Tổ chức hoạt động vận tải hành khách "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Ngày 24/11/2021, Sở GTVT ban hành công văn số 5873/SGTVT-QLVT về việc tổ chức hoạt động vận tải hành khách "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Cập nhật: 25/11/2021
Thực hiện Công văn số 18441/UBND-CN ngày 22/11/2021 của UBND tỉnh về Kế hoạch Tổ chức hoạt động vận tải đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Những ngày gần đây, tình hình dịch COVID-19 tại các tỉnh, thành phố trên cả nước tiếp tục có những diễn biến phức tạp, nguy hiểm, số ca mắc mới trong cộng đồng tăng mạnh. Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, đã phát hiện một số ổ dịch lớn, với nhiều ca nhiễm SARS-CoV-2 lây lan ra nhiều địa phương; đặc biệt, xuất hiện các ca nhiễm SARS-CoV-2 không rõ nguồn lây, không có triệu chứng, di chuyển nhiều nơi (trong đó có lái xe vận tải từ các tỉnh, thành phố khác vào địa bàn tỉnh).
Để tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 1812/QĐ-BGTVT ngày 16/10/2021 của Bộ GTVT ban hành hướng dẫn tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải của 5 lĩnh vực (đường bộ, đường thủy nội địa, hàng hải, đường sắt, đường hàng không) đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; Công văn số 11814/BGTVT-VT ngày 08/11/2021 của Bộ GTVT về việc tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn lái xe, phụ xe tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; Quyết định số 4399/QĐ-UBND ngày 05/11/2021 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy định tạm thời “ Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 “ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Sở GTVT yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách, đơn vị quản lý và khai thác bến xe khách triển khai thực hiện các nhiệm vụ sau cho đến khi có Thông báo mới:
1. Tiếp tục triển khai và thực hiện nghiêm: Các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ, Bộ GTVT, Bộ Y tế, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh và Sở GTVT về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong hoạt động vận tải; chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của các cơ quan có thẩm quyền.
2. Nguyên tắc hoạt động vận tải hành khách
2.1. Phân loại cấp độ dịch
- Cấp 1: Nguy cơ thấp (bình thường mới) tương ứng với màu xanh.
- Cấp 2: Nguy cơ trung bình tương ứng với màu vàng.
- Cấp 3: Nguy cơ cao tương ứng với màu cam.
- Cấp 4: Nguy cơ rất cao tương ứng với màu đỏ.
2.2. Phạm vi đánh giá cấp độ dịch
Đánh giá quy mô toàn tỉnh; quy mô từng huyện, thị xã, thành phố; quy mô từng xã, phường, thị trấn; khuyến khích đánh giá từ phạm vi, quy mô nhỏ nhất có thể (dưới cấp xã) nhằm đảm bảo linh hoạt, hiệu quả.
2.3. Đối với địa bàn có cấp độ dịch cấp 1
a) Hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh: Hiện tại, chỉ được phép hoạt động các tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh từ Thanh Hóa đi/đến 06 tỉnh, thành phố: Thái Nguyên, Sơn La, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Hòa Bình (50% số chuyến/tháng), Hải Phòng (30% số chuyến/tháng) và ngược lại; đối với các tỉnh, thành phố còn lại, căn cứ vào diễn biến tình hình dịch Covid-19 và sự thống nhất của Sở GTVT nơi đến, Sở GTVT sẽ báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh chấp thuận và sẽ tổ chức để hoạt động trở lại.
b) Hoạt động vận tải hành khách nội tỉnh: Xe tuyến cố định, xe buýt, xe taxi, xe hợp đồng, xe du lịch, vận chuyển người nội bộ, thủy nội địa hoạt động bình thường.
c) Người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe đáp ứng yêu cầu tại mục 4 của Văn bản này.
2.4. Đối với địa bàn có cấp độ dịch cấp 2
a) Hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh: Tiếp tục được phép hoạt động theo quy định tại điểm a, tiểu mục 2.3, mục 2 Văn bản này.
b) Hoạt động vận tải hành khách nội tỉnh: Xe tuyến cố định, xe buýt, xe taxi, xe hợp đồng, xe du lịch, vận chuyển người nội bộ, thủy nội địa được phép hoạt động.
c) Chỉ được chở tối đa không quá 80% số ghế/chuyến (không áp dụng giãn cách đối với xe giường nằm).
d) Người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe được xét nghiệm định kỳ 01 lần/tuần và được tiêm ít nhất 01 liều vắc xin phòng Covid-19 và đáp ứng yêu cầu tại mục 4 Văn bản này.
2.5. Đối với địa bàn có cấp độ dịch cấp 3, cấp 4
a) Hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh: Tạm dừng hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh từ Thanh Hóa đi/đến các tỉnh, thành phố và ngược lại, gồm: Xe tuyến cố định, xe hợp đồng, xe du lịch, xe taxi. Trường hợp phương tiện vận tải hành khách có hành trình đi qua địa bàn có cấp độ dịch cấp 3, cấp 4 thì không được dừng, đỗ, đón trả khách.
b) Hoạt động vận tải hành khách nội tỉnh:
- Đối với địa bàn có cấp độ dịch cấp 3: Cho phép hoạt động vận tải hành khách, gồm: Xe tuyến cố định, xe buýt, xe taxi, xe hợp đồng, xe du lịch, vận tải người nội bộ, thủy nội địa. Chỉ được chở tối đa không quá 50% số ghế/chuyến (không áp dụng giãn cách đối với xe giường nằm).
- Đối với địa bàn có cấp độ dịch cấp 4: Tạm dừng hoạt động vận tải hành khách, gồm: Xe tuyến cố định, xe buýt, xe hợp đồng, xe du lịch, thủy nội địa (Xe taxi, xe vận tải người nội bộ được phép hoạt động nhưng phải đảm bảo các quy định sau: (1) Xe taxi phải có vách ngăn giữa lái xe và hành khách; số lượng xe hoạt động không quá 20% tổng số xe của đơn vị hoạt động trên địa bàn và chỉ được chở tối đa không quá 50% số ghế/chuyến; (2) Xe vận tải người nội bộ chỉ chở tối đa không quá 50% số ghế/chuyến và không quá 20 người/chuyến; thực hiện bố trí hành khách ngồi giãn cách theo quy định).
- Người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe được xét nghiệm SARS-CoV-2 định kỳ 02 lần/tuần và được tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 và đáp ứng yêu cầu tại mục 4 Văn bản này.
3. Yêu cầu đối với hành khách
- Thực hiện biện pháp phòng, chống dịch: Tuân thủ “Thông điệp 5K”; khai báo y tế theo quy định của Bộ Y tế và hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19 của địa phương nơi đi, nơi đến.
- Quy định xét nghiệm y tế:
+ Xét nghiệm các trường hợp có một trong các biểu hiện triệu chứng sốt, ho, mệt mỏi, đau họng, mất vị giác và khứu giác, khó thở…;
+ Đối với tất cả các cấp độ dịch, chỉ yêu cầu xét nghiệm một trong các trường hợp: (1) Có nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp 3; (2) Đến từ địa bàn có dịch ở cấp 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa); không yêu cầu xét nghiệm khi đi lại trong địa bàn.
+ Đối với người đã tiêm đủ liều vắc xin và người đã khỏi bệnh, chỉ xét nghiệm một trong các trường hợp: (1) Khi có yêu cầu điều tra dịch tễ; (2) Đến từ địa bàn có dịch ở cấp 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa).
+ Việc xét nghiệm SARS-CoV-2 được thực hiện bằng RT-PCR hoặc test kháng nguyên nhanh có giá trị trong vòng 72 giờ (kể từ khi nhận kết quả).
- Riêng đối với hành khách về nơi cư trú, lưu trú tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của các địa phương nơi đến.
4. Yêu cầu đối với lái xe, nhân viên phục vụ trên xe; người đi theo xe; người làm việc tại bến xe
Ngoài việc thực hiện theo yêu cầu từng cấp độ dịch tại mục 2 Văn bản này; người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe; người đi theo xe; người làm việc tại bến xe thực hiện các nội dung như sau:
- Thực hiện biện pháp phòng, chống dịch: Tuân thủ “Thông điệp 5K”; khai báo y tế theo quy định của Bộ Y tế; Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và Bộ Y tế.
- Xét nghiệm y tế:
+ Xét nghiệm các trường hợp có một trong các biểu hiện triệu chứng sốt, ho, mệt mỏi, đau họng, mất vị giác và khứu giác, khó thở…; xét nghiệm tầm soát ngẫu nhiên, định kỳ do cơ quan y tế thực hiện.
+ Xét nghiệm ngẫu nhiên đối với nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao theo kế hoạch phòng, chống dịch của đơn vị vận tải.
+ Đối với tất cả các cấp độ dịch, chỉ yêu cầu xét nghiệm đối với lái xe, nhân viên phục vụ trên xe, người đi theo xe, người làm việc tại bến xe một trong các trường hợp: (1) Có nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp 3; (2) Đến từ địa bàn có dịch ở cấp 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa); không yêu cầu xét nghiệm khi đi lại trong địa bàn; (3) Đối với người đã tiêm đủ liều vắc xin và người đã khỏi bệnh, chỉ xét nghiệm một trong các trường hợp: Khi có yêu cầu điều tra dịch tễ; Đến từ địa bàn có dịch ở cấp 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa).
- Việc xét nghiệm SARS-CoV-2 được thực hiện bằng RT-PCR hoặc Test kháng nguyên nhanh có giá trị trong vòng 72 giờ (kể từ khi nhận kết quả).
- Trước, trong và sau chuyến đi, lái xe, nhân viên phục vụ trên xe, người đi theo xe nếu có một trong các biểu hiện triệu chứng sốt, ho, mệt mỏi, đau họng, mất vị giác và khứu giác, khó thở… thì cần theo dõi sức khoẻ và thông báo ngay cho đơn vị vận tải, cơ quan y tế địa phương để triển khai quy trình xử lý dịch theo quy định.
- Trường hợp chuyến đi có hành khách, lái xe, nhân viên phục vụ trên xe, người đi theo xe dương tính với SARS-CoV-2: thực hiện theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và Bộ Y tế.
- Bố trí dung dịch sát khuẩn tay tại vị trí thuận tiện cho hành khách sử dụng; áp dụng các biện pháp thông gió tự nhiên phù hợp với từng loại hình phương tiện giao thông công cộng; yêu cầu hành khách đeo khẩu trang trong suốt quá trình di chuyển.
- Vệ sinh, khử khuẩn phương tiện hàng ngày và sau mỗi chuyến đi đối với các bề mặt tiếp xúc nhiều như bề mặt vô lăng lái, tay nắm cửa, ghế ngồi, cửa sổ, sàn phương tiện...
5. Các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách
- Tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp về phòng, chống dịch COVID-19, trong đó lưu ý một số nội dung: (1) Thông điệp 5k của Bộ Y tế: “Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế”; (2) Thực hiện nghiêm việc đăng ký mã QR-Code và dán tại các vị trí dễ nhìn trên các phương tiện để lái xe, nhân viên phục vụ, hành khách thực hiện quét mã khai báo y tế qua ứng dụng PC-COVID; (3) Phối hợp với cơ quan y tế địa phương thực hiện xét nghiệm tầm soát ngẫu nhiên cho lái xe, người đi theo xe, theo hướng dẫn của cơ quan y tế; (4) Lập và lưu trữ danh sách hành khách trên các phương tiện vận tải, các thông tin hành khách phải đầy đủ chính xác (đối với hoạt động vận tải hành khách); (5) Thường xuyên vệ sinh, khử khuẩn các vị trí, bề mặt tiếp xúc nhiều như bề mặt vô lăng lái, tay nắm cửa, ghế ngồi, cửa sổ, sàn phương tiện...
- Hiện tại, chỉ được phép hoạt động các tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh đi, đến các vùng có cấp độ dịch cấp 1, cấp 2 thuộc các tỉnh, thành phố, gồm: Thái Nguyên, Sơn La, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Hòa Bình, Hải Phòng và ngược lại. Hàng ngày, chủ động cập nhật cấp độ dịch tại các địa phương nơi đi, nơi đến trên Trang thông tin điện tử của Bộ Y tế tại địa chỉ: https://capdodich.yte.gov.vn/map để kịp thời tạm dừng hoạt động các tuyến vận tải khách cố định có bến xe nơi đi, nơi đến thuộc địa phương có cấp độ dịch cấp 3, cấp 4, đồng thời thông báo cho bến xe và hành khách trên tuyến biết để phối hợp
6. Các đơn vị quản lý và khai thác bến xe khách
- Tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong khu vực bến theo hướng dẫn của Bộ y tế, nhất là thực hiện Thông điệp 5K của Bộ Y tế, khai báo y tế điện tử qua mã QR-Code trên ứng dụng PC-COVID.
- Cập nhật hàng ngày cấp độ dịch tại các địa phương trên Trang thông tin điện tử của Bộ Y tế tại địa chỉ: https://capdodich.yte.gov.vn/map để kịp thời thông báo cho các đơn vị vị vận tải và hành khách về việc tạm dừng hoạt động các tuyến vận tải có bến xe nơi đi, nơi đến thuộc địa phương có cấp độ dịch cấp 3, cấp 4. Tuyệt đối không xác nhận lệnh vận chuyển cho phương tiện hoạt động trên tuyến vận tải khách cố định có bến xe nơi đi, nơi đến thuộc địa phương có cấp độ dịch cáp 3, cấp 4; Phối hợp với cơ quan y tế địa phương thực hiện xét nghiệm tầm soát ngẫu nhiên cho lái xe, nhân viên phục vụ theo hướng dẫn của cơ quan y tế.
- Kiểm soát chặt chẽ việc chấp hành phòng, chống dịch COVID-19, kiên quyết không cho phương tiện xuất bến nếu không thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. Tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh của Bến xe các khuyến cáo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh.
7. Đề nghị Công an tỉnh
Chỉ đạo các lực lượng chức năng, Công an các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm đối với doanh nghiệp, chủ phương tiện, người lái xe cố tình lén lút tổ chức hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh bằng xe ô tô đến các tỉnh, thành phố chưa được chấp thuận tổ chức hoạt động; vi phạm quy định phòng, chống dịch Covid-19 trong hoạt động vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh.
8. Đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố; Hiệp hội vận tải ô tô Thanh Hóa:
- Phối hợp với Sở GTVT tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền các quy định về phòng, chống dịch COVID-19 tại các mục 2, 3, 4 Văn bản này đến các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, chủ phương tiện, người dân trên địa bàn; trong Hiệp hội để thực hiện nghiệm các quy định phòng chống dịch COVID-19 theo quy định của Bộ GTVT, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh, Sở GTVT và hướng dẫn của ngành y tế; đặc biệt là việc thực hiện khai báo y tế theo quy định của ngành Y t
- Đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong hoạt động vận tải; kiên quyết xử lý nghiêm đơn vị kinh doanh vận tải, chủ phương tiện, lái xe vi phạm.
9. Đề nghị Sở GTVT các tỉnh, thành phố; Sở GTVT-XD Lào Cai: Thông báo hướng dẫn tổ chức hoạt động vận tải theo Công văn này đến các đơn vị có liên quan trên địa bàn để phối hợp thực hiện.
10. Giao Thanh tra Sở: Xây dựng kế hoạch, bố trí lực lượng, kiểm tra, giám sát các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trên các phương tiện vận chuyển khách, các bến xe; xử lý nghiêm theo quy định đối với đơn vị vận tải, chủ phương tiện, người lái xe vi phạm; định kỳ hàng tuần có báo cáo Giám đốc Sở kết quả kiểm tra, xử lý.
11. Giao Phòng Quản lý vận tải: Nắm bắt các thông tin, diễn biến của dịch bệnh COVID-19 để chủ động tham mưu cho Giám đốc Sở các giải pháp và đề xuất xử lý vi phạm đối với đơn vị kinh doanh vận tải, bến xe khách, lái xe vi phạm công tác phòng chống dịch.
Nguồn: Phòng Quản lý vận tải