Thanh Hóa: Trên công trường thi công các dự án giao thông trọng điểm
Tại các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh Thành Hóa, tranh thủ thời tiết thuận lợi, các nhà thầu đang tập trung huy động nhân lực, vật tư, thiết bị, xe, máy để đẩy nhanh tiến độ thi công, bảo đảm chất lượng công trình theo đúng thiết kế.
Cập nhật: 13/8/2021
Thi công dự án đường giao thông từ TP Thanh Hóa đến đường
từ Cảng Hàng không Thọ Xuân đi Khu Kinh tế Nghi Sơn, qua huyện Triệu Sơn.
Tại công trường dự án đường từ TP Thanh Hóa đến tuyến đường từ Cảng Hàng không Thọ Xuân đi Khu Kinh tế Nghi Sơn, các nhà thầu đã huy động nhân lực, thiết bị, vật tư, xe, máy, để thi công dự án. Trong quá trình thi công, các nhà thầu đã khắc phục những khó khăn; đồng thời, tranh thủ những ngày thời tiết thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ thi công, bảo đảm chất lượng công trình theo đúng thiết kế. Tuy nhiên, hiện các nhà thầu thi công dự án đang gặp khó khăn, nhất là về mặt bằng, giá vật liệu tăng...
Theo báo cáo của Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng Công trình giao thông số 1 Thanh Hóa (đại diện chủ đầu tư là Sở GTVT), giai đoạn 1, khởi công tháng 6/2019, hoàn thành tháng 12/2021; giá trị xây lắp của hợp đồng là 425 tỷ đồng, khối lượng hoàn thành đến nay 340 tỷ đồng/425 tỷ đồng, đạt 80% và hiện đã hết mặt bằng thi công, khối lượng vướng mặt bằng không thi công được là 85 tỷ đồng. Giai đoạn 2 của dự án khởi công tháng 12/2020, hoàn thành tháng 12/2022; giá trị xây lắp của hợp đồng 218 tỷ đồng, khối lượng hoàn thành đến hết tháng 7/2021 là 80 tỷ đồng/218 tỷ đồng, đạt 37% kế hoạch.
Ông Cao Trung Hiếu, chỉ huy trưởng công trường (Công ty CP Đầu tư xây dựng Châu Phát, cho biết: Công ty hiện đang thi công gói thầu 5A, dự án đường từ TP Thanh Hóa đến tuyến đường từ Cảng Hàng không Thọ Xuân đi Khu Kinh tế Nghi Sơn, qua huyện Triệu Sơn, với giá trị 15 tỷ đồng và đến hết tháng 7-2021, công ty đã thi công đạt 4 tỷ đồng. Khó khăn lớn nhất trong quá trình thi công hiện nay là giá vật liệu phục vụ cho thi công công trình tăng cao; vướng mắc về mặt bằng. Khoảng 3 - 4 tháng nữa nếu địa phương không bàn giao mặt bằng thì công ty sẽ phải dừng thi công.
Về giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án đường từ TP Thanh Hóa đến tuyến đường từ Cảng Hàng không Thọ Xuân đi Khu Kinh tế Nghi Sơn, đến hết tháng 7/2021, TP Thanh Hóa đã bàn giao 0,74km/1,4km, chưa bàn giao 0,7km/1,4km tuyến chính và 550m của 4 nhánh nút giao ngã ba Nhồi. Huyện Đông Sơn đã bàn giao mặt bằng giai đoạn 1 của dự án 3,8km/4km; giai đoạn 2 và đường gom hai bên 3,2km/4km; chưa bàn giao, giai đoạn 1 với 6 vị trí/đoạn tuyến của đường gom và nút giao thuộc giai đoạn 1 (phần đường bên phải), với tổng chiều dài 220m; gồm 3 vị trí đất ở (14 hộ), 2 vị trí đất vườn, tường rào và đường điện 0,4kV; giai đoạn 2 với 7 vị trí/đoạn tuyến (phần đường bên trái), với tổng chiều dài 790m; gồm 4 vị trí đất ở (14 hộ), 1 vị trí đất lúa (11 hộ), 1 vị trí đất nghĩa địa và 2 vị trí đường điện, nước sạch.
Huyện Triệu Sơn đã bàn giao mặt bằng giai đoạn 1 là 5,6km/5,7km tuyến chính và 540m/560m đường ngang vào đô thị Gốm; giai đoạn 2 và đường gom hai bên 4,6km/5,7km; chưa bàn giao, giai đoạn 1 với 11 vị trí/đoạn tuyến của đường gom và nút giao (thuộc phần đường bên phải), với tổng chiều dài là 1,1km; gồm 1 vị trí nút giao cuối tuyến (4 nhánh, với tổng chiều dài 650m); 3 vị trí đất ở, 2 vị trí đất vườn, 3 vị trí nghĩa địa và 2 vị trí đường điện, giai đoạn 2 với 11 vị trí/đoạn tuyến, tổng chiều dài 980m; gồm 5 vị trí đất ở phải tái định cư (gồm 15 hộ, trong đó 13 hộ phải tái định cư), 1 vị trí đất vườn, 5 vị trí nghĩa địa.
Theo báo cáo của Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng Công trình giao thông số 1 Thanh Hóa: Tiến độ GPMB của dự án đường từ TP Thanh Hóa đến tuyến đường từ Cảng Hàng không Thọ Xuân đi Khu Kinh tế Nghi Sơn chậm. Hiện, giai đoạn 1 đã hết mặt bằng thi công, giai đoạn 2 nếu không được bàn giao thêm mặt bằng thì đến cuối năm 2021 cũng sẽ hết mặt bằng thi công; mặt khác, UBND tỉnh vẫn chưa được bố trí đủ vốn GPMB cho dự án.
Cụ thể, TP Thanh Hóa, đoạn Km0+120 - Km0+720 (4 hộ, doanh nghiệp) và UBND tỉnh đã có Văn bản số 9138/UBND-KTTC ngày 9/7/2020 và số 11051/UBND-KTTC ngày 13/8/2020 đồng ý chủ trương hỗ trợ tài sản trên đất; tuy nhiên, đến nay vẫn chưa bàn giao được mặt bằng. Ngoài ra, UBND TP Thanh Hóa đang triển khai lựa chọn tư vấn khảo sát, lập thiết kế bản vẽ thi công và dự toán xây dựng khu tái định cư, dự kiến đến tháng 6/2022 mới đủ điều kiện bàn giao đất cho các hộ dân bị ảnh hưởng GPMB và chưa dự kiến thời gian bàn giao mặt bằng nút giao ngã ba Nhồi. Tuy nhiên, để bàn giao được mặt bằng thì các hộ dân phải xây dựng nhà, di chuyển tài sản,... nên dự kiến đến tháng 12/2022 chủ đầu tư mới có thể nhận bàn giao mặt bằng ngã ba Nhồi từ TP Thanh Hóa. Vốn GPMB dự án của TP Thanh Hóa hiện còn thiếu 228 tỷ đồng.
Đối với hai huyện Đông Sơn và Triệu Sơn, kế hoạch vốn bố trí thêm từ nguồn thu tiền sử dụng đất tại Quyết định số 5617/QĐ-UBND ngày 31/12/2020 của UBND tỉnh (20 tỷ đồng cho huyện Đông Sơn, 47 tỷ đồng cho huyện Triệu Sơn) và đến tháng 6-2021 hai huyện mới nhận được tiền nên ảnh hưởng đến tiến độ GPMB. Hiện huyện Đông Sơn còn thiếu 28 tỷ đồng, huyện Triệu Sơn còn thiếu 25,5 tỷ đồng GPMB.
Tại Dự án Đại lộ Đông Tây TP Thanh Hóa, giai đoạn 1, đến hết tháng 7/2021, các nhà thầu đã thi công mặt đường bê tông nhựa được 2,590km/4,970km (Km0+060 - Km2+300 và Km4+970 - Km5+320), hào kỹ thuật, cống thoát nước thải, thoát nước mưa dọc hai bên tuyến được 455m (đoạn Km4+865 - Km5+320), 150m bên trái tuyến, 100m bên phải tuyến (đoạn Km4+665 - Km4+846); đào nền đường đắp đất k95, đất k98 được 483m (Km4+837 - Km5+320); thi công các lớp móng đá dăm được 350m; thi công xong cống thoát nước ngang đường tại Km4+695, 1/2 tuy nen ngang tại Km4+846...
Tổng giá trị thực hiện 69,5 tỷ đồng/215 tỷ đồng, đạt 32%) giá trị hợp đồng. Hiện nay, các nhà thầu đang bố trí 3 mũi thi công, gồm thi công nút giao Km 0 và nền đường đoạn Km2+320 - Km3+810; thi công nền đường (đoạn Km3+700 - Km4+380); thi công hoàn thiện cửa hố ga thu nước, dải phân cách, vỉa hè đoạn từ Km4+970 - Km5+320, thi công tuy nen ngang tại Km4+846, cống ngang đường tại Km4+695, hệ thống hạ tầng kỹ thuật từ Km4+665 - Km4+846 và hào kỹ thuật qua Quốc lộ 1A.
Về GPMB, đến hết tháng 7/2021, UBND huyện đang tổ chức di dời các đường ống nước D300 và cáp quang ra khỏi phạm vi mặt đường của nút giao; đồng thời, đề nghị UBND tỉnh, đối với 3 hộ dân thuộc phạm vi ngã ba Km0+00 sẽ tiếp tục thực hiện GPMB khi triển khai giai đoạn 2 của dự án. TP Thanh Hóa đang tập trung chỉ đạo các đơn vị tháo dỡ nhà cửa, vật kiến trúc, bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư; phối hợp với Sở GTVT, nhà thầu để giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình thi công công trình.
Tuy nhiên, công tác GPMB của TP Thanh Hóa hiện còn nhiều vướng mắc, ví như: Đoạn Km2+925 (cầu Cao) đến Km3+350 (đường vào Khu đô thị Đông Sơn), còn 5 hộ chưa phá dỡ xong nhà ở để bàn giao mặt bằng và 9 cột điện chưa di dời...; đoạn Km4+665 - Km5+320, còn 3 hộ bị ảnh hưởng từ 0,4m đến 3,5m nên nhà thầu chưa triển khai thi công được hào kỹ thuật và cống thoát nước thải, 2 cột điện và đường cáp treo tại nút giao Quốc lộ 1A, 2 cột điện và đường cáp treo tại ngõ 38 đường Mật Sơn, 2 cột điện và đường cáp treo đường Hoàng Văn Thụ, 2 cột điện, đường điện, đường ống nước.
Đồng chí Phạm Văn Tuấn, Phó Giám đốc Sở GTVT, cho biết: Sở đã chỉ đạo Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng Công trình giao thông số 2 Thanh Hóa, nhà thầu EC, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ bổ sung hạng mục cừ Larsen tăng cường ổn định, an toàn cho kênh Bắc trong quá trình thi công Dự án Đại lộ Đông Tây TP Thanh Hóa, giai đoạn 1 và chờ lún đoạn nền đắp qua đất yếu (đoạn Km3+750 - Km4+400) để trình Sở Xây dựng thẩm định, làm cơ sở phê duyệt.
Trong quá trình thi công ban quản lý dự án, nhà thầu phối hợp chặt chẽ với Công ty TNHH MTV Sông Chu để hạ tối đa mực nước kênh Bắc, nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho kênh Bắc. Đồng thời, đề nghị huyện Đông Sơn, TP Thanh Hóa tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để bàn giao mặt bằng sạch cho nhà thầu thi công dự án.
Ngoài thực hiện các dự án trên, Sở GTVT đang tập trung chỉ đạo ban quản lý dự án, các nhà thầu bảo đảm tiến độ nâng cấp, cải tạo các Đường tỉnh 515B, 515C, 526B, đường giao thông từ Quốc lộ 47 đi đường Hồ Chí Minh, tiểu dự án 3 nâng cấp Quốc lộ 15 (đoạn Km53+00 - Km109+00)... Quá trình triển khai dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông, các huyện, thị xã, thành phố có dự án trên địa bàn đã tuyên truyền, vận động các hộ dân bị ảnh hưởng sớm bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công dự án.
Thực tế trong quá trình GPMB ở các địa phương, đa số các hộ dân bị ảnh hưởng đều nhận thức việc đầu tư xây dựng dự án kết cấu hạ tầng giao thông góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; trong đó, có chính lợi ích của gia đình nên đã sớm nhận tiền bồi thường, bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư thực hiện dự án bảo đảm tiến độ.
Nguồn: Báo Thanh Hóa