Hiện nay, các đơn vị quản lý, bảo trì đường bộ đang tích cực thực hiện các giải pháp nhằm kéo dài thời gian khai thác và sử dụng các công trình giao thông trên địa bàn tỉnh, góp phần đảm bảo an toàn giao thông và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Ban Quản lý bảo trì Công trình giao thông và điều hành hoạt động vận tải hành khách công cộng (gọi tắt là Ban Bảo trì) thuộc Sở Giao thông vận tải được ủy thác quản lý, bảo trì 75 tuyến, đoạn tuyến đường bộ với chiều dài 2.351 km. Trong đó, gồm 8 tuyến Quốc lộ (QL) với chiều dài 801 km và 67 tuyến đường tỉnh (ĐT) với chiều dài 1.550 km; 23 tuyến đường thủy nội địa với chiều dài 761 km và quản lý hạ tầng, hoạt động của 17 tuyến xe buýt trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế, các tuyến QL ủy thác quản lý chủ yếu là đường miền núi (chiếm 2/3 tổng chiều dài quản lý), điều kiện địa hình khó khăn và thường xuyên chịu ảnh hưởng trực tiếp của các đợt mưa bão, như: sạt lở taluy, ngập lụt gây tắc đường, hư hỏng nặng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Ngoài ra, các QL ủy thác chủ yếu được nâng cấp từ ĐT có mặt đường nhỏ hẹp, hư hỏng, xuống cấp... lại phải chịu áp lực từ lưu lượng vận tải tăng nhanh, xe tải trọng nặng. Hiện nay, khi các đơn vị bảo trì triển khai thực hiện công tác khắc phục hậu quả thiên tai đảm bảo giao thông bước 1 theo Thông tư số 43/2021/TT-BGTVT, ngày 31/12/2021 có vướng mắc, bất cập với thực tế, như: Sau khi cấp có thẩm quyền công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai, thì cơ quan quản lý đường bộ được khắc phục, xử lý ùn tắc giao thông tạm. Sau đó, các đơn vị phải có khảo sát sơ bộ, đưa ra giải pháp thiết kế khắc phục, có khái toán kinh phí để báo cáo cấp có thẩm quyền ban hành quyết định Lệnh xây dựng công trình khẩn cấp, nên cơ quan quản lý đường bộ không có cơ sở để triển khai thực hiện. Hệ thống đường gom dọc các tuyến QL trên địa bàn tỉnh chưa được xây dựng trong khi nhu cầu đấu nối vào các dự án dọc đường là rất nhiều. Do lịch sử để lại, dọc các tuyến QL, ĐT phạm vi đất hành lang an toàn đường bộ cơ bản đã được cấp quyền sử dụng đất, công trình trên đất nên việc giải phóng mặt bằng, xây dựng đường gom trong điều kiện hiện nay là không khả thi. Một số địa phương chưa thực hiện tốt chức năng, trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, còn để hiện tượng tái vi phạm, tái lấn chiếm diễn ra. Hiện nay, kinh phí quản lý, bảo dưỡng thường xuyên được bố trí 50 triệu đồng/km/năm mới đáp ứng được khoảng 1/3 so với nhu cầu thực tế. Mặt khác, công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên QL đã áp dụng định mức mới theo Thông tư số 44/2021/TT-BGTVT, ngày 31/12/2021, tuy nhiên một số công việc vẫn chưa được điều chỉnh định mức để phù hợp hơn so với thực tế, một số hạng mục còn chưa được bổ sung. Bên cạnh đó, nguồn vật tư, vật liệu tại một số địa phương có tình trạng khan hiếm; đồng thời giá cả vật tư, vật liệu biến động nên ảnh hưởng ít nhiều đến quá trình triển khai thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng đường bộ...
Trước thực trạng trên, hằng năm, Ban Bảo trì đã tập trung rà soát, thống kê kết cấu hạ tầng hệ thống đường bộ và đường thủy được ủy thác quản lý. Đồng thời, tập trung thực hiện các gói thầu quản lý, bảo dưỡng thường xuyên hệ thống QL, ĐT, đường thủy nội địa và quản lý hạ tầng vận tải hành khách công cộng. Ngay từ đầu mùa mưa bão, Ban Bảo trì đã đôn đốc các đơn vị bảo trì đường bộ xây dựng phương án phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai trên các tuyến đường; thường trực, kịp thời khắc phục khi có sự cố xảy ra do ảnh hưởng của mưa bão, đảm bảo giao thông thông suốt và an toàn trên các tuyến đường tỉnh. Qua đó, các hư hỏng nhỏ đã được các đơn vị kịp thời được sửa chữa, cơ bản mặt đường không còn ổ gà, không có vị trí lún lõm cục bộ sâu, tầm nhìn thông thoáng, hệ thống an toàn giao thông cơ bản đầy đủ, sáng rõ, giao thông đảm bảo, thông suốt và an toàn.
Ông Trần Nhật Thành, Giám đốc Ban Bảo trì, cho biết: Năm 2023, Ban Bảo trì đang triển khai thực hiện 25 dự án sửa chữa định kỳ, đột xuất, xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn giao thông trên các tuyến QL; 63 dự án sửa chữa định kỳ các tuyến ĐT và 6 dự án sửa chữa định kỳ các tuyến đường thủy nội địa với tổng nguồn vốn được giao 641,8 tỷ đồng. Ban Bảo trì đã tích cực thực hiện các giải pháp, đôn đốc các đơn vị thi công bảo đảm tiến độ, chất lượng, giải ngân vốn, đảm bảo an toàn trong thi công xây dựng và bảo vệ môi trường. Đến tháng 10/2023, Ban Bảo trì đã giải ngân được 474,6 tỷ đồng đạt 74% tổng số vốn được giao. Cùng với đó, Ban Bảo trì tăng cường đưa các công nghệ mới, vật liệu mới trong quá trình bảo trì đường bộ. Vì vậy, các công trình, gói thầu sửa chữa định kỳ, đột xuất, xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn giao thông trên các tuyến giao thông trên địa bàn tỉnh đảm bảo chất lượng, đáp ứng tiến độ theo yêu cầu.
Nguồn: Báo Thanh Hóa