Tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án giao thông, thủy lợi trọng điểm
Ngày 9/8, đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh đã đi kiểm tra tình hình thi công một số dự án giao thông, thủy lợi trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Tham gia đoàn công tác có đồng chí Mai Xuân Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các ngành, địa phương, đơn vị liên quan.
Cập nhật: 10/8/2023
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng và đoàn công tác đã đi kiểm tra thực địa công trường thi công dự án tuyến đường bộ ven biển đoạn từ huyện Nga Sơn đến huyện Hoằng Hóa; dự án đường từ khu Công nghiệp Bỉm Sơn đến đường bộ ven biển thuộc địa bàn huyện Nga Sơn; Tiểu dự án hệ thống thủy lợi sông Lèn, thuộc dự án Nâng cấp hệ thống thủy lợi sông Lèn và sông Hoàng Mai nhằm nâng cao khả năng kiểm soát mặn, cải tạo môi trường sinh thái và ứng phó với biến đổi khí hậu, gọi tắt là dự án KEXIM 1, thuộc địa bàn huyện Hậu Lộc và Nga Sơn.
Theo báo cáo của chủ đầu tư và các nhà thầu, dự án tuyến đường bộ ven biển đoạn từ huyện Nga Sơn đến huyện Hoằng Hóa có tổng chiều dài hơn 23,7km, tổng vốn đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng, trong đó phần xây lắp gồm 2 gói thầu số 5 và số 6 với tổng giá trị hơn 1.500 tỷ đồng. Đến nay, tổng giá trị xây lắp đạt khoảng 686 tỷ đồng, bằng 44,7% giá trị hợp đồng. Đáng chú ý, các hạng mục cầu đều đạt và vượt tiến độ so với kế hoạch. Trong khi đó, phần thi công đường ở cả 2 gói thầu đều chậm tiến độ so với hợp đồng; cụ thể, gói thầu số 5 chậm 31%, gói thầu số 6 chậm 29% so với hợp đồng. Đến nay, công tác giải phóng mặt bằng phục vụ thi công dự án này cơ bản đã hoàn thành, còn khoảng 1,5km thuộc địa bàn huyện Hậu Lộc chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng, nhưng không ảnh hưởng đến việc triển khai thi công.
Dự án đường từ khu Công nghiệp Bỉm Sơn đến đường bộ ven biển thuộc địa bàn huyện Nga Sơn có chiều dài hơn 18,8km, trong đó có hơn 2,3km trùng với tuyến đường bộ ven biển, còn khoảng 16,5km xây mới, với tổng mức đầu tư 900 tỷ đồng, trong đó giá trị xây lắp hơn 564 tỷ đồng, giá trị thực hiện ước đạt gần 154 tỷ đồng, chậm tiến độ 26% so với hợp đồng. Bên cạnh khó khăn về nguồn cung vật liệu san lấp, thì vướng mắc lớn nhất của dự án này là công tác giải phóng mặt bằng đoạn đi qua địa bàn huyện Nga Sơn. Đến nay, trong khi thị xã Bỉm Sơn và huyện Hà Trung đã hoàn thành 100% giải phóng mặt bằng, thì huyện Nga Sơn mới chỉ bàn giao được 8,7km trên tổng số hơn 12,7km, đạt 68%.
Chậm giải phóng mặt bằng cũng đang là khó khăn, vướng mắc lớn nhất trong quá trình thi công tiểu dự án thủy lợi sông Lèn. Đến nay, huyện Nga Sơn vẫn còn 1,3ha vị trí bãi đổ thải chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng. Trong khi đó, huyện Hậu Lộc vẫn còn gần 3,4ha trên tổng số 3,9ha diện tích phải giải phóng mặt bằng. Đáng chú ý, phần đất chưa giải phóng mặt bằng thuộc địa bàn huyện Hậu Lộc là vị trí thi công của một số hạng mục công trình quan trọng như nhà điều hành, trạm biến áp.
Cùng với việc báo cáo, làm rõ về tình hình, tiến độ triển khai các dự án, lãnh đạo các ngành, địa phương, chủ đầu tư và nhà thầu cũng đề xuất với tỉnh tháo gỡ một số khó khăn vướng mắc về nguồn cung vật liệu san lấp và nguồn vốn phục vụ giải phóng mặt bằng, đồng thời cam kết cụ thể về thời gian, tiến độ giải phóng mặt bằng cũng như tiến độ thi công xây lắp.
Khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của các công trình, dự án trọng điểm đối với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước và của tỉnh, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng ghi nhận: trong bối cảnh có rất nhiều khó khăn do dịch bệnh, thời tiết bất lợi, giá cả vật tư biến động, song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các ngành, địa phương, chủ đầu tư và các nhà thầu đã có nhiều cố gắng, khắc phục khó khăn, triển khai thực hiện các dự án đạt được những kết quả bước đầu, trong đó có một số hạng mục đạt và vượt tiến độ so với kế hoạch. Tuy nhiên, nhìn tổng thể thì tiến độ chung của các dự án đều chậm, một số hạng mục rất chậm so với hợp đồng, giải ngân vốn chậm so với yêu cầu, nhiều lần phải chuyển nguồn.
Nêu lên 6 vấn đề lớn đang ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thực hiện các dự án, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng yêu cầu: trước hết, các huyện cần phải tập trung cao để làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, coi đây là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, từ đó triển khai đồng bộ các giải pháp. Đối với huyện Nga Sơn, phải hoàn thành giải phóng mặt bằng Tiểu dự án thủy lợi sông Lèn trước ngày 15/10/2023; đối với huyện Hậu Lộc, phải hoàn thành giải phóng mặt bằng dự án đường ven biển trước ngày 31/12/2023, Tiểu dự án thủy lợi sông Lèn chậm nhất đến ngày 10/10 phải giải phóng mặt bằng xong. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, đơn vị liên quan khẩn trương tháo gỡ khó khăn về nguồn vật liệu đất, cát phục vụ san lấp; rà soát, đánh giá trữ lượng các mỏ, bổ sung các mỏ chưa nằm trong quy hoạch vào quy hoạch để thực hiện đấu giá hoặc giao mỏ theo quy định của pháp luật, đảm bảo nguồn cung cho các dự án. Đồng thời, sở Xây dựng hướng dẫn các nhà thầu lập kế hoạch, đăng ký nhu cầu sử dụng vật liệu san lấp để chủ động cung ứng. Liên quan đến nguồn vốn phục vụ giải phóng mặt bằng, hiện nay các huyện đều đang gặp khó khăn trong việc bố trí nguồn vốn, do tình hình thu ngân sách không được thuận lợi. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các huyện rà soát lại các nhiệm vụ chi, sắp xếp phù hợp, ưu tiên bố trí vốn cho các dự án trọng điểm. Cùng với đó, các sở Tài chính, Kê hoạch và Đầu tư nghiên cứu, hướng dẫn các huyện phương án huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện dự án. Đối với Tiểu dự án thủy lợi sông Lèn, huyện Hậu Lộc và Ban quản lý dự án của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải phối hợp chặt chẽ trong việc bố trí đủ nguồn vốn và giải ngân kịp thời, đáp ứng tốt yêu cầu công tác giải phóng mặt bằng.
Đối với các nhà thầu, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: tỉnh luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ các nhà thầu tháo gỡ các vướng mắc, chia sẻ khó khăn. Vì vậy, ở chiều ngược lại, các nhà thầu cũng phải thể hiện trách nhiệm đối với tỉnh và địa phương trong quá trình triển khai thực hiện dự án. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nêu rõ: bên cạnh những nhà thầu đã rất nỗ lực cố gắng, tập trung mọi điều kiện để khắc phục khó khăn, thi công đảm bảo tiến độ và chất lượng, cũng có một số nhà thầu nhận thức chưa đúng về tầm quan trọng của công trình, chưa tập trung cao để thi công, một số nhà thầu năng lực hạn chế. Trong thời gian tới, các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án cần chỉ đạo quyết liệt, đôn đốc thi công, đồng thời tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc. Đồng thời, yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở nâng cao vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các dự án trọng điểm; các sở ngành, nhất là những sở được giao làm chủ đầu tư các dự án cần nâng cao năng lực tham mưu, thực hiện nghiêm chế độ giao ban định kỳ hằng tháng để đánh giá tiến độ thực hiện dự án, báo cáo thường trực Tỉnh ủy.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: nếu làm tốt 6 vấn đề nêu trên sẽ khắc phục, vượt qua được khó khăn, với tinh thần là phải đạt và vượt tiến độ đã đề ra, đảm bảo an toàn tuyệt đối trong quá trình thi công, đồng thời đảm bảo chất lượng, kỹ thuật và mỹ thuật của công trình.
Chiều cùng ngày, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và đoàn công tác đã đi kiểm tra tiến độ thi công dự án đường nối Quốc lộ 1A với Quốc lộ 45 từ xã Hoằng Kim, huyện Hoằng Hóa đến xã Thiệu Long, huyện Thiệu Hóa; dự án đường giao thông đoạn tránh Ngã Ba Chè, từ xã Thiệu Trung đến thị trấn Thiệu Hóa; dự án đường giao thông Nam Sông Chu, đoạn từ xã Thiệu Vận đi xã Minh Tâm và dự án đường thông từ Quốc lộ 45 đi Trung tâm hành chính mới huyện Thiệu Hóa; dự án đường nối Quốc lộ 217 với Quốc lộ 45 và Quốc lộ 47 đi qua địa bàn các huyện: Yên Định, Thiệu Hóa, Thọ Xuân, Triệu Sơn. Theo báo cáo của các chủ đầu tư và các địa phương, đơn vị liên quan, đến nay tiến độ triển khai các dự án này đang đảm bảo so với kế hoạch, một số dự án có thể vượt tiến độ từ 4 đến 6 tháng. Công tác giải phóng mặt bằng cơ bản thuận lợi, tại huyện Hoằng Hóa chỉ còn 5 hộ chưa bàn giao đất, còn tại huyện Thiệu Hóa tất cả các hộ bị ảnh hưởng đã đồng tình, chấp thuận phương án bồi thường, chỉ còn chờ bố trí tái định cư xong là bàn giao đất, thậm chí một số hộ đã chủ động bàn giao trước mặt bằng để phục vụ thi công. Khó khăn chính của các dự án này là khả năng bố trí nguồn vốn phục vụ giải phóng mặt bằng và xây lắp.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng biểu dương các ngành, các địa phương, đơn vị đã có nhiều nỗ lực cố gắng trong thực hiện các dự án; đặc biệt, đánh giá cao và trân trọng cảm ơn nhân dân đã đồng tình ủng hộ trong công tác giải phóng mặt bằng và quá trình thi công. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các địa phương tiếp tục làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, khẩn trương hoàn thành các khu tái định cư. Cùng với đó, quan tâm làm tốt công tác quy hoạch, quản lý và thực hiện quy hoạch xây dựng để phát huy tốt nhất hiệu quả các công trình dự án. Ưu tiên bố trí nguồn lực để thực hiện các dự án trọng điểm, góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, tăng cường kết nối và tạo động lực mới cho sự phát triển của các địa phương cũng như của tỉnh. Các chủ đầu tư sát sao đôn đốc các nhà thầu triển khai thi công đảm bảo tiến độ, an toàn, chất lượng. Đối với công trình cầu sông Chu thuộc dự án đường giao thông nối quốc lộ 217 với quốc lộ 45 và quốc lộ 47, phấn đấu hợp long vào dịp 3/2/2024 và khánh thành vào cuối quý 1 năm 2024.
Nguồn: Truyền hình Thanh Hóa