Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa
  • Liên kết website
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 76

    Hôm nay: 2046

    Đã truy cập: 11407757

Thanh Hóa: Bảo đảm ATGT trong mùa mưa bão

Những năm qua, vào mùa mưa bão, nhiều tuyến đường giao thông, nhất là ở các huyện miền núi, các vùng bị ngập lụt, xói lở, sình lầy..., gây khó khăn cho người và phương tiện tham gia giao thông. Để chủ động phòng ngừa, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại đối với các tuyến đường, ngành GTVT đã lập, triển khai sớm phương án phòng, chống thiên tai; trong đó, chú trọng bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt.

Sửa chữa, nâng cấp bảo đảm an toàn giao thông Quốc lộ 10, đoạn qua xã Thịnh Lộc (Hậu Lộc)

Thực hiện chỉ đạo của Sở GTVT Thanh Hóa, ngay từ những tháng đầu năm, các đơn vị quản lý, bảo trì đường bộ đã huy động nhân lực, phương tiện khơi thông cống rãnh thoát nước... Đồng chí Nguyễn Hữu Nhất, Giám đốc Công ty CP Quản lý đường bộ II Thanh Hóa, cho biết: Là đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý, sửa chữa thường xuyên nhiều tuyến đường giao thông ở các huyện miền núi phía Tây của tỉnh. Rút kinh nghiệm trong những năm gần đây và để bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt, nhất là trong mùa mưa bão, năm nay công ty triển khai thực hiện sớm việc phát cây, rãy cỏ, vá ổ gà; sửa chữa, xử lý sình lầy nền, mặt đường; sửa chữa những hư hỏng của các công trình giao thông...

Đồng thời, chỉnh sửa, sơn bổ sung cọc tiêu, biển báo, nhất là ở những tuyến đường giao thông có nguy cơ xảy ra sạt lở cao trong mùa mưa bão. Tuy nhiên, cũng từ thực tế mùa mưa bão những năm gần đây cho thấy, một số tuyến đường, nhất là tuyến Quốc lộ 15C (từ Hồi Xuân đi Mường Lát) xảy ra sạt lở ở nhiều điểm, với khối lượng đất đá lớn gây ách tắc giao thông nhưng việc khắc phục vẫn chưa kịp thời, thậm chí một số điểm kéo dài do khối lượng quá lớn.

Các đơn vị quản lý đường thủy nội địa cũng đã xây dựng, triển khai kế hoạch bảo quản, di chuyển, quản lý phao tiêu, biển báo hiệu; kiểm tra, phát hiện chướng ngại vật khu vực chuyển luồng và cắm biển báo hiệu hướng dẫn giao thông đường thủy nội địa. Căn cứ điều kiện hiện có, các đơn vị quản lý đường thủy cũng đã chuẩn bị ca nô, xuồng, phao, nhiên liệu... để tham gia công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; đồng thời, có kế hoạch, biện pháp cụ thể trong công tác bảo đảm giao thông, chống va trôi trên các tuyến đường thủy nội địa do đơn vị quản lý.

Các đơn vị, chủ đầu tư dự án chủ động nghiên cứu để tham mưu, đề suất Sở GTVT lập phương án phân luồng, cảnh giới giao thông cho người và các phương tiện trong trường hợp xảy ra ách tắc giao thông do sạt lở đất, ngập lụt gây nguy hiểm trên các tuyến đường giao thông. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị đang thi công các công trình giao thông trên địa bàn phải xây dựng phương án bảo đảm giao thông cho các công trình đang thi công. Có trách nhiệm khắc phục kịp thời thiệt hại do thiên tai gây ra ở khu vực công trình đang thi công. Các công trình cầu vượt sông, suối đang thi công, phải lập phương án thi công cụ thể, chi tiết để bảo đảm thi công vượt lũ trước mùa mưa bão, kịp thời thanh thải các vật cản, khơi thông dòng chảy và có phương án bảo vệ chống va trôi. Ngoài ra, các đơn vị đang thi công các công trình giao thông có phương án chuẩn bị phương tiện, nhân lực, vật tư, xe, máy cần thiết để sẵn sàng tham gia ứng cứu các sự cố thiên tai khi có lệnh điều động của cấp có thẩm quyền.

Các đơn vị vận tải trên địa bàn tỉnh hiện cũng đã lập xong kế hoạch về nhân lực, phương tiện vận tải hành khách, vận tải hàng hóa để sẵn sàng tham gia ứng cứu các sự cố thiên tai khi có lệnh điều động. Các đơn vị vận tải đường thủy có kế hoạch bảo đảm thông tin liên lạc để thông báo cho tàu thuyền đang hoạt động kịp thời tránh trú đến nơi an toàn khi có lụt bão xảy ra; đồng thời, dự phòng thiết bị, nhiên liệu cho tàu, thuyền đủ bảo đảm hoạt động để sẵn sàng tham gia ứng cứu các sự cố thiên tai khi có lệnh điều động.

Các đơn vị quản lý đường bộ ngoài triển khai phương án, hiện đã lập kế hoạch để bổ sung vật tư, thiết bị dự phòng, nhất là các vị trí xung yếu trên các tuyến đường miền núi, như Quốc lộ 15, 15C, 47, 217...; các tuyến đường tỉnh: Mục Sơn - Cửa Đặt, Luận Thành - Bù Đồn, Lang Chánh - Yên Khương, Cầu Thiều - Thượng Ninh, đường tuần tra biên giới. Khi xảy ra mưa bão, nhất là ở các công trình, tuyến đường giao thông thường bị ngập nước trong mùa mưa bão...

Đồng chí Lý Văn Thích, Trưởng phòng Quản lý giao thông (Sở GTVT), cho biết: Phòng chủ trì tham mưu cho lãnh đạo Sở Xây dựng, triển khai phương án chi tiết, cụ thể để khắc phục hậu quả do mưa bão gây ra, bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt. Đồng thời, chuẩn bị lực lượng, phương tiện tham gia ứng cứu, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra. Sở cũng đã thành lập tổ công tác chỉ đạo, điều hành, thực hiện công tác bảo đảm giao thông ở các tuyến đường trên địa bàn tỉnh, nhất là các tuyến đường miền núi, các tuyến đường ra biển; phương án phân luồng giao thông cho người và phương tiện giao thông trong trường hợp xảy ra ách tắc giao thông trên các tuyến đường.

 

                                                                                                                                                                                                Nguồn: Báo Thanh Hóa

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ Sở Giao thông Vận tải Thanh Hóa

Chịu trách nhiệm : Trưởng Ban biên tập

Địa chỉ: 42 Đại lộ Lê Lợi, TP Thanh Hóa

Điện thoại: (02373)852.360; Fax: (02373)855.129; Email: sgtvt@thanhhoa.gov.vn