Sở Giao thông vận tải Thanh Hóa
  • Liên kết website
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 43

    Hôm nay: 1425

    Đã truy cập: 11224150

Thực hiện các giải pháp quản lý, bảo vệ hành lang an toàn đường bộ

Thời gian qua, ngành giao thông và các địa phương trong tỉnh đã tích cực thực hiện nhiều giải pháp quản lý, bảo vệ hành lang an toàn đường bộ, góp phần bảo đảm an toàn giao thông cho người và phương tiện tham gia lưu thông trên các tuyến đường bộ

Cập nhật: 18/11/2023

Tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ trên Quốc lộ 47 đoạn qua Khu Công nghiệp Lễ Môn (TP Thanh Hóa)
làm nơi bán hàng, gây mất an toàn giao thông
 

Hiện nay, hệ thống đường bộ trên địa bàn tỉnh dài khoảng 25.508,8 km. Trong đó, quốc lộ (QL) có 13 tuyến dài 1.299,8 km; đường tỉnh có 67 tuyến và 11 tuyến đường khác dài 1.846,4 km; các tuyến đường huyện dài 1.736,4 km; đường đô thị dài 1.301,5 km; đường xã dài 4.347,1 km; đường chuyên dùng 103,9 km; đường thôn, xóm, bản... dài khoảng 14.873,7 km.

Trong những năm qua, hệ thống giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh đã quan tâm được đầu tư, xây dựng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với việc đầu tư xây dựng mới các tuyến đường, ngành giao thông đã phối hợp với các địa phương chú trọng thực hiện công tác quản lý, bảo vệ hành lang an toàn đường bộ, giải tỏa vi phạm, chống lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè.

Tuy nhiên, hiện trên một số tuyến đường vẫn xảy ra tình trạng vi phạm về hành lang an toàn đường bộ, nhất là trên các tuyến QL, đường tỉnh, làm hư hỏng đường, nguy cơ gây tai nạn giao thông. Từ đó, phát sinh nhiều đoạn tuyến tiềm ẩn, điểm đen tai nạn giao thông. Từ năm 2020 đến tháng 9/2023, các lực lượng có liên quan của tỉnh đã phối hợp với các địa phương kiểm tra, phát hiện và lập biên bản vi phạm 1.050 trường hợp vi phạm hàng lang an toàn giao thông đường bộ. Các vi phạm chủ yếu là xây dựng công trình lều quán, dựng rạp đám cưới, san lấp mặt bằng, tập kết vật liệu trái phép trong phạm vi hành lang an toàn đường bộ. Ngoài ra, các hoạt động phơi nông sản, rơm rạ trên các tuyến đường bộ; đấu nối trái phép; đắp vuốt ra mặt đường làm lối đi vào nhà; các khu dân cư, khu dịch vụ thương mại quy hoạch không có đường gom mà đấu nối trực tiếp ra đường chính...

Để xảy ra tình trạng trên, ngoài các nguyên nhân khách quan, còn do ý thức chấp hành pháp luật của một số người dân, doanh nghiệp còn chưa cao. Chính quyền một số địa phương, ban quản lý dự án ở địa phương chưa thực hiện hết trách nhiệm trong công tác quy hoạch dọc hai bên đường và công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng, hành lang an toàn đường bộ. Việc quy hoạch các khu dân cư, khu công nghiệp, thương mại dịch vụ dọc hai bên đường nhưng không chú ý bố trí các khu dịch vụ đi kèm, dẫn đến tình trạng người dân lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ để lập chợ cóc, dịch vụ ăn uống, bãi trông giữ xe...

Trước thực trạng trên, hằng năm, ngành giao thông đã xây dựng kế hoạch và phối hợp với các địa phương trong tỉnh tổ chức giải tỏa các vi phạm hành lang trên các tuyến đường QL, đường tỉnh trọng điểm. Ngoài ra, các địa phương, như các huyện: Triệu Sơn, Cẩm Thủy, Vĩnh Lộc, Hoằng Hóa, Hà Trung, Thiệu Hóa và thị xã Bỉm Sơn, TP Thanh Hóa đã triển khai các đợt ra quân giải tỏa vi phạm hành lang an toàn đường bộ, giải tỏa các chợ cóc, chợ tạm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè...

Từ ngày 10/7 đến 10/8/2023, ngành giao thông và các địa phương đã tổ chức các lực lượng ra quân thực hiện lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ trên các tuyến QL 15, QL 15C, QL 16, QL 47, QL 47B, QL 47C, QL 217, QL 217B và các tuyến đường tỉnh 511, đường tỉnh 521, đường tỉnh 521E, đường tỉnh 530, đường tỉnh 530B, Pù Nhi - Mường Chanh. Qua kiểm tra, các lực lượng đã xử lý được 439 trường hợp vi phạm quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Đồng thời, tổ chức tháo dỡ, cắt bỏ mái tôn, mái vẩy, bán bình, tường rào, biển quảng cáo; cào bóc vuốt nối bê tông vào nhà dân; cắt, hạ, phát quang cây cối đảm bảo tầm nhìn; giải tỏa chợ cóc tự phát trên các tuyến đường giao thông.

Để công tác quản lý lòng đường, vỉa hè, hành lang an toàn đường bộ ngày càng tốt hơn, ngành giao thông và các địa phương đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho các tầng lớp Nhân dân về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đảm bảo “đường thông, hè thoáng”. Các địa phương không cấp đất, giao đất, cấp phép xây dựng công trình trong phạm vi hành lang an toàn đường bộ của các tuyến đường. Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Tỉnh ủy theo Văn bản số 215-CV/TU, ngày 31/5/2021 và theo Văn bản số 9723/UBND-CN, ngày 7/7/2021 của UBND tỉnh về việc không quy hoạch các công trình trải dài theo các trục đường. Các địa phương chủ động giải quyết và phối hợp chặt chẽ với ngành giao thông, các ngành, đơn vị liên quan trong công tác quản lý, bảo vệ hành lang an toàn đường bộ. Đồng thời, xử lý vi phạm kịp thời, không để xảy ra tình trạng vi phạm, tái lấn chiếm lòng lề đường. Cùng với đó, giải quyết dứt điểm các vi phạm còn tồn tại trên địa bàn, đặc biệt là các vị trí đấu nối không đảm bảo quy định.

Các địa phương thường xuyên bố trí lực lượng thực hiện công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên các tuyến đường thuộc phạm vi quản lý.

Nguồn: Báo Thanh Hóa 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ Sở Giao thông Vận tải Thanh Hóa

Chịu trách nhiệm : Trưởng Ban biên tập

Địa chỉ: 42 Đại lộ Lê Lợi, TP Thanh Hóa

Điện thoại: (02373)852.360; Fax: (02373)855.129; Email: sgtvt@thanhhoa.gov.vn