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã tích cực tham gia chương trình. Đến hết quý I-2022 đã có hơn 170.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận Chương trình, hỗ trợ gần 19.000 doanh nghiệp dùng thử miễn phí và gần 3.000 doanh nghiệp sử dụng chính thức sau thời gian dùng thử miễn phí. Bộ Tài chính đã chính thức triển khai hóa đơn điện tử và thuế điện tử trên phạm vi toàn quốc. Trong Quý I-2022 cơ quan thuế đã tiếp nhận xử lý 77.732.636 hóa đơn điện tử…

Bên cạnh đó, các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, về bảo hiểm, về hộ tịch điện tử toàn quốc… được các bộ, ngành triển khai, thực hiện có hiệu quả, góp phần tạo nền tảng đẩy mạnh triển khai Chính phủ số…

Tại phiên họp các đại biểu đã thảo luận, phân tích những thuận lợi, khó khăn trong quá trình chuyển đổi số; làm rõ những vấn đề liên quan đến việc phát huy tiềm năng và sức mạnh thúc đẩy chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực; việc xử lý hồ sơ trên môi trường mạng; nhân lực số; chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến… Đồng thời đề xuất nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả chuyển đổi số trong thời gian tới.

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số nhấn mạnh: Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã xác định chuyển đổi số quốc gia là nhiệm vụ rất quan trọng, gắn với 3 trụ cột chính là Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số. Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm tới công tác chuyển đổi số, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số, công dân số. Đây cũng là lĩnh vực được người dân, cộng đồng doanh nghiệp rất quan tâm.

Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh, chuyển đổi số là động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo, là nền tảng cho sự phát triển nền kinh tế hiện đại.

Nhiệm vụ của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số trong thời gian tới là rất nặng nề, vì vậy Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các thành viên Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, các bộ, ngành, địa phương phải quyết tâm cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, lựa chọn trọng tâm, trọng điểm, có kế thừa, ổn định, đổi mới và phát triển.

Thủ tướng đề nghị các ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số trong sự phát triển chung của đất nước. Thực hiện chuyển đổi số theo quan điểm liên tục đổi mới, có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược. Phương châm hành động là thực hiện nhanh nhất có thể, nhiều nhất có thể và hiệu quả nhất có thể; phát triển có lộ trình, có mục tiêu, an toàn bền vững.

Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số phát biểu tại phiên họp (Ảnh chụp màn hình).

Đề nghị các ngành, các địa phương phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo, huy động mọi nguồn lực cho quá trình chuyển đổi số; thúc đẩy chuyển đổi số phải gắn với phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới phát triển.

Bám sát thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, nói đi đôi với làm và phải có hiệu quả, có sản phẩm cụ thể. Sử dụng tài nguyên thông tin dữ liệu thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, đề cao vai trò người đứng đầu. Thực hiện hài hòa lợi ích Nhà nước, người dân và doanh nghiệp trong chuyển đổi số; rủi ro phải có sự chia sẻ.

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương khẩn trương, quyết liệt triển khai các nhiệm vụ được giao trong kế hoạch hành động, chương trình chuyển đổi số. Trong đó, Bộ Thông tin và Truyền thông sớm hoàn thành việc đánh giá, công bố chính thức danh sách các nền tảng số đáp ứng yêu cầu phục vụ chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Bộ Công an khẩn trương hoàn thiện dự thảo về nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân trình cấp có thẩm quyền ban hành; chủ trì phối hợp với bộ, ngành chức năng hoàn thiện nghị định về định danh và xác thực điện tử trình Chính phủ ban hành trong tháng 5-2022…

Các bộ, ngành, địa phương địa phương cập nhật, ban hành kế hoạch hành động chuyển đổi số đến năm 2025 bảo đảm 3 trụ cột chính là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, phù hợp với chiến lược quốc gia và phù hợp với thực tiễn mỗi địa phương, đơn vị.

Việc số hóa hồ sơ kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa thuộc cấp bộ, cấp tỉnh phải được triển khai ngay từ ngày 1-6-2022. Cùng với đó, các ngành, các địa phương phải coi trọng và nâng cao hơn nữa công tác đào tạo nguồn nhân lực; phát triển hạ tầng số có trọng tâm, trọng điểm…

 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ Sở Giao thông Vận tải Thanh Hóa

Chịu trách nhiệm : Trưởng Ban biên tập

Địa chỉ: 42 Đại lộ Lê Lợi, TP Thanh Hóa

Điện thoại: (02373)852.360; Fax: (02373)855.129; Email: sgtvt@thanhhoa.gov.vn