Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa
  • Liên kết website
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 82

    Hôm nay: 17208

    Đã truy cập: 11854171

Hướng dẫn tạm thời về tổ chức giao thông kiểm soát dịch đối với hoạt động vận tải đường thủy nội địa, vận tải hàng hải trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19

Ngày 14/9/2021, Sở GTVT ban hành công văn số 4467/SGTVT-QLVT về việc hướng dẫn tạm thời về tổ chức giao thông kiểm soát dịch đối với hoạt động vận tải đường thủy nội địa, vận tải hàng hải trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19

Cập nhật: 14/9/2021

          Thực hiện Công văn số 13331/UBND-CN ngày 30/8/2021 của UBND tỉnh về việc giao triển khai Quyết định hướng dẫn tạm thời của Bộ GTVT đối với các hoạt động vận tải đường thủy nội địa, hàng hải.

         Căn cứ Quyết định số 1588/QĐ-BGTVT ngày 27/8/2021 của Bộ GTVT về việc Hướng dẫn tạm thời về tổ chức giao thông kiểm soát dịch đối với hoạt động vận tải bằng đường thủy nội địa; Quyết định số 1589/QĐ-BGTVT ngày 27/8/2021 của Bộ GTVT về việc Hướng dẫn tạm thời tổ chức giao thông kiểm soát dịch đối với hoạt động vận tải hàng hải trong thời gian phòng chống dịch Covid-19.

         Để đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động vận tải hàng hóa được lưu thông thông suốt, phục vụ phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh; Sở GTVT hướng dẫn một số nội dung đối với hoạt động vận tải bằng đường thủy nội địa và hoạt động vận tải hàng hải trong thời gian phòng chống dịch Covid-19 như sau:

         1. ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG VẬN TẢI BẰNG ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA

        1.1. Trước khi vận chuyển hàng hóa

        a) Đơn vị vận tải phải thực hiện các yêu cầu chung và nội dung cụ thể dưới đây:

        - Yêu cầu thuyền viên, người lái phương tiện thực hiện ngay việc khai báo y tế trực tuyến hoặc khai báo y tế bằng giấy (nếu không có điện thoại thông minh);

        - Yêu cầu thuyền viên, người lái phương tiện trong suốt hành trình chỉ ở trên phương tiện, hạn chế tối đa tiếp xúc với người ngoài, đảm bảo thuyền viên trên phương tiện có giấy xét nghiệm còn hiệu lực;

        - Khuyến khích chủ phương tiện, đơn vị vận tải thực hiện ủy quyền cho người đại diện làm thủ tục phương tiện ra vào, rời cảng bến thủy nội địa để hạn chế tiếp xúc, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm.

        b) Thuyền viên, người lái phương tiện thực hiện các yêu cầu chung và nội dung cụ thể dưới đây

        - Có bản chính giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 còn hiệu lực;

        - Cập nhật thông tin về các chốt kiểm soát dịch và các yêu cầu cụ thể đối với kiểm soát dịch trên tuyến để chủ động chuẩn bị các nội dung cần xuất trình tại các chốt kiểm soát dịch trên đường thủy nội địa.

        1.2. Trong thời gian vận chuyển (phương tiện hành trình trên tuyến)

        a) Thuyền viên, người lái phương tiện tự theo dõi nhiệt độ và sức khỏe hàng ngày, nếu có ho, sốt, khó thở, mệt mỏi thì thông báo ngay cho đơn vị quản lý (chủ phương tiện, đơn vị kinh doanh vận tải) và cơ quan y tế để xử lý kịp thời.

        b) Quá trình phương tiện hành trình trên tuyến đường thủy nội địa phải đi thẳng từ cảng, bến xuất phát đến cảng, bến đích ghi trên giấy phép rời cảng, bến cuối cùng do cơ quan có thẩm quyền cấp.

       1.3. Tại các chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 trên tuyến đường thủy nội địa.

        a) Thuyền viên, người lái phương tiện chấp hành nghiêm việc kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng tại các chốt kiểm soát dịch bệnh để đảm bảo an toàn và hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

        b) Trong thời gian phương tiện hành trình trên tuyến, nếu giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 hết hiệu lực thì tổ chức test nhanh cho thuyền viên, người lái phương tiện. Trường hợp không có test nhanh tại chỗ hoặc test nhanh lưu động thì được kéo dài hiệu lực của giấy xét nghiệm đến khi phương tiện cập cảng, bến thủy nội địa gần nhất theo quy định hiện hành của Bộ Y tế.

        1.4. Trong thời gian lưu tại cảng, bến thủy nội địa

        a) Thuyền viên, người lái phương tiện không được lên bờ, trừ trường hợp bất khả kháng liên quan đến cấp cứu, thay thuyền viên, an toàn cho phương tiện và do điều kiện thời tiết như bão, lũ…;

        b) Thực hiện thủ tục vào, rời cảng bến thông qua người được ủy quyền để hạn chế tiếp xúc, giảm thiểu tối đa nguy cơ lây nhiễm. Trường hợp không có người ủy quyền làm thủ tục cảng vụ, chỉ cử 01 thuyền viên lên làm thủ tục cảng vụ, người lên bờ làm thủ tục phải tuân thủ các quy định của Bộ Y tế về phòng chống dịch Covid-19 (mặc bộ quàn áo chống dịch, luôn đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn 1,5-2m khi tiếp xúc, thường xuyên sát khuẩn tay…, thải bỏ khẩu trang, bộ quần áo chống dịch tại nơi quy định khi quay trở lại phương tiện);

        c) Thuyền viên, người lái phương tiện thực hiện đúng, đầy đủ các quy định trên và các quy định hiện hành của Bộ Y tế, sẽ không phải cách ly khi trở về địa phương, nhưng phải tự theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày và kịp thời báo ngay cho đơn vị quản lý và cơ quan y tế địa phương khi có biểu hiện sốt hoặc ho, khó thở.

        2. ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG VẬN TẢI HÀNG HẢI

        2.1. Khai báo y tế và kiểm dịch y tế đối với tàu thuyền

        a) Tàu biển từ nước ngoài và tàu thuyền Việt Nam hoạt động tuyến nội địa trong vòng 14 ngày có hoạt động trong khu vực cảng thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg trước khi đến cảng biển: Thuyền trưởng khai báo tình hình sức khỏe thuyền viên trên tàu trong thời gian tối thiểu 14 ngày và việc thay đổi thuyền viên (nếu có) trong 14 ngày qua để cung cấp cho CDC hoặc cơ quan y tế địa phương để đánh giá nguy cơ và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định trước khi cho tàu vào cảng làm hàng, bảo đảm loại trừ các nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh ra cộng đồng khi tàu vào cảng.

        b) Trước khi tàu biển vào cảng, tàu biển phải vào vị trí được chỉ định bởi Cảng vụ Hàng hải để tiến hành các thủ tục kiểm dịch. Tàu biển chỉ được phép làm hàng sau khi thực hiện xong các thủ tục kiểm dịch và được sự đồng ý của CDC.

       c) CDC hoặc cơ quan y tế tiến hành kiểm tra, xét nghiệm thuyền viên và tổ chức đưa các thuyền viên bị nhiễm hoặc có nguy cơ nhiễm bệnh Covid-19 lên bờ, đảm bảo tàu biển an toàn khi cho tàu vào cảng làm hàng.

        2.2. Đối với tàu biển 

       a) Thủ tục vào, rời cảng cho tàu biển được thực hiện điện tử qua Cổng thông tin một cửa quốc gia; Cảng vụ Hàng hải cấp phép cho tàu biển vào làm hàng sau khi được Cơ quan kiểm dịch, CDC chấp thuận đủ điều kiện an toàn phòng, chống dịch Covid-19;

        b) Triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo hướng dẫn của IMO, Bộ Y tế và chính quyền địa phương;

        c) Thuyền viên, hành khách đi bờ theo quy định của Bộ đội biên phòng cảng và cơ quan y tế. Thuyền viên, hành khách không được đi bờ khi khu vực cảng áp dụng Chỉ thị 15/CT-TTg và Chỉ thị 16/CT-TTg (trừ trường hợp thay thế thuyền viên và các trường hợp theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, khẩn cấp, đặc biệt); Chỉ cho phép những người có nhiệm vụ mới được lên, xuống tàu và tuân thủ tuyệt đối sự giám sát, cấp phép của Biên phòng cảng và cơ quan y tế;

        d) Thiết lập lối đi riêng cho tổ chức, cá nhân lên tàu làm việc;

        đ) Thiết lập khu vực làm việc ngoài cabin và nhà vệ sinh riêng để giao tiếp với tổ chức, cá nhân lên tàu làm việc;

        e) Kiểm soát chặt chẽ người lên xuống tàu, kiểm tra thân nhiệt và khẩu trang y tế, lập danh sách người lên xuống tàu;

        g) Thuyền viên mặc đồ bảo hộ lao động, thực hiện quy tắc 5K khi ra ngoài cabin làm việc và tuân thủ quy định phòng, chống dịch Covid-19.

        2.3. Đối với phương tiện thủy nội địa

       a) Thủ tục cho phương tiện thủy nội địa:

       - Thuyền trưởng phương tiện thủy nội địa liên hệ với đại diện của công ty hoặc đơn vị dịch vụ để thực hiện làm thủ tục vào, rời cảng cho phương tiện (hồ sơ, bằng cấp có thể chụp gửi nếu hệ thống phần mềm của cảng vụ chưa lưu trữ dữ liệu của tàu thuyền, thuyền viên và không thể tra cứu được, không xuất trình bản chính).

       - Trong trường hợp chủ phương tiện thủy nội địa không có người trên bờ làm thủ tục cho phương tiện, Cảng vụ hàng hải chủ động phối hợp với doanh nghiệp cảng nơi tàu neo đậu:

       + Tiếp nhận thông tin từ chủ phương tiện để tiến hành làm thủ tục cho phương tiện.

       + Hồ sơ, giấy tờ của phương tiện và thuyền viên có thể chụp gửi nếu hệ thống phần mềm của cảng vụ hàng hải chưa lưu trữ dữ liệu của tàu thuyền, thuyền viên và không thể tra cứu được, không xuất trình bản chính.

       + Cảng vụ Hàng hải sau khi làm thủ tục cho phương tiện sẽ gửi bản scan giấy phép vào, rời cảng, biên lai thu phí, lệ phí hàng hải điện tử cho doanh nghiệp cảng và chủ phương tiện; đồng thời Cảng vụ hàng hải gửi Giấy phép rời cảng tới cảng vụ hàng hải nơi phương tiện đến.

       + Doanh nghiệp cảng tạm thu Giấy phép rời cảng cuối cùng của phương tiện, bản khai và phí, lệ phí để chuyển cho Cảng vụ Hàng hải sau.

       b) Thuyền viên trên phương tiện thủy nội địa hạn chế tối đa việc đi bờ, chỉ đi bờ khi thực sự cần thiết và phải được sự cho phép của Biên phòng cảng.

       c) Thuyền viên không tiếp xúc với thuyền viên tàu cập mạn.

       d) Thuyền viên phải đeo khẩu trang, găng tay, mũ bảo hộ khi ra ngoài cabin làm việc và thực hiện nghiêm các hướng dẫn của CDC địa phương về công tác phòng, chống dịch.

        2.4. Đối với xe ô tô, xe tải, xe rơ-móc và người ra vào cảng:

        a) Tất cả người và xe ô tô, xe tải, xe rơ-móc … ra, vào cảng biển phải có Giấy xét nghiệm Covid-19 kết quả âm tính theo quy định, giấy tờ hàng hóa và tuân thủ an ninh theo Bộ luật ISPS của IMO; tuân thủ sự kiếm tra, hướng dẫn của Bảo vệ cảng.

        b) Xe ô tô, xe tải, xe rơ-móc… và người vào cảng phải đi theo đúng tuyến, hướng đường đi theo chỉ dẫn của cảng. 

        c) Ghi chép thông tin người ra vào cảng biển.

        2.5. Đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan

        a) Hoa tiêu hàng hải

        - Hoa tiêu lên tàu làm việc phải mặc đồ bảo hộ y tế cơ bản bao gồm: quần áo, găng tay, mũ, kính, khẩu trang khi lên tàu.

        - Tiếp cận buồng lái bằng cầu thang bộ bên ngoài cabin (nếu có).

        - Giữ khoảng cách tối thiểu với thuyền viên theo quy định, hạn chế tiếp xúc gần (< 2m).

        - Sau khi kết thúc công việc dẫn tàu, hoa tiêu hàng hải phải tiêu hủy thiết bị bảo hộ theo hướng dẫn của cơ quan y tế.

       b) Tàu lai dắt

        - Thuyền viên tàu lai không được tiếp xúc trực tiếp với thuyền viên tàu biển, hoa tiêu.

       - Khi tiếp nhận và tháo bỏ dây lai phải đeo khẩu trang, găng tay, kính bảo hộ và mũ.

       - Khi thực hiện nhiệm vụ phải đảm bảo giãn cách tối thiểu.

       c) Doanh nghiệp cảng  

       - Bố trí công nhân ở lại tại cảng theo quy mô, nhu cầu sản xuất khai thác của từng đơn vị phù hợp với tình hình thực tế và tuân thủ hướng dẫn của cơ quan y tế khi khu vực áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg. Chuẩn bị chỗ ở và cung cấp đầy đủ nhu yếu phẩm cho nhu cầu thiết yếu và trang thiết bị phòng, chống dịch cho công nhân đảm bảo tuân thủ các quy định phòng, chống dịch.

       - Tổ chức giám sát thường xuyên việc triển khai các quy định phòng, chống dịch của cán bộ, người lao động.

       - Tổ chức lấy mẫu xét nghiệm đối với người lao động theo quy định hoặc xét nghiệm đột xuất nếu phát hiện nguy cơ lây nhiễm.

       - Bố trí, phân bổ nhân công làm việc theo ca phù hợp đủ để đảm bảo tiến độ, khối lượng công việc vừa đảm bảo giãn cách theo quy định.

       - Kiểm soát đo thân nhiệt của công nhân trước khi lên tàu làm việc, lập sổ theo dõi công nhân lên tàu làm việc.

       - Công nhân khi làm việc phải trang bị quần áo bảo hộ lao động, găng tay, khẩu trang, kính và giữ khoảng cách an toàn khi làm việc trên tàu.

       - Công nhân không ăn, uống với thuyền viên tàu; tuyệt đối không được vào khu vực ở, sinh hoạt của thuyền viên.

       - Phương án xếp, dỡ hàng hóa được đại diện cảng và đại diện tàu biển thống nhất bằng giao tiếp qua thiết bị VHF hoặc các thiết bị thông tin liên lạc phù hợp khác để tránh tiếp xúc trực tiếp với thuyền viên tàu biển.

       - Xây dựng “Phương án phòng, chống dịch bệnh Covid-19” và các quy trình, biện pháp ứng phó, xử lý trong trường hợp có người nhiễm Covid-19 trong cảng”, thường xuyên tổ chức đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh để kịp thời bổ sung, điều chỉnh.

       - Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên ngành của đại phương trong việc thiết lập các chốt kiểm tra liên ngành; bố trí địa điểm kiểm tra phù hợp, tuyệt đối không để xảy ra ùn tắc giao thông tại cổng cảng hoặc trong cảng.

       d). Các đối tượng khác (giám định, đăng kiểm, đại lý, cung ứng tàu biển, vệ sinh, thợ kỹ thuật…)

       - Chỉ được phép lên tàu thực hiện công việc khi công tác kiểm dịch y tế đã được hoàn tất và được sự cho phép của Biên phòng cảng.

       - Khi lên tàu phải trang bị đồ bảo hộ y tế theo quy định, thực hiện giãn cách đối với thuyền viên và thực hiện các hướng dẫn phòng chống dịch của Bộ Y tế/ CDC trong suốt quá trình làm việc trên tàu.

       3. Đề nghị Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và Các khu công nghiệp, Sở Y tế, Cảng vụ Hàng hải Thanh Hóa, UBND các huyện, thị xã, thành phố trên cơ sở chức năng nhiệm vụ được giao chỉ đạo các lực lượng chức năng phối hợp với Thanh tra Sở Giao thông vận tải tổ chức triển khai hướng dẫn, kiểm tra các quy định về phòng chống dịch Covid-19 đối với hoạt động vận tải thủy nội địa, vận tải hàng hải thuộc phạm vi quản lý; xử lý nghiêm đối với các đơn vị, cá nhân vi phạm quy định về phòng chống dịch.

       Hướng dẫn vận tải hàng hải: Tải về 

       Hướng dẫn vận tải DTND: Tải về 

Nguồn: Phòng Quản lý vận tải 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ Sở Giao thông Vận tải Thanh Hóa

Chịu trách nhiệm : Trưởng Ban biên tập

Địa chỉ: 42 Đại lộ Lê Lợi, TP Thanh Hóa

Điện thoại: (02373)852.360; Fax: (02373)855.129; Email: sgtvt@thanhhoa.gov.vn