Thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, hành lang an toàn đường bộ đã được các ngành, các cấp, các đơn vị có liên quan thực hiện và đạt được những kết quả tích cực. Việc lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè, hành lang an toàn đường bộ, góp phần bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) trên các tuyến đường bộ. Tuy nhiên, hiện nay tình hình vi phạm hành lang ATGT đường bộ trên các tuyến đường, nhất là các tuyến quốc lộ, đường tỉnh, các tuyến đường đô thị, khu đông dân cư, có chiều hướng gia tăng.
Theo báo cáo của Sở Giao thông - Vận tải (GTVT), các tuyến quốc lộ, đường tỉnh chủ yếu được đầu tư nâng cấp từ đường huyện, đường xã có quy mô thấp, đi qua nhiều khu vực dân cư; phạm vi hành lang an toàn đường bộ theo quy mô cấp đường thuộc phạm vi đất của người dân đã được cấp quyền sử dụng đất. Mặt khác, do trước đây triển khai các quy hoạch xây dựng hai bên đường của các ngành, các địa phương thiếu đồng bộ, không có sự tham gia của ngành GTVT, dẫn đến việc cấp đất ở, đất kinh doanh không theo mặt cắt ngang quy hoạch của tuyến đường, không xây dựng đường gom nằm ngoài phạm vi hành lang an toàn đường bộ, đấu nối vào đường bộ không có sự chấp thuận của cơ quan quản lý đường bộ. Từ năm 2020 đến hết tháng 5-2021, thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam tại Văn bản số 4451/TCĐBVN-QLBTĐB ngày 1-7-2020 về việc lập lại trật tự quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên các tuyến quốc lộ; Sở GTVT đã xây dựng Kế hoạch số 3104/KH-SGTVT ngày 29-7-2020 triển khai đến các đơn vị liên quan thực hiện công tác kiểm tra, xử lý vi phạm quy định về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, hành lang an toàn đường bộ trên các tuyến quốc lộ do Sở GTVT quản lý. Công tác tuyên truyền được chính quyền các địa phương, Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông số 2 Thanh Hóa, các đơn vị quản lý đường bộ trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện. Đồng thời, vận động các tổ chức, cá nhân vi phạm về sử dụng, khai thác trong phạm vi đất của đường bộ, yêu cầu chấm dứt và hoàn trả nguyên trạng ban đầu do vi phạm gây ra. Vận động Nhân dân không tụ tập, buôn bán, họp chợ trên phạm vi lòng đường, lề đường, vỉa hè, đất của đường bộ, hành lang an toàn đường bộ; nhắc nhở, lập biên bản vi phạm các vi phạm về san lấp mặt bằng, thi công công trình thiết yếu, mở đường nhánh đấu nối đường chính và yêu cầu dừng thi công, hoàn trả nguyên trạng. Sau khi thực hiện công tác tuyên truyền, Sở GTVT đã thành lập 4 đoàn công tác kiểm tra và từ năm 2020 đến hết tháng 5-2021, xử lý 701 trường hợp vi phạm quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đất của đường bộ, hành lang an toàn đường bộ.
Đối với đường tỉnh, hàng năm, UBND các huyện, thị xã, thành phố, đã ban hành các kế hoạch, văn bản chỉ đạo UBND các xã, thị trấn và các đơn vị liên quan tăng cường công tác bảo đảm trật tự, ATGT và quản lý lòng đường, lề đường, vỉa hè, hàng lang an toàn đường bộ trên các tuyến đường trên địa bàn. Đồng thời, phối hợp với đơn vị quản lý đường bộ và Thanh tra Sở GTVT kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm hành lang khi có đề nghị của các đơn vị. Tăng cường kiểm tra chống lấn chiếm, giải tỏa các vi phạm lòng, lề đường, vỉa hè, hành lang an toàn đường bộ trên địa bàn, tập trung kiểm tra các vị trí thường xuyên vi phạm, như: các cơ sở kinh doanh bày bán hàng hóa, tập kết vật liệu xây dựng, các điểm họp chợ tự phát, họp chợ cóc dọc trên các tuyến quốc lộ, đường tỉnh qua địa bàn. Tuy nhiên, do không duy trì kiểm tra, nhắc nhở thường xuyên nên một thời gian sau tình trạng tái lấn chiếm của các hộ dân lại tiếp tục diễn ra. Hiện nay có một số dự án đầu tư xây dựng các dự án giao thông đấu nối vào quốc lộ, đường tỉnh nhưng chưa thực hiện thủ tục đấu nối theo quy định, chưa bố trí đầy đủ hệ thống ATGT nên tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT. Điển hình là trên Quốc lộ 47 tại vị trí nút giao Km23+780 (đường Nguyễn Mộng Tuân kéo dài) và nút giao Km23+710 (đường ngang đang xây dựng đấu nối từ mặt bằng quy hoạch chợ đầu mối và khu dân cư mới vào Quốc lộ 47) thuộc địa phận thị trấn Rừng Thông, huyện Đông Sơn, chưa thực hiện thủ tục đấu nối theo quy định và 2 nút giao quá gần nhau tạo thành điểm xung đột, thường xảy ra tai nạn giao thông... Ngoài ra, những trường hợp vi phạm chủ yếu, như: để vật liệu xây dựng, nông lâm sản, bán hàng, họp chợ trên lòng, lề đường; trông giữ xe trái phép, lắp đặt biển quảng cáo, biển hiệu trong phạm vi đất của đường bộ; đào khoan, xẻ đường trái phép; xây bục bệ, đắp vuốt làm lối đi trên vỉa hè, vào nhà; lấn chiếm, san lấp hạ lưu cống thoát nước; đấu nối trái phép vào đường bộ; xây dựng nhà ở, lều quán trong phạm vi hành lang an toàn đường bộ... Đây cũng chính là các nguyên nhân trực tiếp dẫn đến mất trật tự, ATGT, ùn tắc giao thông.
Đồng chí Lý Văn Thích, Trưởng Phòng Quản lý giao thông (Sở GTVT), cho biết: Để thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ hành lang an toàn đường bộ, các sở, ngành, đơn vị có liên quan của tỉnh, các địa phương, đã và đang có nhiều giải pháp, kế hoạch triển khai thực hiện. Đồng thời, xây dựng kế hoạch, ra quân triển khai lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè, hành lang ATGT, có biện pháp giải tỏa các vi phạm. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tự giác tháo dỡ, bàn giao mặt bằng để xây dựng rãnh thoát nước dọc đường, góp phần bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, bảo đảm trật tự, ATGT, giảm thiểu tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh. Các địa phương, các sở, ngành thực hiện tốt quy định trách nhiệm của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo cơ quan quản lý Nhà nước trong công tác bảo đảm trật tự, ATGT trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 01/2021/QĐ-UBND ngày 28-1-2021 của UBND tỉnh. Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng, hành lang an toàn đường bộ. UBND cấp xã, trưởng thôn, tổ trưởng dân phố và các tổ chức liên quan có các hình thức hoạt động tự quản, tuyên truyền, vận động, nhắc nhở các hộ dân dọc các tuyến đường, nhất là các tuyến đường trục chính trên địa bàn nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ hành lang ATGT; không chiếm dụng, sử dụng trái phép lòng, lề đường, vỉa hè, hành lang ATGT đường bộ làm nơi buôn bán, kinh doanh, tập kết hàng hóa, phơi nông sản... gây mất trật tự, ATGT. Các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các phòng, ban phối hợp với cơ quan, đơn vị quản lý đường bộ trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện tốt quy chế phối hợp xử lý vi phạm trong công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ... và phải được triển khai thực hiện thường xuyên, liên tục, xử lý nghiêm minh việc vi phạm.
Nguồn: Báo Thanh Hoá