Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Thanh Hoá về việc mở tuyến đường gom trên địa phận huyện Hoằng Hóa
Bộ GTVT vừa có Văn bản số 3222/BGTVT-KCHT gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá về việc trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội sau Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Cập nhật: 30/3/2024
Trước đó, ngày 24/1/2024, Bộ GTVT nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Thanh Hoá do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 48/BDN, nội dung kiến nghị như sau:
Đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo mở tuyến đường gom để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông, tuyến đường sắt qua địa phận huyện Hoằng Hóa đoạn từ xã Hoằng Trung đến xã Hoằng Quỳ có nhiều lối mở dân sinh gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông; làm lại gờ giảm tốc, tấm bê tông trước đây đã lắp đặt trên QL1 tại nút giao cắt QL1 và đường sắt tại ngã tư giao điểm cổng làng Phú Khê.
Bộ GTVT trân trọng cảm ơn cử tri và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá đã quan tâm, góp ý đối với công tác quản lý, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá nhằm giúp công tác quản lý nhà nước của Bộ ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của xã hội và người dân.
Về nội dung kiến nghị của cử tri nêu trên, Bộ GTVT trả lời như sau:
Đối với đề nghị mở tuyến đường gom để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông trên địa phận huyện Hoằng Hóa:
Theo nội dung Đề án đảm bảo trật tự hành lang an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 358/QĐ-TTg ngày 10/3/2020, trên địa phận huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa được quy hoạch xây dựng khoảng 5 km đường gom dọc tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh để xóa bỏ các lối đi tự mở qua đường sắt. Theo đó, UBND tỉnh Thanh Hoá là cơ quan chịu trách nhiệm tổ chức đầu tư xây dựng đường gom nêu trên bằng nguồn kinh phí bố trí từ ngân sách của địa phương hoặc từ ngân sách trung ương phân bổ cho địa phương, giai đoạn 2021-2025.
Về kinh phí thực hiện, Bộ GTVT đã báo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính ưu tiên bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách Trung ương để hỗ trợ cho các địa phương theo từng dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhằm xóa bỏ các lối đi tự mở qua đường sắt theo quy định.
Trong quá trình triển khai thực hiện, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo Cục ĐSVN, Tổng công ty ĐSVN phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hoá trong việc đầu tư xây dựng đường gom dọc đường sắt nêu trên nhằm đảm bảo tiến độ và theo quy định của pháp luật.
Về việc làm lại gờ giảm tốc, tấm đan bê tông trước đây đã lắp đặt tại nút giao cắt giữa đường sắt và đường QL1 (tại cổng làng Phú Khê):
Vị trí giao cắt giữa QL1 (tại cổng làng Phú Khê) với đường sắt tại Km163+450, tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh là lối đi tự mở qua đường sắt, đã được Bộ GTVT thống nhất nâng cấp thành đường ngang công cộng. Hiện tại, tại khu vực lối đi tự mở này đã được địa phương đầu tư sơn kẻ vạch dừng, gờ, gồ giảm tốc, cắm biển hạn chế giao thông và hỗ trợ kinh phí để thực hiện cảnh giới (12/24h) đảm bảo an toàn giao thông đường sắt.
Theo phản ánh của cử tri, hiện tại một số hạng mục như: gờ giảm tốc, tấm bê tông trước đây đã lắp đặt đã bị hư hỏng, việc sửa chữa các hạng mục công trình nêu trên thuộc trách nhiệm của UBND tỉnh Thanh Hoá. Do đó, đề nghị cử tri có ý kiến gửi UBND tỉnh Thanh Hoá để được sửa chữa theo thẩm quyền.
Trên đây là trả lời của Bộ GTVT đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Thanh Hoá, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá để trả lời cử tri và rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, góp ý của cử tri đối với ngành GTVT./.