Phát triển hạ tầng giao thông là một trong những yếu tố then chốt thúc đẩy liên kết vùng, mở ra không gian phát triển kinh tế - xã hội. Trong thời gian qua, để sớm hiện thực hóa mục tiêu phát triển đã được đề ra, hoàn thành thắng lợi khâu đột phá về phát triển hạ tầng tại Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, tỉnh đã nỗ lực, quyết tâm, triển khai đồng bộ các giải pháp, trọng tâm là tăng cường kết nối các khu kinh tế động lực của tỉnh, thúc đẩy liên kết vùng, từ đó phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, nâng cao khả năng cạnh tranh của tỉnh.
Thăm một số công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh, chúng tôi cảm nhận được không khí làm việc khẩn trương, sôi nổi, tinh thần “vượt nắng thắng mưa”, đồng lòng vì mục tiêu chung của các cấp, các ngành, cán bộ, công nhân, lao động ngành giao thông - vận tải (GTVT), giữa chủ đầu tư và các đơn vị thi công, giám sát.
Dự án (DA) đường giao thông từ Khu Công nghiệp (KCN) Bỉm Sơn đến đường bộ ven biển đoạn Nga Sơn – Hoằng Hóa được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt DA đầu tư tại Quyết định số 490/QĐ-UBND ngày 5/2/2021 đi qua 3 địa phương: thị xã Bỉm Sơn, huyện Hà Trung, huyện Nga Sơn do Ban Quản lý DA đầu tư công trình giao thông Thanh Hóa làm chủ đầu tư. Đến nay, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đã bàn giao cho chủ đầu tư là 13,95/16,442 km (đạt 85%). Trên công trường, nhà thầu đang triển khai thi công tại 9 mũi, trong đó có 2 mũi thi công cầu, 7 mũi thi công nền đường, rãnh thoát nước và hoàn thiện cống. Giá trị thực hiện đến nay khoảng 197,62/564,82 tỷ đồng (đạt 35%). Mặc dù tiến độ thi công DA còn chậm so với kế hoạch do nhiều yếu tố khách quan, chủ quan, song Ban Quản lý DA đầu tư công trình giao thông Thanh Hóa đang chỉ đạo nhà thầu thi công và tư vấn giám sát nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh khối lượng thực hiện, đảm bảo không ảnh hưởng đến tiến độ chung của toàn bộ DA.
Với phương châm giao thông đi trước mở đường, việc đầu tư phát triển hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Công tác xây dựng quy hoạch, cơ chế, chính sách phát triển được thực hiện đồng bộ, có tầm nhìn dài hạn, đi trước một bước; các DA giao thông được ưu tiên bố trí vốn đảm bảo tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các công trình có tính kết nối, lan tỏa lớn, kết nối các vùng kinh tế, các KCN trọng điểm, các cửa khẩu, các KCN, khu du lịch, khu đô thị. Ngoài ra đã thu hút được nguồn vốn của các thành phần kinh tế để đầu tư kết cấu hạ tầng GTVT.
Ngoài các DA hạ tầng giao thông đã được khánh thành, đưa vào sử dụng trong thời gian qua, Thanh Hóa đang tập trung thực hiện các DA giao thông trọng điểm trên địa bàn (đường giao thông từ KCN Bỉm Sơn đến đường bộ ven biển đoạn Nga Sơn – Hoằng Hóa; tuyến đường bộ ven biển Nga Sơn – Hoằng Hóa, đường Vạn Thiện – Bến En; đường nối Quốc lộ 1A với Quốc lộ 45 từ xã Hoằng Xuân, Hoằng Hóa đến xã Thiệu Long, Thiệu Hóa)... Đẩy nhanh tiến độ, hoàn tất các công tác chuẩn bị để khởi công các DA: đường từ cao tốc Bắc – Nam đi Quốc lộ 1A và Cảng Nghi Sơn; cầu Cẩm Vân, huyện Cẩm Thủy; đường từ nút giao Đông Xuân đi TP Thanh Hóa (đoạn Đông Thanh – Đông Tiến)...
DA đường nối cao tốc Bắc – Nam, Quốc lộ 1A đi Cảng Nghi Sơn do Ban Quản lý DA đầu tư xây dựng khu vực Khu Kinh tế Nghi Sơn và các KCN Thanh Hóa làm chủ đầu tư, thời gian thực hiện từ năm 2022-2025. Địa điểm xây dựng gồm: Đường tỉnh 512 đoạn từ Quốc lộ 1A đến đường Thọ Xuân - Nghi Sơn: Thuộc địa phận các phường Tân Dân, Hải An; các xã Ngọc Lĩnh, Anh Sơn, Các Sơn, thị xã Nghi Sơn và xã Tượng Sơn, huyện Nông Cống (tuyến số 1); đường Nghi Sơn - Bãi Trành đoạn từ cầu Hổ đến đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông: Thuộc địa phận xã Tân Trường, thị xã Nghi Sơn (tuyến số 2); tổng mức đầu tư là 1.345 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành, DA sẽ góp phần từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông trong khu vực, thu hút các nhà đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và khu vực DA đi qua nói riêng.
Cầu vượt sông Mã - cầu Xuân Quang đang trong quá trình thi công
Đây là một trong những DA lớn, trọng điểm, nhận được nhiều sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các cấp, các ngành, chịu sự giám sát và chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch UBND tỉnh. Nhận thức được điều đó, tập thể lãnh đạo Ban Quản lý DA đầu tư xây dựng khu vực Khu Kinh tế Nghi Sơn và các KCN Thanh Hóa đã tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện tổ chức lựa chọn nhà thầu tư vấn bước thiết kế bản vẽ thi công và tiến hành công tác khảo sát, lập hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công để trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, từ đấy hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu xây lắp đảm bảo kế hoạch đề ra. Ban đã tích cực phối hợp với UBND thị xã Nghi Sơn, UBND huyện Nông Cống (các chủ đầu tư tiểu DA giải phóng mặt bằng) hoàn thành bàn giao hồ sơ và thực hiện công tác cắm cọc cả hai tuyến; hoàn thành công tác giải ngân vốn đầu tư năm 2023... Theo kế hoạch, cuối tháng 12/2023, chủ đầu tư sẽ phối hợp với các nhà thầu khởi công DA.
Các công trình, DA đầu tư phát triển hạ tầng giao thông hoàn thành sẽ tạo động lực cho kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh và bền vững, bảo đảm quốc phòng - an ninh, nâng cao đời sống Nhân dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo, rút ngắn khoảng cách giữa các vùng, miền, góp phần thực hiện thắng lợi khâu đột phá về phát triển hạ tầng theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX; Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Để làm tốt hơn nữa việc phát triển hạ tầng giao thông, thúc đẩy liên kết vùng, từ đó khai phóng nguồn lực, mở ra không gian phát triển mới, tỉnh Thanh Hóa đã, đang bám sát vào các quy hoạch GTVT đã được Chính phủ, Bộ GTVT phê duyệt; các Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa, thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040 để thực hiện có hiệu quả phương án phát triển mạng lưới GTVT.
Huy động tối đa nguồn lực trong xã hội, tập trung rà soát, xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế thực hiện đầu tư kết cấu hạ tầng theo hình thức đối tác công tư (PPP). Tập trung kêu gọi, thu hút đầu tư các DA công trình đầu mối, có tính chất kết nối liên vùng, liên tỉnh, trọng tâm là: Đầu tư nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng, trang thiết bị Cảng Hàng không Thọ Xuân đáp ứng điều kiện thành cảng hàng không quốc tế; tuyến đường sắt từ khu vực Cảng Hàng không Thọ Xuân đi Khu Kinh tế Nghi Sơn; đầu tư, nâng cấp, mở rộng Cảng Lạch Sung, Cảng Quảng Châu; đường vành đai 3 nhánh phía Đông đoạn từ huyện Hoằng Hóa đến huyện Quảng Xương; tuyến đường giao thông nối đường Hồ Chí Minh (tại xã Quang Trung, huyện Ngọc Lặc) với Quốc lộ 6 (tại xã Phong Phú, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình)...; đầu tư xây dựng các trung tâm logistics, cảng cạn, từng bước đưa Thanh Hóa trở thành cầu nối giao thương với các vùng của cả nước.
Nguồn: Báo Thanh Hóa