Ngày 20/7/2021, Sở Giao thông vận tải ban hành công văn số 3390/SGTVT-QLGT về việc chủ động kiểm tra, khắc phục các sự cố của công trình cầu, hầm, ngầm, tràn thời điểm trước, trong và sau mùa mưa bão.
Thực hiện Công điện số 14/CĐ-TCĐBVN ngày 12/7/2021 của Tổng cục ĐBVN, Văn bản số 10380/UBND-CN ngày 19/7/2021 của UBND tỉnh về việc chủ động kiểm tra, khắc phục các sự cố của công trình cầu, hầm, ngầm, tràn thời điểm trước, trong và sau mùa mưa bão. Để nâng cao chất lượng công tác kiểm tra nói riêng và chất lượng công tác quản lý, BDTX công trình nói chung, nhất là các công trình như cầu, ngầm, tràn, Sở GTVT đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố, Ban Quản lý KKT Nghi Sơn và các KCN, Ban QLDA ĐTXD CTGT số 2 Thanh Hóa, các đơn vị quản lý đường bộ thực hiện các công việc sau:
1. Tổ chức kiểm tra trước, trong và sau mùa mưa bão các công trình cầu, hầm, ngầm, tràn theo đúng quy định tại Tiêu chuẩn kỹ thuật bảo dưỡng thường xuyên đường bộ TCCS 07:2013/TCĐBVN, Tiêu chuẩn kỹ thuật bảo dưỡng thường xuyên công trình đường cao tốc TCCS 17:2016/TCĐBVN và quy trình bảo trì của công trình được duyệt (nếu có). Trường hợp quy định trong quy trình bảo trì và Tiêu chuẩn cơ sở khác nhau thì thực hiện đầy đủ cả hai.
2. Một số nội dung cần lưu ý khi kiểm tra công trình:
a) Đối với công trình cầu:
- Kiểm tra tình trạng làm việc của mố, trụ cầu;
- Kiểm tra tình trạng xói lở của móng mố, móng trụ cầu, móng tường chắn bảo vệ công trình đường bộ (nếu có);
- Kiểm tra dầm, giàn, khung, kết cấu nhịp cầu;
- Kiểm tra gối cầu;
- Kiểm tra các bộ phận khác của cầu;
- Kiểm tra các công trình phòng hộ và điều tiết dòng chảy như kè hướng dòng, kè ốp mái nền đường dẫn…; kiểm tra các chướng ngại vật có thể làm cản trở, thay đổi dòng chảy trước và sau cầu;
- Đối với phần đường đầu cầu: Kiểm tra mặt đường, nền đường, bề rộng, kích thước đường và các dấu hiệu bất thường nếu có;
* Đối với cầu treo, dây văng ngoài các nội dung trên chú ý kiểm tra các hố thế (cầu treo), neo cáp (cầu dây văng). Kiểm tra sự làm việc của hệ thống cáp treo bao gồm cả trụ tháp, cổng cáp, vị trí cáp trên đỉnh cổng cáp; thanh treo, thanh đứng và các bộ phận khác của cầu treo.
b) Đối với công trình ngầm, tràn
- Kiểm tra tình trạng kỹ thuật của kết cấu công trình;
- Kiểm tra, bổ sung cột thủy chí đo mực nước dâng (nếu chưa có hoặc bị hư hỏng);
- Trường hợp có mưa lũ cần theo dõi để có biện pháp hạn chế, phân luồng giao thông hoặc dừng khai thác nếu có nguy hiểm. Bố trí người trực gác, hướng dẫn trong thời gian hạn chế sử dụng để đảm bảo giao thông.
Đối với khu vực bị ngập do nước dâng cần phải theo dõi mực nước để tổ chức giao thông phù hợp; khi mực nước dâng cao phải có biện pháp hạn chế, phân luồng giao thông hoặc dừng khai thác khi không đủ an toàn.
c) UBND các huyện, thị xã, thành phố, Ban QL Khu kinh tế Nghi Sơn và các KCN, Ban QLDA ĐTXD CTGT số 2 và các đơn vị quản lý đường bộ phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình theo quy định tại Thông tư số 04/2019/TT-BGTVT ngày 23/01/2019 của Bộ GTVT quy định về tuần đường, tuần kiểm để bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (lưu ý kiểm tra công tác ghi chép trong nhật ký tuần đường phải đầy đủ và chính xác).
3. Xử lý các hư hỏng của công trình sau khi kiểm tra:
a) Đối với các hư hỏng có dấu hiệu nguy hiểm, không bảo đảm an toàn cho khai thác sử dụng, thực hiện theo quy định tại Điều 40 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 21/01/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng và Thông tư số 12/2014/TTBGTVT ngày 29/4/2014 của Bộ GTVT hướng dẫn hướng dẫn quản lý, vận hành khai thác cầu trên đường giao thông nông thôn.
b) Đối với các hư hỏng nhỏ thuộc phạm vi quản lý, BDTX thì yêu cầu nhà thầu quản lý, BDTX khắc phục kịp thời, không để phát sinh hư hỏng ảnh hưởng tới ATGT.
c) Trường hợp hư hỏng cần thiết phải sửa chữa thì kịp thời báo cáo và đề xuất cấp có thẩm quyền cho phép sửa chữa để khắc phục.
Nguồn: Phòng Quản lý giao thông