Khai thác tiềm năng, lợi thế cảng biển ở Thanh Hóa
Thanh Hóa có các phương thức vận tải: đường bộ, hàng không, đường sắt, cảng biển, đường thủy nội địa. Lợi thế về cảng biển đã và đang được khai thác nhưng chưa tương xứng với tiềm năng.
Cập nhật: 20/12/2022
Một góc lợi thế cảng biển ở Khu kinh tế Nghi Sơn.
Tại cụm cảng biển phía nam đảo Nghi Sơn mới có thêm hai cảng tổng hợp Long Sơn hoàn thành xây lắp, Cảng tổng hợp Quang Trung đang đẩy nhanh tiến độ thi công. Vùng biển kín, lọt giữa hai xã: Nghi Sơn, Hải Hà, giờ sâu, rộng hơn, nối dài những bến cập tàu, vươn cao hệ thống tháp cẩu, sôi động phương tiện ra, vào.
Đường bộ ven biển nối thông sang thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An, thuận lợi cho phương tiện cơ giới trung chuyển hàng hóa và khu vực này hội tụ nhiều doanh nhân, doanh nghiệp, khá đông người lao động ở Nghệ An tham gia khai thác tiềm năng cảng biển.
Tại Cảng tổng hợp PTSC, tàu đang cập bến bốc xếp đá vôi, đá xanh, đá trắng, dăm gỗ, nhộn nhịp phương tiện trung chuyển. Phụ trách kinh doanh, dịch vụ, Phạm Hùng bộc bạch: Năng động khai thác nguồn hàng, hiện đại hóa thiết bị xếp, dỡ, hợp lý hóa sản xuất, cảng đã đạt sản lượng xếp dỡ hơn 4 triệu tấn hàng hóa trong năm. Doanh nghiệp mới được chấp thuận đầu tư thêm 500-800m cầu cảng, nạo sâu luồng nước trước bến đạt âm 13-14m để đón tàu 100 nghìn tấn cập cảng. Đơn vị cũng đã làm việc với một số hãng vận tải container, dự kiến thuê bến cảng cùng thiết bị chuyên dụng để đón tàu, xếp, dỡ, trung chuyển hàng hóa.
Quy hoạch Cảng biển Nghi Sơn-Thanh Hóa đến năm 2020 có 29 cầu cảng, bến phao, khu neo đậu, luồng ra vào cảng đáp ứng tàu tải trọng 30.000-50.000 tấn; đến năm 2030 có 33 cầu cảng, hàng hóa thông qua cảng biển đạt 56,4-65,6 triệu tấn/năm.
Thanh Hóa hiện có 35 cầu cảng, bến phao, khu neo đậu đang hoạt động; đang đầu tư 4 cầu cảng, hoàn thành trong giai đoạn 2022-2025. Năm 2021, lượng hàng hóa qua cảng biển đạt hơn 43 triệu tấn; năm nay ước đạt 45 triệu tấn.
Những năm gần đây, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được quan tâm đầu tư theo hướng đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các công trình có tính kết nối, lan tỏa lớn, kết nối các vùng kinh tế, các khu công nghiệp trọng điểm, các cửa khẩu, các khu đô thị. Nổi bật là tuyến từ Cảng hàng không Thọ Xuân đi Khu kinh tế Nghi Sơn, đường vành đai phía tây thành phố Thanh Hóa, đường ven biển, đoạn thành phố Sầm Sơn-Quảng Xương đã đưa vào khai thác. Qua đó kết nối, thúc đẩy lưu thông hàng hóa, phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Theo Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa: Số lượng cầu cảng, bến phao, khu neo đậu, tải trọng tàu tiếp nhận, các chỉ tiêu về lượng hàng hóa qua cảng cơ bản đạt mục tiêu quy hoạch đề ra. Riêng nạo vét luồng ra, vào cảng chưa đạt mục tiêu theo quy hoạch.
Trao đổi với một số doanh nghiệp khai thác cảng biển ở Khu kinh tế Nghi Sơn, chúng tôi được biết, dịch vụ xếp, dỡ hàng hóa thương mại đạt hơn 60% năng lực hiện có do sản lượng hàng hóa bốc, dỡ, trung chuyển qua cảng biển khu vực này chưa nhiều, chủng loại chưa phong phú.
Thanh Hóa đã và đang có chủ trương, chính sách thu hút khai thác lợi thế, tiềm năng cảng biển; đặc biệt là chính sách hỗ trợ các phương tiện vận tải biển quốc tế, nội địa, hỗ trợ các doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa bằng container qua Cảng Nghi Sơn. Cụm cảng nam Nghi Sơn đã tiếp nhận cỡ tàu 70.000 tấn giảm tải; bắc Nghi Sơn tiếp nhận cỡ tàu từ 40.000 tấn; cảng Lễ Môn và Quảng Châu tiếp nhận tàu 1.000 tấn. Dù vậy, lượng hàng hóa thông qua từng khu bến, cảng chưa đồng đều; một số dự án đầu tư hạ tầng cảng biển chậm triển khai, ảnh hưởng đến việc hoạch định, phát triển hạ tầng cảng biển. Luồng hàng hải không đáp ứng tiến độ đầu tư, khai thác của các bến, cảng, làm hạn chế khả năng khai thác cảng biển; chưa hình thành trung tâm logistics, cảng cạn, kết nối vận tải đa phương thức. Ở Khu kinh tế Nghi Sơn, giao thông kết nối với cảng biển chưa hoàn thiện theo quy hoạch, chưa kết nối với tuyến đường bộ cao tốc, chưa có đường sắt tới Cảng Nghi Sơn. Cảng biển Quảng Châu, Quảng Nham, chưa được đầu tư xây dựng.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Liêm trao đổi: Những vị trí lợi thế cảng biển nước sâu đã bố trí cho các nhà đầu tư sản xuất, kinh doanh gắn với khai thác cảng chuyên dụng. Dư địa khai thác cảng biển còn nhiều nhưng chi phí giải phóng mặt bằng, mức đầu tư lớn và cần tiếp tục quan tâm đầu tư hoàn thiện đồng bộ hạ tầng cảng biển. Bộ Giao thông vận tải đã đầu tư 720 tỷ đồng, triển khai nạo vét luồng dùng chung, đoạn từ phao số 0 đến bến số 6, dài 5,3km, rộng 150m, cao độ -12,5m khu vực nam Nghi Sơn, thực hiện đến năm 2024.
Thanh Hóa đề xuất tiếp tục nạo vét luồng từ phao số 0 đến đê Bắc, dài 7km, rộng 300m, cao độ từ -11,5m đến -12,5m từ nguồn vốn vay ODA. Bài toán đặt ra là quy hoạch tổng thể quốc gia phải chỉ ra thế mạnh, lợi thế từng địa phương, phân công theo định hướng, kết nối giữa các địa phương, vùng, miền và trong liên kết, hợp tác, các địa phương phải chia sẻ, điều tiết, giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích, cùng phát triển.
Nguồn: Báo Nhân dân