Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa
  • Liên kết website
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 18

    Hôm nay: 436

    Đã truy cập: 11195927

Doanh nghiệp vận tải chuyển đổi số để thích ứng với dịch

Xu hướng giao dịch không tiếp xúc và những khó khăn

Dẫn đầu xu hướng chuyển đổi số là các DN ứng dụng gọi xe BE, Grab, GoViet... thích ứng nhanh với việc ứng dụng chuyển đổi số vào vận chuyển đồ, vận chuyển hành khách. Để phục vụ cho nhu cầu mua sắm, đi lại của khách hàng trong bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp, hạn chế tụ tập đông người ở một địa điểm, hầu hết các DN gọi xe đã áp dụng công nghệ 4.0 thành công trong việc phát triển dịch vụ mua hàng từ xa, “đem chợ về nhà”, đi chợ hộ cho người dân tại các thành phố lớn.

Với dịch vụ GrabMart (ứng dụng Grab), người dùng có thể lên ứng dụng để tìm kiếm và chọn mua các loại thực phẩm đóng hộp, thức ăn chế biến sẵn, trái cây tươi, thức uống đóng chai, rau củ quả từ các đối tác liên kết của Grab là các cửa hàng tiện lợi, chuỗi cửa hàng bán lẻ, siêu thị. Đơn hàng sẽ được gửi trực tiếp đến máy nhận đơn của các doanh nghiệp liên kết. Lái xe nhận đơn chỉ cần đến cửa hàng báo số đơn, chờ nhận và giao hàng, lược bỏ các quy trình ghi nhớ đơn hàng, mua hộ, thanh toán thủ công, nhằm rút ngắn thời gian.

Hay ứng dụng Be đang áp dụng dịch vụ  “BE đi chợ”, đáp ứng cho các khách hàng có nhu cầu mua hàng hóa thiết yếu từ bó rau, vỉ trứng... với hóa đơn không quá 500.000 đồng. Khách chọn điểm mua hàng như siêu thị, cửa hàng tiện lợi cùng món hàng muốn mua và thông qua ứng dụng kết nối với lái xe có vị trí phù hợp nhất để thực hiện công việc còn lại... Các dịch vụ 4.0 này đã và đang giải quyết được nỗi lo lắng hạn chế đến những nơi công cộng, thúc đẩy giao dịch không tiếp xúc, điểm mua bán tiếp xúc đông người như chợ truyền thống, siêu thị, tránh lây nhiễm dịch...

Đối với các DN vận tải hàng hóa, hành khách, Công ty Vận tải hành khách Hà Sơn Hải Vân đã và đang ứng dụng đặt vé qua App hoặc website, hỗ trợ hiệu quả cho DN trong các giao dịch bán vé, thanh toán online, chuyển phát hàng hóa, nâng cao hiệu quả quản lý, giảm thiểu chi phí... đặc biệt là trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, DN phải cắt giảm nhân công, giám chi phí vận hành và nâng cao các cấp độ phòng dịch. Theo lãnh đạo DN này, khách hàng chỉ cần 30 giây để tìm và đặt vé, đặt chỗ, đặt hàng phù hợp mà không phải tới bến xe hay phòng vé, trong khi mọi thông tin lái xe, địa điểm... đều minh bạch tới các cơ quan giám sát. 

Tương tự, Công ty CP Vận tải Thương mại và Dịch vụ Đất Cảng (tuyến vận tải Hải Phòng-Hà Nội) hiện nay đã “kích hoạt” hệ thống bán vé qua mạng giống như Hàng không, Đường sắt. Chỉ với điện thoại thông minh hay máy tính để bàn, hành khách có thể lên mạng đặt vé, chọn chỗ, ngày giờ đi... và thanh toán trực tuyến. Cách làm này sẽ là giải pháp hữu hiệu trong công tác phòng chống dịch Covid-19 cho cả DN và khách hàng. Theo ông Khúc Hữu Thanh Hải, với việc ứng dụng khoa học công nghệ vào vận tải, các thông tin lái xe, theo dõi vị trí di chuyển của xe, thời gian xe đón... giúp hành khách giảm thiểu rủi ro tiếp xúc cộng đồng....

Tuy nhiên, thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, dịch Covid-19 bùng phát, tiếp diễn phức tạp đang gây áp lực lớn lên các dịch vụ vận tải, nhất là với vận tải đường bộ khi doanh thu từ đầu năm đến nay giảm khoảng 80%. Các hoạt động giãn cách xã hội khiến chuỗi cung ứng vận tải bị đứt gẫy. Đáng chú ý, có đến khoảng 75% DN vận tải quy mô nhỏ lẻ, chỉ có một vài xe, thậm chí chủ xe kiêm luôn lái xe, làm ăn chụp giật. Doanh thu giảm, khiến nhiều DN phải dừng hoạt động khi xảy ra dịch bệnh và chỉ có khoảng 20% DN vận tải trong cả nước ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, do chi phí đầu tư chuyển đổi số, đầu tư mô hình tự động hóa có cao từ hàng tỷ đồng đến hàng chục tỷ đồng tùy theo quy mô DN, nên nguồn lực tài chính dành cho đầu tư quản trị kỹ thuật số trở thành những bài toán khó giải đối hầu hết DN nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước và các cơ quan liên quan. Trong khi đó, còn không ít lãnh đạo DN vận tải hoạt động theo mô hình truyền thống "ngại" thay đổi do thiếu kinh nghiệm, năng lực cạnh tranh hạn chế.

Thúc đẩy chuyển đổi số như thế nào?

Theo ông Lê Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin (Bộ GTVT), DN vận tải cả nước đa phần quy mô vừa và nhỏ. Hiện nay, bên cạnh số ít DN vận tải lớn chuyển đổi số hiệu quả, thành công, còn lại đa phần chưa phát triển được các nền tảng số kết nối giữa các chủ xe, chủ hàng, các nhà giao vận và khách hàng.

Điều quan trọng nhất hiện nay là các quy định pháp luật chưa có hành lang pháp lý bắt buộc các DN phải chuyển đổi số, giao dịch điện tử và hệ thống chia sẻ kết nối dữ liệu thống nhất giữa các ngành, lĩnh vực vận tải chưa hoàn thiện. 

Doanh nghiệp vận tải chuyển đổi số là xu hướng tất yếu

Các chuyên gia vận tải cho rằng, trên cơ sở kinh nghiệm chuyển đổi số thành công của số ít DN vận tải lớn, cần xây dựng, thử nghiệm, tiến tới bắt buộc các DN nhỏ và vừa phải có ứng dụng nền tảng công nghệ. Khi đó, DN mới có thể kê khai được các thông tin và hành trình của lái xe, hành khách vận chuyển trong ngày. Ứng dụng này cũng phải có mã QR code để hành khách khai báo y tế khi có dịch bệnh.

"Bộ GTVT sẽ rà soát, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho chuyển đổi số, thúc đẩy chính phủ số, kinh tế số, sẵn sàng thử nghiệm và áp dụng cái mới trong ngành GTVT. Đồng thời, sẽ có cơ chế, chính sách thúc đẩy chia sẻ, cung cấp dữ liệu mở và xây dựng các nền tảng cung cấp dịch vụ vận tải, logistics dưới hình thức giao dịch điện tử", ông Lê Thanh Tùng cho hay.

Qua tìm hiểu, chuyển đổi số là dữ liệu được số hóa, giúp DN vận tải dự báo được số lượng khách, xây dựng thương hiệu bền vững, giúp DN có được dữ liệu thông tin về khách hàng, Qua đó có thể tạo ra các chương trình khuyến mại, thúc đẩy khách hàng thân thiết tiếp tục sử dụng dịch vụ. Chuyển đổi số sẽ trở thành vấn đề sống còn của DN vận tải trong tương lai, buộc DN muốn tồn tại phải trang bị cho mình nền tảng công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh.

"Trong vận tải hàng hóa, trên cơ sở số hóa thông tin và vận hành theo mô hình kinh tế số, Bộ GTVT cũng sẽ xây dựng chuỗi cung ứng dịch vụ logistics kết nối các kho bãi, bến cảng, DN vận tải để giảm giá thành chi phí. Xây dựng các nền tảng số, các sàn giao dịch vận tải kết nối giữa chủ hàng, nhà giao vận và khách hàng để phát triển thành một hệ thống một cửa, giúp chủ hàng tìm phương tiện và kho bãi tối ưu", ông Lê Thanh Tùng cho biết thêm./.

Nguồn: Báo tin tức 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ Sở Giao thông Vận tải Thanh Hóa

Chịu trách nhiệm : Trưởng Ban biên tập

Địa chỉ: 42 Đại lộ Lê Lợi, TP Thanh Hóa

Điện thoại: (02373)852.360; Fax: (02373)855.129; Email: sgtvt@thanhhoa.gov.vn