Chuyển đổi số phải là quá trình nghiêm túc
Gần đây cụm từ “chuyển đổi số” được đề cập đến rất nhiều. Từ năm 2021, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng bắt đầu đánh giá, xếp hạng chuyển đổi số cấp tỉnh dựa trên 3 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số như một minh chứng, ghi nhận nỗ lực của các địa phương đối với chiến lược chuyển đổi số quốc gia.
(Ảnh minh họa).
Tại Thanh Hóa, ngày 23-9-2021, UBND tỉnh đã ban hành Bộ Chỉ số chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa để theo dõi, đánh giá một cách thực chất, khách quan và công bằng kết quả thực hiện chuyển đổi số hàng năm của các cơ quan, đơn vị. Ngày 10-11-2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đề ra mục tiêu đến năm 2025 kinh tế số chiếm 20% trở lên trong GRDP của tỉnh và 30% vào năm 2030. Đến năm 2025, Thanh Hóa có 6 huyện, thị xã, thành phố, 300 xã, phường, thị trấn trở lên hoàn thành chuyển đổi số theo Bộ tiêu chí đánh giá chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa. Đến năm 2030, tất cả các huyện, thị xã, thành phố và 80% xã, phường, thị trấn hoàn thành chuyển đổi số.
Cùng với đó, chuyển đổi số cũng là yêu cầu cấp thiết đối với doanh nghiệp nhằm góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng nền kinh tế số như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.
Chủ trì phiên họp thứ nhất Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số cuối năm 2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết chuyển đổi số là xu thế tất yếu, không thể không làm, nhưng không được làm một cách hình thức. Trong thực hiện chuyển đổi số chúng ta có những mặt được, nhưng cũng còn nhiều việc chưa được.
Tại hội thảo “Kinh nghiệm xây dựng lộ trình chuyển đổi số cho doanh nghiệp Việt Nam” vừa diễn ra, một số ý kiến cho rằng hiện nay một số doanh nghiệp đang quan niệm chuyển đổi số đơn thuần chỉ là bỏ tiền ra mua máy móc, công nghệ. Nhận thức này rất sai lầm dẫn đến lãng phí nguồn lực. Đó mới chỉ là việc làm có tính “số hóa”, chuyển từ phương pháp làm việc truyền thống sang kỹ thuật số.
Từ yêu cầu này đòi hỏi các cấp, ngành, cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phải hiểu đúng về vị trí, vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo và thực hiện chuyển đổi số. Đây là quá trình chuyển đổi nghiêm túc, chứ không phải là một cuộc “dạo chơi”, làm theo phong trào. Theo đó, chuyển đổi số phải là quá trình chuyển đổi về tư duy, chiến lược làm việc, từ đó dẫn đến thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh để nâng tầm giá trị sản phẩm và chất lượng việc làm, chứ không phải chỉ là sự thay đổi có tính cơ học dựa trên số lượng máy móc và phần mềm mà cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp sở hữu.
Trong chuyển đổi số không thể thiếu công nghệ, nhưng đây là giai đoạn sau cùng. Quan trọng nhất vẫn phải là chuẩn hóa quy trình, chuẩn bị về tư tưởng, tâm thế, con người trước khi quyết định sẽ áp dụng công nghệ nào. Nói cách khác, để “chuyển đổi số”, thì trước tiên phải chuyển đổi được tư tưởng, nhận thức đã.
Nguồn: Báo Thanh Hóa