Tăng cường công tác đảm bảo giao thông trên tuyến đường miền núi
Với 13 tuyến quốc lộ và 48 tuyến đường tỉnh lộ, trong số đó có trên 60% nằm ở khu vực miền núi, vào mùa mưa bão trên tuyến đường thường xuyên xảy ra tình trạng sạt lở, đất đá rơi xuống mặt đường, các công trình cầu cống bị xói trôi, hư hỏng, không chỉ ảnh hưởng tới việc lưu thông trên tuyến, mà còn tiềm ẩn nguy cơ cao mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông. Để đảm bảo giao thông trên tuyến, Sở Giao thông vận tải đã yêu cầu các đơn vị quản lý đường bộ huy động nhân lực, bố trí phương tiện, máy móc, tập trung khắc phục đảm bảo lưu thông trên tuyến.
Cập nhật: 29/8/2022
Hơn 160m3 đá đã được đơn vị quản lý đường bộ phá dỡ từ 4 phiến đá lăn trên đỉnh đồi xuống đường tỉnh 530C sông Lò- Nam Động, huyện Quan Hóa ngày 9/8 vừa qua. Đây cũng là lần thứ 2 trong tháng xảy ra tình trạng đá lăn xuống đường.
Còn tại Km 144+760, quốc lộ 217 qua thị trấn Sơn Lư, huyện Quan Sơn, do ảnh hưởng của cơn bão số 2 vừa qua đã khiến hơn 70m đường bị sạt taluy âm và mặt đường bị lún xuống 15 phân ăn sâu vào hơn ½ mặt đường, rất nguy hiểm cho các phương tiện lưu thông trên tuyến.
Ngoài ra, trên các quốc lộ 217, quốc lộ 15, 15C, quốc lộ 16 có tới 486 vị trí sạt lở taluy dương, 17 vị trí sạt lở taluy âm và trên 9 tuyến đường tỉnh lộ qua các huyện: Mường Lát, Quan Hóa, Bá Thước, Cẩm Thủy nhiều vị trí sạt lở taluy dương và taluy âm cùng nhiều hạng mục công trình cầu, cống trên tuyến bị xói trôi.
Ông Lê Văn Phước, Giám đốc Công ty cổ phần quản lý đường bộ 2 Thanh Hóa cho biết thêm "vị trí này bị sụt trượt đơn vị đã xử lý 2 lần. Tuy nhiên, do địa chất ở đây không ổn định, phía taluy âm vực và gần sông, taluy dương thì vách núi cao và đứng, hiện chưa có giải pháp để xử lý taluy dương hoặc xử lý taluy âm. Trước mắt đơn vị đã đào, đâm lèn hoàn trả kết cấu mặt đường để đảm bảo giao thông qua lại".
Ông Hoàng Vũ Thạo, Phó giám đốc Ban quản lý bảo trì công trình giao thông và điều hành hoạt động vận tải hành khách công cộng, Sở giao thông vận tải Thanh Hóa cho biết "Sở GTVT đã tổng hợp báo cáo Bộ GTVT, Tổng Cục đường bộ Việt Nam và UBND tỉnh cho chủ trương xử lý khẩn cấp và bố trí kinh phí để khắc phục các hư hỏng, công trình đường bộ lớn như: hư hỏng cầu, tràn, cống hay công trình sạt taluy, đá lăn chắn ngang đường để đảm bảo ổn định công trình và an toàn cho phương tiện, người dân". Đến nay, các tuyến đường khu vực miền núi đã cơ bản khắc phục bước 1, tạm thời cho phương tiện lưu thông.
Nguồn: Truyền hình Thanh Hóa