Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa
  • Liên kết website
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 134

    Hôm nay: 1360

    Đã truy cập: 11830894

Ứng dụng công nghệ số trong khai thác cảng biển

Việc tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ tiên tiến và phát triển cảng thông minh đã mang lại hiệu quả thiết thực cho DN và khách hàng, nhờ đó hiệu quả khai thác cảng biển tăng lên rõ rệt.

Cập nhật: 27/5/2022

Nhân viên cảng Gemalink sử dụng công nghệ trong điều hành quản lý kho, bãi.

Đi đầu trong áp dụng công nghệ

Là một DN chuyên về vận tải hàng hóa, bà Lê Thị Thu Thùy, Phó Giám đốc Công ty vận tải Phú Mỹ cho biết, công ty trước đây mỗi lần làm thủ tục vận chuyển hàng phải cử 4-5 người trực tại cảng để phối hợp thực hiện thủ tục, thanh toán, giao nhận hàng. Tuy nhiên, các thủ tục thông quan hiện nay đã được áp dụng thông qua quét mã vạch, nhờ đó, nhân viên có thể thao tác trên máy tính mà không cần phải tới cảng. Thời gian giao dịch đã rút ngắn hơn một nửa, tạo thuận lợi, an toàn và giảm chi phí rất nhiều cho ngành logistics. Có được kết quả này là nhờ ứng dụng phần mềm cảng điện tử (E-port).

Theo ông Nguyễn Hồng Phúc, Giám đốc Kinh doanh Cảng Quốc tế Tân Cảng-Cái Mép (TCIT), ứng dụng E-port đã được Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn áp dụng đầu tiên tại Việt Nam từ đầu năm 2017. E-port là chương trình nhằm hỗ trợ khách hàng khai báo thủ tục nâng, hạ container và thanh toán phí nâng, hạ; bảo đảm thuận tiện, đơn giản, tiết kiệm thời gian, cắt giảm chi phí…

Với ứng dụng này, khách hàng chỉ cần điện thoại có kết nối internet, thực hiện theo hướng dẫn là có thể hoàn tất giao dịch trong thời gian ngắn với thời gian 1-2 tiếng đồng hồ là xong, nhân viên không phải xuống cảng.

Là DN đi đầu trong việc đón các tàu có trọng tải lớn, Cảng Quốc Tế Cái Mép (CMIT) luôn chú trọng đầu tư công nghệ thiết bị hiện đại phục vụ cho các hoạt động. Điển hình là CMIT đã và đang ứng dụng thành công các phần mềm có tính năng vượt trội như hóa đơn điện tử (e-invoice), giám sát hải quan tự động (e-cargo).

Đặc biệt, cuối năm 2019, CMIT tham gia vào nền tảng chuỗi cung ứng TradeLens sử dụng công nghệ blockchain. TradeLens là một nền tảng công nghệ blockchain mở và trung lập đang số hóa chuỗi cung ứng toàn cầu, chuyển đổi hoạt động thương mại. Nền tảng này tập hợp tất cả các bên liên quan trong chuỗi cung ứng, gồm các chủ hàng, công ty giao nhận, vận tải nội địa (đường bộ và đường sắt), cảng, hãng tàu, cơ quan hải quan và cơ quan chức năng khác vào cùng một nền tảng cộng tác, chia sẻ dữ liệu an toàn.

Theo ông Nguyễn Xuân Kỳ, Tổng Giám đốc CMIT, trong bối cảnh nhu cầu về dịch vụ trực tuyến chất lượng cao ngày càng tăng của các khách hàng cùng với sự phát triển mạnh mẽ số hóa toàn cầu, tham gia vào TradeLens giúp CMIT cập nhật dữ liệu hàng hóa nhanh nhất. Từ đó, trực tiếp hỗ trợ nâng cao hiệu quả kế hoạch chuỗi cung ứng của các khách hàng. CMIT là cảng đầu tiên ở Việt Nam tham gia vào TradeLens, qua đó thúc đẩy các đơn vị cảng khác, đối tác, khách hàng của cảng và đơn vị kinh doanh trong chuỗi cung ứng trong nước cùng tham gia.

Với mục tiêu xây dựng cảng xanh hiện đại, Gemalink hiện đang sử dụng thế hệ cẩu E-RTG 100% điện lưới (Full electric), được vận hành bán tự động, tích hợp công nghệ kiểm soát tải linh hoạt (ALC) và cabin điều khiển thông minh cùng hệ thống DGPS kết hợp đồng bộ với phần mềm quản lý cảng CATOS hiện đại.

Mọi hoạt động theo dõi, quản lý khai thác, phối hợp giữa tuyến tiền phương và hậu phương của cảng được thực hiện nhịp nhàng, nhanh chóng và chuẩn xác đến từng vị trí container trên bãi. Từ đó, tối ưu hóa việc vận hành, khai thác, đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp cho các khách hàng, đối tác. Nhờ đó, cảng lập kỷ lục trong ngành hàng hải khi đã cán mốc đạt sản lượng 1 triệu TEU chỉ sau một năm đi vào hoạt động.

Tự động hóa trong hoạt động cảng biển

Theo Hiệp hội Cảng biển Việt Nam, việc quản lý tại cảng biển trước đây khá khó khăn và cần nhiều nguồn nhân lực và chi phí để kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ thông tin, sự ra đời của quản lý cảng biển bằng các công nghệ thông minh, việc vận hành cảng biển ngày càng hiện đại, dễ dàng. Đặc biệt, những thách thức từ dịch COVID-19 đang thúc đẩy quá trình tự động hóa trong lĩnh vực cảng biển, logistics và sẽ trở thành xu hướng chính trong thời gian tới.

Ngoài các ứng dụng trên, hiện các DN cảng tại CM-TV cũng đã ứng dụng công nghệ và triển khai hệ thống cảng thông minh các phần mềm khác như: Hệ thống phần mềm lập kế hoạch điều hành (TOPX), phần mềm quản lý dữ liệu containers (TOPO), phần mềm quản lý container mới (TOPOVN). Việc đưa vào vận hành các phần mềm công nghệ thông tin góp phần giảm thiểu thời gian làm hàng từ 2-3 giờ/container xuống còn 50 phút/container vào hạ bãi và xuất hàng ra cổng, làm giảm 55% thời gian tàu nằm bến cho các hãng tàu; giảm 3/4 thời gian giao nhận hàng hóa cho khách hàng; giảm 60% các vụ việc mất an toàn lao động, an toàn giao thông.

Với ứng dụng E-port, khách hàng không phải tới DN giao nhận hàng.
Trong ảnh: Vận chuyển hàng về kho, bãi tại Cảng TCIT.

Ông Bùi Văn Quỳ, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tân Cảng Sài, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn mạng lưới cảng biển châu Á - Thái Bình Dương (APEC) cho biết, năm 2022, APEC đã đề ra chương trình phục hồi chuỗi cung ứng trong đó chú trọng việc tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ tiên tiến, phát triển cảng thông minh để tăng hiệu quả khai thác cảng, kết nối thông suốt với các bên liên quan trong chuỗi cung ứng, giảm thiểu tiếp xúc trực tiếp giữa con người với nhau thông qua các phương thức như điện tử hoá chứng từ và các hình thức thanh toán trực tuyến.

Do đó, các DN cảng cần hướng tới xây dựng hệ sinh thái số (eSNP), là hệ thống điện tử trung gian giúp kết nối các hệ thống của các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực cảng biển nhằm đơn giản hóa, chuẩn hóa và tăng tốc trao đổi thông tin giữa các bên, tăng hiệu quả tương tác với các cơ quan chính phủ như hải quan, hàng hải và cảng vụ. Từ đó, tăng cường kiểm soát, tối ưu quản lý và tự động hóa các quy trình, nâng cao chất lượng dịch vụ và tiết kiệm chi phí trong các hoạt động khai thác cảng và logistics. Bên cạnh đó, giúp loại bỏ tập quán giao dịch thủ công truyền thống giữa các bên, điện tử hóa các quy trình, phù hợp với xu thế kinh tế chia sẻ trong thời đại cách mạnh công nghiệp 4.0.

Nguồn: Báo BR-VT

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ Sở Giao thông Vận tải Thanh Hóa

Chịu trách nhiệm : Trưởng Ban biên tập

Địa chỉ: 42 Đại lộ Lê Lợi, TP Thanh Hóa

Điện thoại: (02373)852.360; Fax: (02373)855.129; Email: sgtvt@thanhhoa.gov.vn